Truyện ngắn: Người không mang họ- Chương 1, phần 3

Khác hắn với mọi sự tưởng tượng của Lạng, anh đã không được đón tiếp một cách hồ hởi, nhiệt liệt theo kiểu "những người thoát khỏi gông cùm Cộng sản trở về với chánh nghĩa quốc gia". Cũng không bị hỏi cung một cách căn vặn, mặc dù Lạng đã mất mấy đêm sắp đặt các câu trả lời.


Một sĩ quan già, người khô đét như thanh nứa đã giao cho Lạng một tờ khai có mẫu in sẵn: Họ tên, ngày sinh tháng đẻ, tên ông bà bố mẹ, nghề nghiệp, đoàn thể, vân vân. Đại loại là những điều mà Lạng có thể ghi một cách tự tin thoải mái, không phải đắn đo, cân nhắc gì.

Nạp bản tự khai cho người sĩ quan già rồi, Lạng được an nghỉ trong một phòng hẹp, mái lợp tôn, cách biệt với trại lính. Quan sát kỹ thì thấy đây là một ngôi nhà độc lập, có lẽ gọi là phòng giam thì đúng hơn. Xung quanh nhà không được vệ sinh sạch sẽ như dãy trại lính. Trong phòng kê một chiếc giường sắt, có màn che muỗi. Kể ra không đến nỗi như tù. Lạng hồi hộp đến thắt cả ruột, không thể nào đoán nổi số phận của mình rồi sẽ ra sao. Một ngày trôi qua, yên tĩnh. Lại ngày nữa, vẫn thế. Rồi ngày thứ ba chẳng có gì khác cả. Không có ai tra khảo căn vặn gì, cũng chẳng ai săn đón vồ vập. Lạng sống bồng bềnh trong trạng thái mụ đầu như thể ở trong bình chân không. Bản tính lầm lì xưa nay cũng không đủ sức giúp anh chịu đựng. Lần đầu tiên anh khao khát được nói, được hét vang lên, bô bô kể chuyện hoặc thậm chí có thể cãi nhau. Nhưng ở đây, ngay cả chuyện cãi nhau cũng không có đối thủ.

Cũng chưa có sự khởi động nào đủ làm cho anh bừng tỉnh để nhận ra hai chữ phản bội. Không, với anh có gì đâu mà phải day dứt chuyện ấy. Anh ra đi như con nước bị nghẽn dòng tìm lạch để thoát. Vả lại ngay từ những ngày sống trên đất Bắc, anh đã tự tách mình ra khỏi mọi người, tự đối lập mình với chế độ. Thế nghĩa là anh không phản bội ai, anh chưa hề thề thốt với ai cả… Cách lý sự ấy đã giúp Lạng ngay từ phút đầu dám cất bước ra đi. Còn bây giờ, trong trạng thái mơ hồ này đầu anh như đặc lại. Anh chẳng nghĩ thêm được gì hết.


Sáng ngày thứ tư, viên sĩ quan già trở vào phòng của Lạng. Lạng nín thở chờ đợi. Còn viên sĩ quan thì bình thản y như họ vẫn gặp nhau thường xuyên từng giờ.

– Anh bạn trẻ thân mến ạ, tôi rất lấy làm buồn bởi vì anh đã không khai thật…

Lạng chồm người lên:
– Về điểm gì?
Người sĩ quan khoát tay:
– Những điểm cơ bản nhất trong hồ sơ.
– Không, thưa ông, tôi xin cam đoan là tôi đã khai đúng…
Giọng viên sĩ quan vẫn dửng dưng không hề nâng lên hoặc hạ xuống:

– Cái đó tùy anh. Chúng tôi mong lần sau được nhận ở anh những lời khai thành thực.

