Soạn bài online – Ôn thi lịch sử thế giới
Câu 48. Trình bày những nét chính về tình hình kinh tế và khoa học – kỹ thuật, chính trị – xã hội của nước Mĩ từ năm 1945 đến năm 1991 và nguyên nhân Mĩ trở thành trung tâm kinh tế – tài chính duy nhất của thế giới trong khoảng hai thập niên đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Hướng dẫn làm bài
I/ Nước Mĩ từ năm 1945 đến năm 1973.
1. Kinh tế: Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế Mĩ phát triển nhanh chóng. Trong khoảng nửa sau những năm 40, tổng sản phẩm quốc dân tăng trung bình hằng năm là 6%.
* Công nghiệp: sản lượng công nghiệp Mĩ chiếm hơn nửa sản lượng công nghiệp toàn thế giới (56,5% năm 1948).
* Nông nghiệp: Sản lượng nông nghiệp tăng 27% so với trước chiến tranh. Sản lượng nông nghiệp gấp 2 lần sản lượng của Anh + Pháp + Tây Đức + Italia + Nhật Bản.
* Tài chính: Nắm ¾ trữ lượng vàng trên toàn thế giới. Là nước chủ nợ thế giới.
* Hơn 50% tàu bè đi lại trên biển.
* Nền kinh tế Mĩ chiếm gần 40% tổng sản phẩm kinh tế thế giới.
-> Trong khoảng hai thập niên đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mĩ là trung tâm kinh tế – tài chính duy nhất của thế giới. Từ thập kỉ 70 đến nay, địa vị của Mĩ trong thế giới tư bản giảm đi song vẫn là cường quốc số một thế giới.
* Nguyên nhân :
Lãnh thổ rộng lớn, tài nguyên phong phú, khí hậu thuận lợi…
Mĩ có nguồn nhân lực dồi dào, trình độ kỹ thuật cao, năng động, sáng tạo…
Mĩ tham gia Chiến tranh thế giới thứ hai muộn hơn, tổn thất ít hơn so với nhiều nước khác. Hơn nữa, Mĩ còn lợi dụng chiến tranh để làm giàu từ bán vũ khí…
Mĩ là nước khởi đầu cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại của thế giới. Việc áp dụng thành công những thành tựu của cuộc cách mạng này đã cho phép Mĩ nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, điều chỉnh hợp lý cơ cấu sản xuất.
Trình độ tập trung tư bản và sản xuất cao, cạnh tranh có hiệu quả ở trong và ngoài nước…
Các chính sách và hoạt động điều tiết của nhà nước có hiệu quả…
-> Trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của nền kinh tế Mĩ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thì nguyên nhân nào là quan trọng nhất và có thể giúp ích cho các nước đang phát triển trong việc xây dựng nền kinh tế của mình ?
Mĩ biết dựa vào thành tựu cách mạng khoa học – kĩ thuật. Cho nên, Mĩ đã điều chỉnh lại hợp lý cơ cấu sản xuất, cải tiến kỹ thuật và nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm. Nhờ đó mà nền kinh tế Mĩ phát triển nhanh chóng, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân Mĩ có nhiều thay đổi. Sự phát triển về kinh tế và khoa học – kĩ thuật đã giúp Mĩ có ưu thế về chính trị trên toàn cầu.
2. Khoa học – kĩ thuật: Mĩ là nước khởi đầu cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại và đã đạt nhiều thành tựu: đi đầu trong lĩnh vực chế tạo công cụ sản xuất mới (máy tính điện tử, máy tự động); vật liệu mới (polyme, vật liệu tổng hợp); năng lượng mới (nguyên tử, nhiệt hạch); sản xuất vũ khí, chinh phục vũ trụ,“cách mạng xanh” trong nông nghiệp…
3. Về chính trị – xã hội:
– Duy trì và bảo vệ chế độ tư bản.
-Chính trị – xã hội không hoàn toàn ổn định: mâu thuẫn giai cấp, xã hội và sắc tộc…
– Đấu tranh giai cấp, xã hội ở Mĩ diễn ra mạnh mẽ: Đảng Cộng sản Mĩ đã có nhiều hoạt động đấu tranh vì quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
4. Về đối ngoại:
– Dựa vào sức mạnh quân sự, kinh tế để triển khai chiến lược toàn cầu với tham vọng làm bá chủ thế giới. Tháng 3 – 1947, trong diễn văn đọc trước Quốc hội Mĩ, Tổng thống Truman công khai tuyên bố: “Sứ mệnh lãnh đạo thế giới tự do chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản”.
– Mục tiêu:
Ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa xã hội.
Đàn áp phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào chống chiến tranh, vì hòa bình, dân chủ trên thế giới.
Khống chế, chi phối các nước đồng minh.
– Khởi xướng cuộc “chiến tranh lạnh”, dẫn đến tình trạng đối đầu căng thẳng và nguy hiểm với Liên Xô, gây ra hàng loạt cuộc chiến tranh xâm lược, bạo loạn, lật đổ … trên thế giới (Việt Nam, Cuba, Trung Đông…).
II/ Nước Mĩ từ năm 1973 đến năm 1991.
1. Kinh tế và khoa học – kĩ thuật.
– Trong những năm 1973 – 198 2: khủng hoảng và suy thoái kéo dài (năm 1976, lạm phát 40%).
– Từ năm 1983, kinh tế Mĩ phục hồi và phát triển. Tuy vẫn là cường quốc đứng đầu thế giới về kinh tế – tài chính nhưng tỷ trọng kinh tế Mĩ trong nền kinh tế thế giới giảm sút (cuối năm 1980, chỉ chiếm 23% tổng sản phẩm kinh tế thế giới).
– Khoa học kĩ thuật tiếp tục phát triển nhưng ngày càng bị cạnh tranh ráo riết bởi các nước Tây Âu, Nhật Bản.
2. Chính trị – đối ngoại.
– Chính trị không ổn định, nhiều vụ bê bối chính trị xảy ra (Irangate- 1985), Watergate…
– Tiếp tục triển khai “chiến lược toàn cầu” và theo đuổi chiến tranh lạnh. Học thuyết Reagan và chiến lược “Đối đầu trực tiếp” chủ trương tăng cường chạy đua vũ trang, can thiệp vào các địa bàn chiến lược và điểm nóng thế giới.
– Giữa thập niên 80, xu thế hòa hoãn ngày càng chiếm ưu thế trên thế giới. Tháng 12 – 1989, Mĩ – Xô chính thức tuyên bố kết thúc “chiến tranh lạnh” nhưng Mĩ và các đồng minh vẫn tác động vào cuộc khủng hoảng dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu.