Truyện ngắn: Người không mang họ- Chương 1, phần 2

2

Cái lai lịch rườm ra của Lạng có những chỗ cũng oái oăm như khúc ngoặt nơi ngã ba sông này vậy. Cho đến cái tuổi đã thành niên rồi mà anh ta cũng không tự hiểu hết cội rễ của mình.

Nhưng ở cái làng đất đỏ Vĩnh Hòa này thì nhiều người biết. Một trong những người thấu tỏ cái lai lịch rắc rối ấy chính là tác giả câu chuyện này. Ở trong cái phủ Vĩnh Linh cũ thì mấy làng đất đỏ ba – zan là những nơi ăn ra làm được nhất. Xã Vĩnh Hòa xưa kia gọi là làng Liêm Công. Làng này được chia ra hai cánh mà một thầy địa lý nổi tiếng đã gọi là hai cánh của một con dơi. Con dơi bay chập choạng trong bóng tối tìm cái ăn. Cả làng Liêm Công từ đời này qua đời khác cũng đúng như vậy. Tuy nhiên ở mỗi cánh cũng nổi lên vài ba con người đáng được gọi là giàu có, và đó là hiện thân cho quyền lực cả làng. Đại diện cho cánh ngoài là dòng họ Lê Văn, không giàu lắm nhưng lúc nào cũng nắm các chức vị hương, hòa, lý, mục. Còn tiêu biểu cho cánh dơi phái trong là họ Hoàng, có thể nói là bồ thóc rương tiền của cả vùng đất đỏ. Đại diện cho sự giàu có của họ Hoàng là gia đình Hoàng Ất. Người đời nay còn truyền lại rằng, cái chuồng bò của nhà Hoàng Ất đông đến mức những người làm thuê thỉnh thoảng dắt trộm một con ra ngoài đồi giết thịt, mà Ất chẳng hay biết gì. Bởi có khi ngay bò trong chuồng cũng giẫm đạp lên nhau mà chết. Mỗi bận lấy phân chuồng người ta kéo ra hàng rổ xương bê con.

Họ Hoàng giàu đến vậy nhưng chưa một lần nào nắm được chức lý trưởng. Cái quyền lực của họ Hoàng không phải là quyền cai trị mà quyền của thúng thóc, đồng tiền. Người ta đồn rằng Hoàng Ất có một con bò Ô khôn ngoan chẳng kém gì chủ. Những nông dân nghèo đến thuê bò cụ Ất về cày ruộng mình bao giờ cũng được Hoàng Ất răn dạy từ trước: "Mày thuê cày nhiều hay ít phải nói cho thật, đừng có cày nhiều nói ít con Ô nó chẳng chịu đâu". Nghe nói có người cày tấm ruộng hai sào mà nói dối là sào rưỡi. Đến khi cày được hai phần ba tấm thì tự nhiên con Ô đứng lại, cúi đầu xuống dùng sừng hất cái ách ra khỏi cổ. Người thợ cày nhảy tới định khoác lại ách thì lập tức bị con Ô húc cho một phát bổ chửng ra giữa ruộng. Chuyện đó chẳng rõ thực hay hư, nhưng một đồn mười, mười đồn trăm, cả cái làng Liêm Công này đều sợ oai con Ô đến mức trước khi đi đến nhà Hoàng Ất thuê bò cày, ai cũng phải vác sào ra đo lại ruộng.

Quyền hành đến là vậy, nhưng Hoàng Ất vẫn không mãn nguyện. Cụ cay cú vì chưa bao giờ nắm được chức lý trưởng. Thế rồi đến một năm nọ, đúng vào diup làng chuẩn bị tiêm (1) lý trưởng mới. Hoàng Ất khăn gói lên vai tìm vào tỉnh. Chẳng ai rõ chuyến đi ấy có chuyện gì xảy ra. Chỉ biết độ mười hôm sau, có motọ ông quan Tây về làng trực tiếp tiêm lý trưởng.

