Truyện ngắn: Người không mang họ- Chương 1, phần 4( hết chương 1)

4
Chợ Đông Hà những ngày giáp tết đông một cách lạ thường. Thôi thì ngàn vạn thứ hàng hóa thi nhau đổ vào đây, la liệt đủ màu sắc, đủ mùi vị.

Người chen người, hàng chen hàng, tiếng rao mời, lời thách giá, những câu nói cay, nói mát khích bác chửi rủa trộn lẫn nhau tạo nên cái mớ âm thanh khổng lồ huyên náo. Tiếng máy thuyền dưới sông, tiếng xe lam trên bến, tiếng đài bán dẫn, băng cát – set mở to hết cỡ như chửi nhau, thách đố nhau, nháo nhác inh ỏi. Người vừa giật được món hời cười nói bô bô, kẻ bị móc túi khóc lóc mếu máo. Anh mù quờ quạng ôm chiếc đàn hát đến khàn giọng. Cô gái làm điếm cười gần như khô cả hai hàm răng để chào khách. Trẻ con thi nhau đốt pháo khói mù trời.

Giữa đám người nghìn nghịt, hỗn độn nhưng cũng tinh sỏi chợ búa ấy, sáng nay có một thanh niên khoác bộ quần áo lính nhòe nhoẹt bùn đất, có lẫn cả vết máu, ngơ ngác nhòm ngó hầu khắp các quán hàng. Thỉnh thoảng anh cũng dừng lại đưa tay lật lật mấy nải chuối chín vàng óng và cặp mắt mở tròn đầy vẻ kinh ngạc khi nhận ra rằng loại chuối này không có cách gì ăn được vì chuối bằng nhựa. Anh không dừng lại chỗ nào quá lâu bởi trong người không có một đồng xu dính túi. Cái hứng thú tò mò lúc đầu mất dần, bước chân anh mỗi lúc một trễ nải, hờ hững. Anh đi qua mấy hàng đồ điện, lơ đãng tiến về hàng vải, rồi từ hàng vải lại rẽ quặt qua chỗ bán thùng, chậu nhôm…
Chợt anh dừng lại.
Nhiều người đang xúm xít quanh một ông già đeo đôi kính đen. Lại hát xin chăng? Lạng thử nhòm vào và lắng tai nghe. Ông già, thực ra cũng chưa già lắm, áng chừng trên dưới năm mươi tuổi, nhưng vẻ mặt hơi quái dị, đôi lông mày to gần bằng ngón tay, hai ria mép quặp xuống như hai dấu ngoặc đơn khoanh chiếc mồm lại. Ông ta không hát mà đang nói gì đó lảm nhảm. Những người xung quanh há mồm ra nghe. Lạng đứng ngẩn người một hồi lâu mới nhận ra ông ta làm nghề thầy bói. Lần đầu tiên anh trông thấy một thầy bói. Lạng rạo rực, thích thú như nhìn thấy con thú lạ. Quên mất việc phải giữ gìn tung tích của mình, anh chen bừa vào. Nhiều người quay lại nhìn anh. Khi họ nhận ra bộ quàn áo lính bê bết đất và máu, người ta vội vàng lảng dần. Lạng xán lại ngồi chặn ngay trước mặt ông già.
– Ông ơi… Cháu là… cháu là lính… Cháu chẳng có đồng nào cả…
Mặt Lạng đỏ bừng lên vì ngượng. Anh đưa tay sờ soạng khắp các túi y như để quên tiền nơi nào đó. Rồi đột ngột anh cởi nhanh cúc áo.

