Truyện ngắn: Người không mang họ- Chương 1, phần 1

Tác giả: Xuân Đức

CHƯƠNG 1

Lại xin bắt đầu câu chuyện này từ một con sông mặc dầu tác giả không bao giờ muốn lặp lại cái gì mình đã viết.

Đã ngót nghét mười năm, từ 1954 đến khi câu chuyện này xảy ra; cuối năm 1964, con sông Hiền Lương được quàng vào mình một cái tên mới, Sông giới – tuyến. Tên mới mà lại rất cũ, cũ mà lại quá mới, như vành khăn tang mà bất kỳ một ai khi thắt nó vào đầu cũng thấy bàng hoàng không tin được một điều bất hạnh khủng khiếp đã xảy ra với chính mình.

Vào những năm ấy, sông Hiền Lương cũng là nơi thu hút bước chân của nhiều người. Người ta đến bờ sông này với rất nhiều lý do khác nhau. Trước hết là bước chân của những nỗi đau, nỗi nhớ, những day dứt và khát vọng. Có người mẹ từ tít mũi Cà Mau cũng cơm nắm cơm đùm tìm ra tận nơi để được nhìn thấy màu cờ đỏ sao vàng miền Bắc. Rồi lại những bước chân khắp năm châu bốn biển tìm về đây như tìm đến một sự thật lịch sử, một đòi hỏi nóng hổi của thời đại này: độc lập – tự do. Rất nhiều lý do khác nhau. Trong đó dù không nhiều cũng có những kẻ chạy trốn. Trốn khỏi một thực tại, một chế độ. Những kẻ đó chẳng còn con đường nào khác là vượt qua giới tuyến.

Những kẻ vượt tuyến đi từ ngoài Bắc vào, thường thường không dám bám theo trục đường quốc lộ 1. Vì như vậy rất dễ bị lộ. Họ rẽ lên phía tây, vượt qua những dãy đồi đất sỏi trập trùng của Quảng Bình mà vào Vĩnh Linh. Tại đất giới tuyến này, phía tây con sông Sa Lung cũng là những dãy đồi tràm lúp xúp mênh mông của Vĩnh Chấp, Vĩnh Thủy. Chẳng có lực lượng công an hay dân quân nào rải cho khắp các khu đồi ấy. Cho nên những kẻ vượt tuyến may mắn thường lọt được vào tận ngã ba sông, nơi con nước Sa Lung đổ vào sông Hiền Lương.

Nhưng cái ngã ba sông mà nhiều kẻ đã gọi là "tam giác chết" này, ông trời đã không dung kẻ phản nghịch. Con sông Sa Lung đang chảy một cách thong dong theo hướng Bắc – Nam song song với quốc lộ 1, đáng lý ra nó phải hợp với sông Hiền Lương thành một góc vuông thì có lẽ tạo hóa đã đoán trước được sự thể những năm tháng này cho nên mới uốn quặt dòng Sa Lung rẽ ngược lên hướng tây một đoạn khá dài rồi mới lại ghép vào dòng sông giới tuyến mà quay ngoặt trở lại để ra biển. Chính cái khúc oái oăm này đã tạo nên cái lưới bẫy. Những kẻ vượt tuyến thường đi ban đêm, cứ lò dò nhằm hướng nam mà vào. Bên tay trái họ là dòng Sa Lung chảy xuôi theo hướng họ đi. Trước mặt là sông giới tuyến giăng ngang. Họ đinh ninh như vậy. Cho nên đến khi bàn chân chạm phải đoạn sông giăng ngang thì lập tức họ thầm reo lên trong lòng: Bến Hải, Hiền Lương đây! Thế là nhào xuống. Lặn một hơi thật dài thì ra được gần nửa sông. Ngoi lên lấy hơi rồi lặn thêm cú nữa. Đã hai phần ba biên giới rồi. Họ vung tay đạp nước ào ào. Chạm bờ rồi. Thoát khỏi bàn tay cộng sản rồi. Ơ, sao vượt tuyến lại dễ dàng đến vậy? Họ lên bờ. Việc đầu tiên là những kẻ đó phải tỏ ngay tấm lòng mình cho người bờ Nam hiểu kẻo bị bắn oan. Họ, mặc dầu áo quần còn ướt sũng nước, có khi rét đến cứng hàm, nhưng vẫn rán hơi rướn cổ gào thật to: "Ngô tổng thống muôn năm". Và ngoảnh ra bờ Bắc, nơi đã nuôi họ từ khi chiếc tã còn đẫm mùi hăng hắc cho đến ngày biết bơi biết lặn, họ hét: "Đả đảo chế độ cộng sản độc tài!". Đáp lại tiếng hô của họ là mấy bóng người chạy ra im lặng nắm tay họ kéo vào một ngôi nhà nào gần nhất. Họ vừa hồi hộp vừa sung sướng vừa hô líu lưỡi: "Ngô tổng thống muôn năm!". Đến khi chui vào nhà, ngẩng mặt nhìn lên bỗng thấy ảnh Cụ Hồ, họ đứng đực ra như cây sú chết cháy. Cụ Hồ vẫn cười hiền từ nhìn họ. Còn chủ nhà, có lẽ đã quá quen với cảnh này nên khoát tay chỉ ra ngoài và giới thiệu bằng một giọng tự nhiên đến mức sởn cả gáy: "Các bác hô khẩu hiệu khí sớm. Sông Hiền Lương phía trước nớ tề!". Dĩ nhiên sau đó số phận những kẻ dại dột ấy thế nào, có lẽ ai cũng đoán được.