Nói rồi y đứng dậy đi ra khỏi phòng với một dáng vẻ thanh thản sau khi đã đặt xuống bàn một tờ giấy có mẫu sẵn giống như tờ hôm trước.
Lạng mở tròn hai mắt nhìn trừng trừng. Anh nhìn ai? Chẳng nhìn ai cả. Anh nhìn vào khoảng không trước mặt nơi như chưa tan hết cái âm thanh trơn tru và lạnh lùng của viên sĩ quan nọ. Hoặc có thể anh đang nhìn thẳng vào tâm trí mình. Mình nói dối ư? Không. Anh chưa hề nói dối. Dù cuộc đời có lạnh lùng đến mấy thì anh vẫn tự cho rằng, từ xưa đến nay mình chưa thèm nói dối. Sau này thời chưa biết. Gặp những câu hỏi nguy hiểm khác thì có khi phải nói dối thật. Nhưng với những cái mục đề nho nhỏ trong tờ khai này, có chi mà phải dối trá? Thà rằng ở miền Bắc, với thành phần có nợ máu như mình, có khi vào một hoàn cảnh nào đó phải nghĩ cách giấu giếm. Chứ ở đây, thành phần của mình là đồng đảng đồng chí với chế độ này, lo âu gì nữa mà phải dối. Vô lý. Hay họ thử mình? Đừng hòng lừa nổi ta.

Sau một chặp tự lý sự. Lạng lại cắm cổ viết một mạch. Lời khai hôm nay không có gì khác trước.
Chiều hôm đó viên sĩ quan già trở lại. Lần này Lạng không phải chờ đợi lâu. Sau khi đảo mắt nhìn lướt qua trong giấy, viên sĩ quan, vẫn cái giọng trơn tru ấy nói mà không thèm bận tâm đến sự phản ứng của Lạng:
– Tiếc quá, anh bạn vẫn không nói thật.
Lạng hét to lên:
– Chính các anh mới nói dối…
– Tùy anh, chúng tôi sẽ chờ.
Lạng cáu kỉnh ngắt lời:
– Không chờ đợi chi cả. Nếu cần các ông cứ bắn đi.
– Bạn cứ bình tĩnh, cố mà bình tĩnh. Chúng tôi sẽ chờ.
Lại một tờ giấy nữa đặt xuống bàn và cái dáng gầy đét kia ung dung đi ra như chưa hề có điều gì phật ý. Lạng chồm người lên như một con cọp đói:
– Này… Tôi không viết nữa đâu… Tôi chẳng có chi mà viết cả.
Nhưng cánh cửa đã đóng sầm lại. Người sĩ quan đi ra xa và húng hắng ho.
"Đù mạ chúng mày!". Lạng chửi rít qua hai kẽ răng. Anh không thể nào chịu nổi cái vẻ dửng dưng kia. Ừ mà tại sao chúng nó lại không nổi cáu lên với mình hè. Thà rằng chúng nó hầm hoét, chửi bới hay đánh đập thì mình còn thấy có lý. Hay chúng nó chỉ giả vờ? Mà đúng rồi lẽ nào một thằng từ thế giới bên kia rơi tõm xuống đây mà lại được tin ngay. Phải thử thách, thậm chí thử thách hàng chục hàng trăm lần nữa là khác. Y như họat động tình báo! Lạng bỗng thấy thích thú! Từ hôm nay mình trở thành một nhân vật cực kỳ quan trọng. Bao nhiêu cơ quan tình báo phải chụm đầu vào nghiên cứu về mình, thú vị thật. Ừ, mà chúng nó cũng không phải hoàn toàn nghi ngờ. Nếu nghi ngờ thì chắc chắn mình đã bị tra khảo rồi. Cái dáng điệu nhã nhặn ung dung của lão kia có nghĩa là đã tin mình. Tin nhiều nữa là khác. Như vậy điều cốt lõi lúc này là phải nhớ cho kỹ những lời đã khai, trăm lần như một, đừng có khác nửa câu.

Lần thứ ba.. lần thứ tư… lần thứ năm. Những tờ khai như được sao nguyên văn thành nhiều bản. Cả hai bên đều kiên nhẫn chờ đợi nhau.