Thực là hài hước, bởi ông quan Tây này là một lái buôn. Đi theo ngài là một thông ngôn mắt lé. Về đến làng, thông ngôn thay mặt quan truyền lệnh: " Để mừng quan Tây hạ cố về làng, dân làng phải đem nạp một hộ 5 kg mảnh bát sứ cổ Trung Quốc". Thế là cả làng sục tìm khắp gốc tre bờ giậu. Có nhà bí quá phải đập vỡ những bát ăn cơm của nhà ra để lấy mảnh.

Sau đó cũng chính ngài thông ngôn nói với lý trưởng: "Hãy chọn một gia đình sang trọng nhất để cho quan nghỉ lại". Lý trưởng họ Lê Văn, trước hết muốn mời quan về nhà mình. Nhưng mới đảo mắt nhìn qua, ngài thông ngôn mắt lé đã lắc đầu quầy quây: "Nhà cửa gì ông mà gớm ghiếc thế này, quan ở làm sao được!". Lý trưởng thẹn cháy mặt nhưng đành cắn răng chịu. Ông dẫn ngài thông ngôn đi suốt tám nhà giàu có của họ Lê Văn, nhưng đến đâu ngài thông ngôn cũng bĩu môi: "Hừ, quan Tây chứ có phải lợn cỏ đâu mà các ông cho ở những cái chuồng này". Cả họ Lê Văn thở dài sườn sượt. Cuối cùng chính thông ngôn phải nói toạc ra: "Tôi nghe nói làng này có nhà ông Hoàng Ất giàu lắm kia mà?". Cả họ Lê Văn trố mắt kinh ngạc vì không hiểu bằng cách nào mà quan tỉnh lại biết được. Cực chẳng đã, họ phải dẫn quan trên vào làng trong. Vừa bước chân đến nhà Hoàng Ất, ngài thông ngôn đã reo lên: "Có thế chứ, tốt lắm! Chỗ này rất vừa lòng quan Tây".

Thế là "cánh dơi" trong nhờ có họ Hoàng mà rước được ông mũi lõ vào, mặc dầu ông quan nước mẹ này hầu như chẳng quan tâm gì tới chuyện đó. Hai con mắt đùng đục đồng thau của ngài chỉ chằm hẵm vào đống mảnh sứ mà dân mang đến đổ đầy sân Hoàng Ất. Mọi việc giao dịch ở tay thông ngôn.Vài người tò mò nhìn vào thì thấy quan Tây có rút tiền ra giao cho thông ngôn. Nhưng sau đó thông ngôn lại "dịch" ra rằng: "Ngài rất hài lòng về món quà của dân làng. Ngài rất cám ơn". Hóa ra ngôn ngữ bên Pháp với ngôn ngữ bên ta khác nhau đến mức ấy. Đưa tiền ra, nghĩa là xin cám ơn. Không trách gì mà phải cần phiên dịch.

Cả làng, chỉ mình Hoàng Ất là hiểu thấu đáo mọi chuyện. Ngài thông ngôn được một món tiền to. Để đổi lại, ngài thông ngôn "dịch" lại lời quan Tây rằng: "Lý trưởng của một làng phải là người đại diện cho bộ mặt của làng, phải nói là nơi sang trọng nhất, danh giá nhất. Vì vậy, quan trên thấy lần này cần thiết phải bổ nhiệm ông Hoàng Ất thay chức lý trưởng".

Thế là lần đầu tiên chức lý trưởng và tiếp sau đó là các chức vị khác rơi vào tay họ Hoàng. Mà kể ra thế mới xứng đáng với đống mảnh sành mảnh sứ kia chứ.

Hoàng Lạng ra đời trong ngôi nhà sang trọng của Hoàng Ất vào những năm mà cái chức lý trưởng đã không còn nữa vì Mặt trận Việt Minh và chính quyền cách mạng kháng chiến đã khống chế toàn xã. Nhưng quyền lực của Hoàng Ất thì chưa mất.