Đêm nay, đêm tháng chạp 1964, có một kẻ vượt tuyến khôn ngoan đã không lặp lại tất cả những gì mà những kẻ ngờ nghệch trước đây đã mắc phải. Mặc dù, nếu không nhầm, thì đây là người vượt tuyến nhỏ tuổi nhất. Mới bước vào tuổi mười sáu. Nhưng hơn tất cả những kẻ rủi ro trước đó (có khi là những tên gián điệp đã gần ba chục năm làm nghề), anh ta đã sinh ra, lớn lên ngay trên đất giới tuyến này. Cái khúc ngoặt trớ trêu của dòng Sa Lung đối với anh lại đơn giản như một bờ giậu qua nhà hàng xóm. Vả lại anh ta chẳng dại gì mà chọn hướng ấy để vượt.

Khôn ngoan trước luồng lạch của dòng sông, nhưng trong cuộc sống anh lại ngờ nghệch hơn tất cả những kẻ khác. Ngờ nghệch đến mức để cuộc sống của mình dấn vào đêm nay, chỉ vì cuộc cãi vã với thằng bạn giữ trâu. Thằng bạn ấy anh có ghét gì nó đâu, ngược lại, anh đã quí mến nó suốt cả thời thơ ấu. Nó chậm chạp hơn anh trong việc đi trâu, kiếm củi. Những nắm cơm đem theo ăn trưa ở bãi trâu, góp chung lại, nó thường dồn cho anh ăn những miếng khoai nhiều bột hơn hay miếng dừa kho béo ngậy. Thằng bạn ấy trọng nể anh vì anh khỏe mạnh hơn, xốc vác hơn trong việc giữ trâu, kiếm củi. Bao lần anh dồn thêm cho nó bó củi đầy đặn, và cũng bao lần anh bươn qua gai góc rú Linh để tìm lại con bò đực của nó hay đứt chạc chạy ròng… Vậy đấy, mà buổi trưa nay không hiểu sao nó lại cãi bướng Lạng. Đã vô ý đạp vỡ cái ống sáo Lạng mới khoét được, lại còn làm bướng. Cái sáo tiếng đẹp làm sao, cứ ghé miệng vô là tuôn ra những âm thanh thật tròn, ai nghe cũng thấy khoái! Lạng chỉ đẩy vào vai nó, mắng "thằng đui". Vậy là nó ngã lăn ra, ôm ngón chân vấp phải cục đá la làng, rồi chửi Lạng "Đồ con nhà địa chủ ăn xương ăn máu người ta"… Lấy hòn đá mà đập vào đầu Lạng còn hơn chửi Lạng như vậy. Lạng thấy nhói buốt từ đầu đến chân. Anh quay lưng, cúi nhặt ống sáo dập, dùng tay bẻ vụn nát cả ra, rồi lẳng lặng đi tới một bụi sim, gục mặt vào đầu gối, ngồi suốt buổi chiều. Buổi chiều nặng nề quá đối với đời Lạng. Nặng quá, nặng đến mức không chịu nổi, và ý định trốn biệt khỏi cuộc đời – như Lạng nghĩ là cách tốt nhất – đã dẫn anh đến cái đêm ra đi!

Trên dòng Hiền Lương có những điểm tưởng rất lỏng lẻo, chính lại là nơi hiểm nghèo nhất. Ngược lại, có những khúc bề ngoài có vẻ canh phòng chắc chắn nhất lại là nơi khả dĩ có thể lọt lưới hơn cả. Chỉ người ở ngay đất này mới tìm ra ẩn số ấy. Và anh ta, công dân Hoàng Lạng, đã lọt qua các khe hở của các cửa trận một cách không đến mức căng thẳng.