– Cháu có chiếc áo mới nhận… cũng có thể được vài trăm… Ông coi giúp cháu…

Người thầy bói quờ tay lên đỡ nhanh chiếc áo trên tay Lạng rồi đang ngang sát mặt như để xem. Ông ta thấy gì mà xem? Lạng nghĩ nhanh và chợt thấy buồn cười. Nhưng thầy đã hạ chiếc áo xuống nhìn Lạng chằm chằm. Một lát, thầy bất ngờ hạ giọng:
– Anh vừa có điều kinh khủng…
Lạng giật thót cả người. Giọng anh run run:
– Thưa thầy… có chi mà… kinh khủng?…
– Có chuyện giết người.
Lạng cứng đờ quai hàm. Thế mới là thầy chứ. Anh kinh hãi nhìn đôi kính đen của ông già, có cảm giác như từ phía sau đôi kính kia, cặp mắt ông đang rọi thẳng vào tâm can mình, xoi mói suốt cả cuộc đời mình.
Lạng cúi gằm mặt xuống như chịu tội. Còn thầy lại đưa nhanh chiếc áo lên sát mặt một lần nữa. Hai cánh mũi thầy phập phồng mở ra khép lại để xác định lần nữa cái mùi tanh tưởi từ cảm giác ẩm ướt trên áo phả ra. Đoạn thầy thở ra một hơi rõ dài.
– Chuyện mới xảy ra thôi… Mới lắm…
Lạng vẫn cúi đầu nói lí nhí như con chiên xưng tội:
– Dạ… mới thôi.
– Đó đó. Anh sinh năm nào?
– Dạ, năm bốn tám.
– Mậu Tý. Cao số lắm. Canh cô mậu quả. Đời anh cô đơn cho đến khi chết.
– Dạ.
– Tuy rứa mạng anh rồi cũng tấn! Tấn vi quan, thối vi sư, nếu không cầm gậy chỉ huy thì cũng làm thầy thiên hạ chứ chẳng chịu lép đâu. Sinh tháng mấy?
– Dạ… con không biết kỹ. Hình như tháng năm âm lịch…
– Lỗi mùa sinh rồi, đời sẽ lắm tai ương đó.
– Dạ.
– Năm ni mười tám tuổi âm. Nhất thập cử tại tại dần. Rồi đến mãi thìn tị ngọ mùi thân dậu tuất. Mệnh con năm nay ứng vào con chó. Khuyển bị tá, nghĩa là con chó bị lửa bỏng. Mà lửa tức là hỏa, đấy là mùa sinh của con. Năm nay chính là trung hạn. Con phải cẩn thận lắm mới được.
– Dạ.
– Mười tám tuổi âm. La hầu, Thổ tú, Thủy diệu, Thái bạch, Thái dương, Vân hán, Kế đô, Thái âm, Mộc đức. Ái chà, nếu con năm nay ứng với sao Mộc đức, Thái âm, Mộc đức thập nhị nguyệt lộc ân lai, tháng chạp năm tới sẽ gặp lộc lớn.
– Dạ.
– Con có còn muốn hỏi chi nữa không?
Thầy hỏi rồi nhìn như găm vào Lạng. Lạng ngẩn cả người, mồm lúng búng như ngậm hạt thị. Còn biết hỏi gì nữa. Quá khứ, tương lai, dịp may hạn rủi thầy nói cả rồi. Cái gì xem ra cũng đúng. Lạng thở dài mệt mỏi:
– Dạ… con tạ ơn thầy…
Ngọn đèn dầu vặn nhỏ bấc bắt đầu sáng vàng đục lên mặt bàn thờ nghi ngút khói hương. Xung quanh ngọn đèn xếp la liệt những hình người dán bằng giấy, có đủ mũ miện, cân đai, gươm giáo. Thấp hơn một chút là những nải chuối nhựa vàng rộm, hai ngọn nến cháy rần rật, lại một bát hương nữa tỏa khói.
Bà Tĩnh gục mặt xuống bàn, mắt nhòe nước, miệng lầm rầm những lời khấn vái. Lạng ngồi khuất vào một góc, đầu cúi thấp như một kẻ sắp bị đưa đi hành hình. Tiếng khóc nấc nghẹn chen lẫn lời khấn vái của người mẹ như nạo vét vào đáy lòng anh. Tội ác đang tê buốt trong từng thớ thịt.
Lần đầu tiên anh phạm tội ác. Điều ấy đã ghê rợn lắm rồi. Nhưng tội ác càng khủng khiếp hơn khi tự anh thấy rõ ràng lần đầu tiên anh đã nói dối một người mẹ. Phải, anh đã không thể đủ dũng cảm kể ra sự thật. Nói cho công bằng thì anh chỉ mới kể được một phần sự thực. Đấy là cuộc sống của đại đội công binh, là những ngày anh với Mẫn thân nhau, là cái đêm tâm sự đầy thú vị. Tiếp đến là cuộc tập kích của Việt cộng. Đến đó anh bắt đầu phóng đại, tô vẽ lên thành một trận ác chiến khủng khiếp như những trận đánh ghê rợn mà anh từng đọc trong sách cổ. Tất cả chuyện đó dẫn đến cái chết của Mẫn. Thế là cuối cùng, mọi đau đớn của người mẹ, lòng phẫn uất cả bà được trút lên đầu Bắc Việt. Bà cầu chín phương trời, mười phương phật ra oai tru di kẻ nào giết hại con bà. Lạng biết lời oán đó chĩa vào công an miền Bắc. Mặc dù vậy anh vẫn có cảm giác lời nguyền rủa kia đang trút xuống đầu mình.
Đêm đã khuya. Cái huyên náo bẩm sinh của thị xã ngã ba đường này đã chìm vào trong giấc ngủ mệt mỏi, phờ phạc. Chỉ còn tiếng máy của xe GMC thỉnh thoảng rú lên như động kinh ngoài đường Chín. Vài ba phát nổ lạc lõng của cảnh sát, có thể bắn dọa bọn trấn lột hoặc ra oai với những Việt cộng nằm vùng.
Trong nhà bà Tĩnh, ngọn nến đã cháy gần quá nửa. Giọng bà khàn đặc lại vì phải kể lể quá dài dòng. Những ngày ấu thơ của đứa con trai, cảnh ngộ neo đơn vì chồng chết sớm, những cơn lăn lộn chợ búa, những đêm thiết quân luât nặng nề, khi buôn thua bán lỗ… Với cái chết oan ức của con bà, bà thấy cần thiết phải công bố lại toàn bộ quãng đời mình cho người khách quý ở bên cạnh được biết.
Đến khi quá mệt mỏi vì chuyện mình, bà quay sang tra vấn chính vị khách. Lạng không thể nói dối được nữa trước con xúc động khôn nguôi của người mẹ. Hơn nữa, từ lúc sắp sửa bước chân vào nhà này đến giờ, anh đã tính toán đến nát óc. Trước mắt, anh cần một chỗ để ẩn nấp, vài giấy tờ hợp pháp. Nếu không dựa vào bà Tĩnh thì khó lòng thoát khỏi bọn cảnh sát và quân cảnh. Vì thế Lạng đã nói thật. Anh kể một cách gọn gàng, khúc chiết cảnh ngộ của mình. Bà Tĩnh lắng nghe. Cơn xúc động bỗng dưng tắt ngấm. Bà nghe một cách chăm chú nhưng không hề mở miệng nói một câu nào. Lạng thầm nghĩ chắc là bà sợ. Anh chợt thấy ân hận vì sự quá thực thà của mình. Nhưng đã lỡ mất rồi, không thể nói khác được. Lạng nín lặng chờ đợi.