Ngay từ ngày còn nằm trong nôi, Lạng đã không được Hoàng Ất âu yếm. Điều đó Lạng chỉ biết sau này, khi mà toàn bộ cơ ngơi của Hoàng Ất đã tan tành. Nhưng mẹ anh thì hiểu rõ ngay từ khi còn mang con trong bụng. Bởi thực ra, cái thai đó không phải là giọt máu của họ Hoàng. Câu chuyện trớ trêu này có dính dáng đến bò Ô.

Trong làng có anh tợ cày tên là Ngô Sĩ Học, thân hình lực lưỡng, nhưng tính khí hay bông đùa, hài hước. Nhưng mọi chuyện "bông đùa" của Học không bao giờ không có mục đích. Ví dụ có lần cả đám thợ làng đi gặt thuê cho nhà Hoàng Ất, nghe người bạn than thở về chuyện đói kém, Học đã quẳng cả hai bó lúa trên vai mình vào bụi và bảo bạn chờ tối trời hãy gánh về nhà. Cả đám trai làng sợ hết hồn, nhưng Học vẫn ung dung tuyên bố: "Miễn là đừng đứa nào phản tao là được". Một anh bạn nói: "Ai phản mày, nhưng chốc nữa lấy lúa đâu mà nạp cho lão Ất?". Học vẫn đủng đỉnh: "Đừng lo, chỉ cần chúng mày đừng có về sớm". Cả đám thợ gặt chờ cho đến nhá nhem tối mới hộc tốc gánh lúa chạy qua hè nhà lớn đổ vào sân sau của Hoàng Ất. Một người đầy tớ của Ất đứng ở đầu hè đếm số gánh. Đám thợ gặt theo mưu của Học chạy liền nhau thành một hàng. Học chạy gần cuối. Hai đầu đòn xóc của anh cắm vào hai bó lúa của người chạy trước và chạy sau. Cứ thế Học cũng chạy, nhún nhảy như gánh nặng. Loáng thoáng trong hoàng hôn, người đầy tớ nhìn lướt đám thợ gặt chạy hùng hục qua trước mặt, ai cũng nặng trĩu hai bó lúa trên vai. Chẳng hơi đâu mà đếm. Hai mươi tám người gặt thì hẳn là hai mươi tám gánh còn gì nữa. Đám thợ gặt sau khi ra khỏi nhà Hoàng Ất đã ôm nhau cười đến muốn vỡ bụng.

Học nghe thiên hạ đồn về con bò Ô của Hoàng Ất, anh không thể tin được. Một bữa anh đến gặp Hoàng Ất:

– Thưa ông, cháu có mười thước ruộng, cháu xin ông cho thuê con Ô một buổi.

Hoàng Ất nhìn Học một hồi lâu vẫn chưa thấy ừ hữ gì. Học lại cất tiếng:

– Thưa ông, cháu…

Thực ra Hoàng Ất chỉ hơn Học độ dăm tuổi là cùng. Nhưng vì ý thức đầy đủ về vai trò kẻ cả trong làng nên không bao giờ Ất trả lời ngay bất cứ một lời hỏi thăm nào. Ất rất thích nghe đi nghe lại nhiều lần những câu thưa bẩm.

– Thưa ông, cháu chỉ có mười thước ruộng…

Đến đây Hoàng Ất mới gật đầu:

– À, anh thuê bò hả. Nhưng ruộng nhà có bao nhiêu?

– Dạ, tấm ruộng sát bên cạnh ruộng chân đê của ông đấy. Đúng mười thước ạ.

Hoàng Ất cũng biết ruộng của Học. Nhưng gần như là thói quen hắn răn dạy:

– Thôi được, Nhưng con Ô nó khó tính lắm đấy. Đừng có nói dối.

Sáng hôm sau Học đến nhận bò, Hoàng Ất vỗ nhẹ vào lưng con Ô, ân ái như nói với con:

– Này Ô, sáng nay cày giúp cho thằng Học mười thước ruộng nhé. Nhớ là mười thước, chưa tới một sào đấy nhé!

Học nhận bò về, anh nhảy qua nhà người bạn nghèo bên cạnh và bảo:

– Này, sáng nay mày ra trổ nước vào ruộng, tao cày giúp cho.