Sự căng thẳng đối với Lạng lại diễn ra ở một phía khác.

Khi làn nước lạnh của dòng sông Hiền Lương ngoạm vào chân anh ta thì một cảm giác tê buốt như lưỡi gươm xuyên lạnh khắp người Lạng. Mới mười sáu tuổi đầu. Trái tim anh, tấm lòng anh, cả trí não anh nữa, đang bị dòng nước lạnh siết vào. Bàn chân ngập ngừng, tê cóng. Mặt sông đang tràn bóng tối. Bao nhiêu mạo hiểm đang chờ. May mắn hay bất hạnh?

Phía cửa biển, gió hú dài những chuỗi âm thành lâm ly, ghê rợn. Mấy bóng điện bên bót gác bờ Nam chập chờn, ma quái. Lạng cắn chặt vành môi. Anh nghe rõ con sông đang sôi trong tâm khảm mình. Sóng đập vào trí não, rồi dội xuống trái tim, trái tim lại dồi lên trí não. Âm thanh cứ nhại đi nhại lại như tiếng gọi dội vào vách núi đá: "Vượt đi!", "Dừng lại!", "Vượt đi!", "Dừng lại!".

Một thanh niên 16 tuổi – không, phải nói chính xác là 15 tuổi 7 tháng – dám bỏ nhà, bỏ quê, bỏ hết bạn bè mà ra đi, tới một nơi không hề biết trước, không hề có chút bảo đảm nào. Chỉ thế thôi, cũng đã thấy sự liều lĩnh đến mức nào. Huống chi nơi đó lại là bên kia tuyến, là một chế độ khác, một thế giới khác, một cõi trời đối lập. Mà sự đối lập nào phải ở phong tục, tập quán, hay sự khác biệt, may ra…. Không. Đây là đối lập của súng, là chết hoặc sống. Là cõi trần hay địa ngục. Là kiếp người và kiếp thú. Nói tóm lại, một sự khác biệt mà không thể nào tưởng tượng ra nổi.

Dòng nước tê tái làm liệt dần cái bối rối hầm hập trong tim anh. Sự liều mạng thường quá đà và trượt dài trong mù quáng. Cả thân người anh đã ngâm xuống nước. Trái tim như đóng băng. Anh bơi, run rẩy và vụng trộm. Tiếng nước roóc reéc như cố tình mách lẻo. Da thịt anh không còn cảm giác. Cái sức lực bẩm sinh của một câu bé chăn bò, đá bóng, được bọc trong lớp da đen bóng như mạ đồng, bỗng tiêu tan quá nửa vào nước. Chưa bao giờ anh thấy mình yếu đuối như lúc này, có những lúc Lãng ngỡ như không khoa tay lên được nữa. Cả cơ thể chìm xuống. Anh nín thở mặc kệ. Thôi thì chìm đi. Thà như thế còn hơn…

Nhưng rồi cái cơ thể lại nổi lên. Anh vẫn tham sống, mặc dầu cuộc sống phía trước rồi sẽ ra sao, anh không hình dung nổi… Cố bơi, cố nữa… anh đã đến giữa sông…

"Hay là quay lại?!". Ý nghĩ bất chợt ùa đến dữ dội như một cơn lốc. Quay lại! Trở về với đàn bò mộng mà hợp tác xã vẫn giao cho anh giữ. Trở về với bãi cỏ trảng phoóc và con đường đất đỏ 12 thơm ngát hoa chạc chìu. Trở lại với những đêm chiếu bóng trên sân Ủy ban kìn kịt người xem. Những đêm ấy, anh vẫn vào buồng chiếu xin được hát một bài. Bài hát "Chiếc khăn piêu thêu chỉ hồng…" rất hợp với giọng nam trung của anh…

Ý muốn như cơn lốc, nhưng cơn lốc chỉ xoáy tại chỗ, còn thân hình của anh vẫn chầm chậm trường lên phía trước. Đã hai phần ba sông… Rồi chỉ cách bờ Nam sông khoảng bảy thước. Lạng hiểu, đã đến thế giới bên kia rồi. Ở con sông giới tuyến, sự phân chia rất chia rất chi li. Từ bờ sông ra bảy mét là phần nước bất khả xâm phạm của mỗi bên. Từ bảy mét ra giữa sông là địa phận có sự quan sát, chịu trách nhiểm của cả phía bên kia. Anh đã vào vòng bảy mét. Anh đã hoàn toàn thoát khỏi tầm tay của Công an miền Bắc. Bàn chân chới với trong lạch nước đục. Bàn chân chạm bùn. Lạng cố chòi lên. Hai tay với ra níu lấy một ngọn me. Thế là hết. Vĩnh biệt!