Rất lâu, có lẽ phải gần một giờ sau đó, ngọn nến trên bàn cháy gần tàn, bà Tĩnh mới hỏi một câu thầm thì như tự hỏi chính mình:

– Răng lại bỏ ngoài nớ mà vô đây hè?

Câu hỏi thầm thì nhưng lại có sức mạnh như một quả tạ đè bẹp Lạng xuống. Giọng anh nghẹn hẳn lại:

– Con… dại…

– Ừ, quá dại con ạ.

Một tiếng thở dài bi thảm. Bà mẹ đứng lên thắp tiếp ngọn nến khác, cắm thêm mấy que hương… đoạn bà lại lầm rầm khấn vái. Một cảm giác rệu rã tan loãng trong tâm khảm Lạng. Anh không đủ sức đứng dậy, không còn biết làm một việc gì giúp bà. Anh ngồi bất động và chờ đợi một cái gì đó rất vô nghĩa. Một lát, bà Tĩnh mới quay lại:

– Thôi được, đã lỡ chân rồi thì cứ tạm ở đây. Mạ sẽ chạy cho một tấm căn cước. Cứ lấy họ ba thằng Mẫn. Lạy phật, con phải ý tứ lắm mới được.

Lạng ngước lên nhìn bà Tĩnh, lòng chan chứa biết ơn. Rồi đột ngột anh nghĩ, giá như lúc này anh nói ra điều khủng khiếp kia, giá như bà biết chính anh là kẻ đã đè ruột con bà cho đến phọt máu thì sẽ thế nào? Lạng bỗng thấy xâm mắt. Chao ôi, biết khi nào trả hết món nợ này?

Ngày hôm sau bà Tĩnh ra đi từ sớm. Bà đi đâu Lạng không được biết. Bổn phận của anh là chui tọt vào buồng ngồi nín lặng như một kẻ cắp. Đến chiều bà Tĩnh về. Nhìn nét mặt của bà, anh biết chưa có chuyện gì đáng mừng rỡ cả. Hai người lặng lẽ sống với nhau trong bóng tối. Sáng hôm sau, bà Tĩnh lại đi. Phải mất ba ngày lê thê như vậy. Đến tối ngày thứ tư, bà chạy về dí vào tay Lạng một tấm giấy cứng, giọng bà run lên vì mừng mà cũng vì sợ:

– Được rồi, mất hơn năm chục ngàn mới kiếm được. Từ nay con kêu mạ bằng thím. Tên con là Nguyễn Viết Lãm, con út của bác thằng Mẫn ở trong Cần Thơ ra…

– Dạ…

Bà lại thở dài:

– Lạy Phật, con phải kiếm lấy việc chi đó mà làm. Đừng có đi long bong ở đất này mà thiệt thân đó.

– Dạ…

– Thôi, ngủ đi. Mọi việc ngày mai rồi tính.

Lạng ngoan ngoãn chui vào buồng nằm. Nhưng anh không tài nào chợp mắt được. Từ nay anh là con một nhà họ Nguyễn. Tên anh là Lãm. Cố mà nhớ. Lạy trời, đừng ai nhắc đến họ cũ của anh.