Người bạn còn đang ngơ ngác thì học nháy mắt cười. Anh lùa con Ô qua ruộng người bạn trước. Tấm ruộng ấy cũng gần bằng tấm của Học. Anh cày xong quay lại bừa. Bừa thật kỹ ruộng bạn rồi để nguyên ách trên cổ bò, anh dong qua ruộng mình. Lại cày xong tấm ruộng của anh. Con bò mệt phờ thở phì phò nhưng mỗi lần muốn dừng nghỉ thì lập tức roi mây Học giáng xuống… Bò Ô đành phải rán ruột kéo.

Chuyện ấy sau đó lại được đám trai làng truyền tụng cho nhau trong tiếng cười đến chảy nước mắt. Dĩ nhiên tiếng cười hả hê đó cuối cùng cũng lọt đến tai bà Ất.

Bà Ất, dân làng từ xưa vẫn gọi thế bởi sợ oai ông Ất – thực ra đấy là một người đàn bà vừa trẻ, vừa đẹp lại nết na. Bà tên là Lành, bố là một thầy đồ (còn ông nội là một vị quan đô đốc bất mãn với triều đình bị bãi chức). Cái nết na của bà Lành chính là cái khuôn phép nhà nho mà cả dòng họ của bà truyền nối lại. Bà lọt vào ngôi nhà Hoàng Ất thực như là bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu vậy.

Từ khi nghe lọt chuyện mướn bò của Học, ông Ất căm lắm. Phải như thời trước cách mạng, hắn Học đã phải đi phu cho đến trọc nhẵn tóc trên đầu rồi. Nhưng giữa thời buổi này, cái thế du kích bí mật mạnh lắm. Ất giận nhưng phải nín thinh. Còn bà Lành cố để ý xem xem người thợ cày đáo để ấy là ai. Thế rồi bà phát hiện ra Học trong đám người làm thường lui tới. Cuộc đời thật trớ trêu, chẳng ai có đủ thì giờ mà dò la thóc mách xem vì lẽ gì mà một bà quyền uy như vậy lại đi mê chàng trai cày lém lỉnh. Bà Lành hết sức bịt kín mọi chuyện mặc dầu tiếng đồn ngày một inh ỏi. Ông Ất cũng biết, nhưng phần thì sợ oai du kích, phần thì sĩ diện với chức lý trưởng, ông đành giả điếc giả câm. Còn bà Lành lại càng không dám để giống dòng nho gia của mình bị bôi nhọ. Thế nên Lạng sinh ra, tuy không được bố và các anh chị yêu quý, vẫn phải mang dòng họ Hoàng.

Nếu cuộc đời cứ thế mà bình lặng trôi qua thì có lẽ cũng chẳng có gì đáng nói. Nhưng bởi con người ta, tham vọng quyền lực là một bản năng không giới hạn. Năm 1953, một trận càn lớn của Pháp đổ ập về Vĩnh Hòa. Trước sức ép quá lớn của hai tiểu đoàn lê dương, dân quân du kích phải tạm rút vào rú Lĩnh. Pháp chiếm cả xã ba ngày. Trong ba ngày đó, đám hương hòa, lý mục cũ mới háo hức ngóc đầu dậy. Biết bao nhiêu cơ sở cách mạng bị bắt giết. Đất đỏ Vĩnh Hòa càng đỏ thêm vì máu người, mãi mãi về sau, người dân Vĩnh Hòa vẫn nhắc về năm 1953, năm máu.

Qua ba ngày, Pháp rút đi. Dân quân lại trở về. Dĩ nhiên nợ máu phải đổi bằng máu. Cái đầu của Hoàng Ất đã rơi xuống trong một đêm tháng Sáu. Gió Lào rú trên trảng Cồn. Bắt đầu từ đó, cái vinh quang của họ Hoàng chấm dứt.

