Câu 1. Bằng những sự kiện lịch sử, hãy chứng minh câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (3 – 1964) : “Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới”.
– Từ 1954 – 1957: sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, đã bắt tay vào công cuộc cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Qua 5 đợt cải cách ruộng đất, giai cấp địa chủ căn bản bị xóa bỏ, nông dân làm chủ nông thôn, khẩu hiệu “người cày có ruộng” được thực hiện.
+ Trong nông nghiệp, nông dân hăng hái khai khẩn ruộng đất hoang, mua sắm nông cụ, tăng thêm sức kéo của trâu bò, hệ thống đê điều được tu bổ.
+ Trong công nghiệp, giai cấp công nhân đã nhanh chóng khôi phục và cho xây dựng nhiều cơ sở công nghiệp; các ngành thủ công nghiệp cũng được khôi phục nhanh chóng.
+ Thương nghiệp, hệ thống mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã được mở rộng, cung cấp ngày càng nhiều mặt hàng phục vụ đời sống nhân dân; hoạt động ngoại thương dần dần tập trung trong tay nhà nước.
+ Giao thông vận tải được chú trọng.
+ Văn hóa giáo dục, y tế được đẩy mạnh.
– Từ 1958 – 1960: miền Bắc thực hiện cải cách quan hệ sản xuất, bước đầu phát triển kinh tế – văn hóa. Miền Bắc lấy cải tạo xã hội chủ nghĩa làm trọng tâm: cải tạo đối với công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ, công thương nghiệp tư bản tư doanh, trong đó khâu chính là hợp tác hóa nông nghiệp.
– Từ 1961 – 1965: miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, với nhiệm vụ là ra sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp, tiếp tục công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố và tăng cường thành phần quốc doanh, cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân lao động, củng cố quốc phòng tăng cường trật tự và an ninh xã hội.
Câu 2. Trình bày nội dung cơ bản của con đường giải phóng dân tộc mà Nguyễn Ái Quốc đã xác định cho cách mạng Việt Nam trong những năm 20 (thế kỷ XX).
– Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa phải gắn liền với giải phóng giai cấp, độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
– Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới, có quan hệ với cách mạng vô sản chính quốc, song không ỷ lại, trông chờ vào cách mạng chính quốc.
– Cách mạng ở các nước thuộc địa là “cuộc dân tộc cách mệnh”, có nhiệm vụ chống đế quốc và tay sai, thực hiện độc lập dân tộc, từng bước thực hiện khẩu hiệu ruộng đất cho dân cày.
– Giai cấp nông dân là một lực lượng cách mạng to lớn, nông dân và công nhân là hai người bạn đồng minh tự nhiên phải giải phóng nông dân, song giai cấp nông dân muốn giải phóng phải đặt dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân.
– Ngoài công nông là gốc của cách mạng, cần phải tập hợp bầu bạn cách mạng như học trò, nhà buôn, điền chủ nhỏ…
– Thực hiện đoàn kết quốc tế.
– Phải lãnh đạo, tổ chức quần chúng đấu tranh để tiến lên lật đổ giai cấp thống trị. Cách mạng là việc chung của cả dân chúng, chứ không phải là việc của vài người.
– Sự lãnh đạo của một đảng cách mạng là điểm “cốt tử” đầu tiên của cách mạng, Đảng đó phải theo chủ nghĩa Mác – Lênin.