Anh không đủ sức quay lại dù chỉ một giây. Cả tấm thân tê cóng phủ phục xuống bùn. Nhưng anh vẫn biết. Sau lưng mình là miền Bắc, là 15 năm của tuổi thơ, của một thời đã sống. Vĩnh biệt! Đột nhiên anh khóc. Khóc trong ngập ngụa bùn lầy.

Mới hôm qua thôi… Thằng bạn chăn bò cùng xóm với anh đã đèo anh bằng xe đạp (nó mượn của ông anh rể) lên xem đội tuyển văn nghệ huyện. Họ diễn một vở kịch xảy ra trên sông này. Đầu đề kịch là "Chiếc nón trôi sông". Một chiếc nón vô tình bị gió hất ra giữa nước và trôi giạt từ bờ này qua bờ kia. Chiếc nón trở thành mối bận tâm của bao nhiêu người. Giờ đây, anh không bằng chiếc nón. Chẳng ai bận tâm đến anh. Không săn đuổi, chẳng lùng bắt và cũng không hề đón tiếp. Anh cắm mình lên bờ Nam như một cành củi mực ngẫu nhiên dạt vào.

Mới sáng nay thôi… Thằng Hợp con thím Sinh còn khoét giúp cho Lạng một ống sáo bằng tre lồ ô. Chẳng hiểu vì lí do gì mà cả nhà thằng Hợp đều thương yêu Lạng như con đẻ. Thậm chí Lạng có nhiều nét giống Hợp nữa. Có khác chăng là tính nết. Anh lầm lì ít nói, còn Hợp thì mặc dù chỉ kém anh có một tuổi nhưng nhí nhảnh như trẻ lên mười. Bây giờ thì cái ống sáo vẫn nằm nguyên trên đầu giường Lạng. Anh rất thích thổi sáo, nhưng chẳng mang sáo theo. Anh cố tình không mang theo gì. Cố tình gạt mọi quá khứ ở lại. Nhưng quá khứ cứ đeo đẳng trong đầu anh.

Mới trưa nay thôi… Rồi mới chiều nay thôi… Tất cả chỉ mới đó thôi, mà bỗng xa lắc xa lơ y như kiếp trước vậy. Phải rồi, tất cả là kiếp trước. Đã thế còn gì mà sợ hãi? Có gì nữa mà băn khoăn. Lạng chống tay cố vùng dậy. Kiếp trước!… Ồ, hóa ra đã qua một kiếp rồi cơ đấy… Ta đang lao vào cõi âm phủ chăng? Nào, tiến lên!… Lạng thường nghe kể về cõi âm ti, rằng phải đi qua một con sông, có con chó chín đầu canh cửa… Bất giác anh rùng mình. Hình như có tiếng chó sủa thật. Đúng rồi. Tiếng chó bất ngờ dậy ran khắp bốn phái. Chao ôi là chó. Ngỡ như tràn trề bốn phía đều là chó. Hai chân Lạng như bị đóng đinh tại chỗ. Cả thân hình run lên và cứng đờ lại khi đột ngột có một ngọn đèn pha quét thẳng vào. Thế rồi ào ào, người chó lẫn lộn, tất cả từ bốn phía nhào đến:

– Đứng im! Đưa tay lên! Đằng sau quay!

Lạng không còn hiểu mình có làm theo những mệnh lệnh ấy không? Hình như có thì phải. Bởi vì anh vẫn còn một chút cảm giác để nhận ra rằng mình đã quay mặt lại phía Bắc. Và vẫn cái giọng lúc nãy phả ra sau gáy anh.

– Anh là ai?

Lạng nín lặng. Mình là ai? Ủa, là ai nhỉ? Trước mặt anh bây giờ lại là miền Bắc. Nếu còn ở đó thì chẳng ai hỏi mình câu vừa rồi, bởi lẽ mình tồn tại trước mặt mọi người như một lẽ đương nhiên. Còn bây giờ, ở đây, mình là gì? Chẳng lẽ nói là xã viên hợp tác xã, không lẽ xưng rằng chiến sĩ dân quân… Không là gì cả. Ở đây, những gì tồn tại bấy lâu ở anh hoàn toàn không có giá trị. Anh không còn là anh nữa rồi.

– Trả lời ngay, mày là ai? Nói ngay, mày là ai?