Kháng chiến thắng lợi. Người dân Vĩnh Hòa ai ai cũng háo hức đón chào cuộc đời mới. Suốt những năm cải cách ruộng đất rồi tiến lên thành lập hợp tác xã, câu bé mới bước vào tuổi thiếu niên ấy đã bị một mặc cảm nặng nề, rằng mình là con của cường hào bị cách mạng chém cổ. Càng lớn thêm một tuổi, sự mặc cảm càng lớn thêm ra. Lạng thường thui thủi một mình, học hết lớp bốn thì bỏ học. Lạng tự nghĩ có học cũng vô ích. Lạng nhận một đàn bò hợp tác để chăn. Ngay cả với công việc chăn bò Lạng cũng tự tách mình ra, không muốn chơi chung với bạn bè trong xóm.

Các bạn đội viên thiếu niên cũng như các anh chị lớn tuổi biết rất rõ tâm trạng của Lạng, nên ai cũng nghĩ tìm cách gần gũi lôi kéo Lạng hòa vào với tập thể. Đặc biệt là gia đình ông Học, bà Sinh nhà ở ngay đầu xóm, nơi mà Lạng thường lùa bò ra bãi rồi vào đấy leo cây, hái quả, đã hết sức chiều chuộng Lạng. Thằng Hợp con đầu của ông Học quý Lạng như anh em ruột. Nhờ thế mà dần dần Lạng cũng vui lên. Nó đá bóng chung với bọn trẻ, lại còn tập văn nghệ nữa. Ai cũng khen Lạng có giọng hát hay. Và những đêm đội chiếu bóng về xã, lạng vẫn cao hứng cầm mic – cơ – rô hát dõng dạc bài "Chiếc khăn piêu…".

Đầu năm 1964, Lạng tròn 16 tuổi. Cuộc chiến tranh phá hoại của thằng Mỹ bắt đầu bùng nổ ở một vài điểm ngoài Bắc. Đất Vĩnh Linh, nơi tiếp giáp đối đầu của hai miền bắt đầu sôi lên như biển động. Mặc dầu đã được chuẩn bị kỹ suốt mười năm nay, nhưng khi bước vào ngưỡng cửa của chiến tranh, tất cả mọi vấn đề, mọi lĩnh vực đều phải được xem xét lại, củng cố thêm một bước. Vì thế những người trước đây có dính dáng đến tề ngụy đều được triệu tập đi học thêm một lớp mới. Trong số này không có Lạng, mặc dù Lạng đã đến tuổi có trách nhiệm trước pháp luật.

Mặc dù không bị gọi đi học, nhưng sự kiện này cũng làm Lạng mất ăn mất ngủ mấy ngày liền. Cái quá khứ bấy lâu được chôn vùi nhờ cuộc sống sôi nổi trẻ trung và thân ái của hòa bình trên đất tuyến này đột ngột bị khuấy lên bởi tiếng bom của chiến tranh ập đến. Với cái tuổi thanh niên, Lạng bắt đầu biết nghĩ nhiều. Người ta chưa gọi đến mình, nghĩa là cái án vẫn còn treo lơ lửng đó – Lạng nghĩ vậy. Cuộc đời làm sao vui được khi trên đầu mình cứ trìu trĩu món nợ truyền kiếp? Mình đã được kết nạp vào dân quân, nhưng biết đâu đó là cái bẫy để cột chặt mình hơn? Chắc chắn mình sẽ không được đi bộ đội. Sẽ không đi công nhân, không thể làm cán bộ. Không là gì cả. Mà ở cái đất này, như thế thì có khác gì một tên tù bị giam lỏng?

Chao ôi là lý sự. Trên đời này người ta tiến cũng nhờ lý sự mà tụt dài, tụt mãi cũng bởi lý sự. Cái tư duy ích kỷ ấy đã gây biết mấy tai ương cho con người. Và Lạng chàng trai mười bảy tuổi đầy lý sự đó đã khẳng định đời mình là một tên tù bị giam lỏng. Đã bị giam thì phải phá tù. Phải phá cũi, sổ lồng thôi… Cái kết cục nghe ra thật quá đơn giản.