Điều chờ đợi của Lạng đã đến. Sau tờ khai thứ năm, viên sĩ quan già đã không còn giữ được cái vẻ trơn tru mặt lì như trước nữa. Một cái bạt tai bất ngờ nổ tóa vào mặt Lạng. Anh chưa kịp định thần thì tiếp một cú đấm móc hàm giòn như cành cây khô gãy. Lạng bổ chửng ra giữa nhà. Một cảm giác buồn nôn ói lên trong cuống họng. Máu trào ra mặn rít cả hai hàm răng.
Cánh cửa đóng sầm. Sau vài phút, một tên lính cầm tiểu liên mở cửa bước vào:
– Đứng dậy!
Lạng nghe rõ tiếng quát nhưng không thể nào cựa mình được. Sự đau đớn và cả sự căm uất nữa đè bẹp anh xuống sàn nhà.
– Đứng dậy! Có nghe không đấy?

Người lính vừa hỏi vừa cúi sát xuống, lấy tay đỡ khuôn mặt đang vật nghiêng của Lạng lên:

– Đừng vờ nữa, tao cho một quả vào ngực mà tắt thở luôn bây giờ – Lời lẽ thì dữ tợn, nhưng giọng người lính lại không có vẻ hung hăng lắm. Lạng rên rỉ, cầu cứu:
– Anh đỡ dùm… đau quá!…
– Hừ, đã làm tình báo còn sợ đau…
Lạng nín lặng. Hóa ra chúng nó đã nghi mình là tình báo thật. Nhưng lấy chi làm bằng chứng? Ối, đau quá. Lần đầu tiên trong đời anh phải chịu đòn đau, mặc dù trong tưởng tượng anh đã từng nghĩ tới bao nhiêu hình thức tra tấn ghê gớm khác nữa. Liệu mình có chịu đựng nổi không?
Người lính đã giúp Lạng đứng dậy. Anh ta nhìn Lạng một lúc rồi khẽ lắc lắc đầu:

– To gan thiệt… Tôi thì có cắt cổ cũng xin vái, không dám chơi cái trò ấy…
Lạng định nói một câu nhưng hai hàm răng đã dính bết với nhau không thể nào mở ra nổi. Vả lại anh cũng không biết nên nói cái gì. Chẳng có cách gì thanh minh được điều oan trái. Lạng cúi mặt cố chịu đau, ngồi bệt xuống góc giường.
– Ô hay, định ngồi lì đó hả? Đi!

Lạng cố mở to mắt nhìn người lính. Đi đâu? Anh muốn hỏi mà không nói được. Tuy vậy người lính vẫn hiểu.
– Tôi được lệnh giải ông lên Bộ tư lệnh đặc khu. Đừng để mất thì giờ, đi!
Một cảm giác ghê rợn bất chợt chạy lan khắp người Lạng. Anh nhắm nghiền mắt lại. Người lính xốc xốc khẩu tiểu liên trong tay. Cái nòng súng hơi chếch lên một chút ngang tầm thắt lưng của Lạng. Anh rùng mình và lập cập bước đi. Từ đâu đó, sâu thẳm trong tâm khảm anh vọng lên một lời hoảng hốt: "Mình đi vào cõi chết"…
Cảnh tượng chiều cuối đông trên những trẳng cát dài trông thật là não ruột. Bầu trời và mặt cát như muốn hòa lẫn vào nhau. Những hàng dương xơ xác rên rỉ trong gió lạnh, thỉnh thoảng lại rùng mình bất chợt như kẻ động kinh. Mây đông đặc từng cục bay vật vờ với nhau rồi rã ra thành từng màng mưa mỏng la đà buông xiên từ ngoài biển vào, choàng lên những xóm vắng của các làng chài cát cái màu bạc mệnh. Sóng dầm dề vật vã như con bệnh lâu ngày không được chạy chữa thuốc thang.
Mưa lâu ngày, đường trên cát không còn là đường nữa. Hai người cứ men theo những đụn cát hình yên ngựa mà đi. Đã cách khá xa khu căn cứ quân sự đồi 24, họ uể oải đi về phía quận Trung Lương. Trông dáng bộ bên ngoài hai người lúc này không còn cái kiểu cách áp giải tù binh nữa, mà là hai kẻ lạc đường đói khát thất thểu tìm nơi trú chân.
– Này…
Người lính đột ngột gọi giật giọng. Chân Lạng như muốn dính bết vào nhau. Người chồm vội lên phía trước. Trống ngực đập loạn xạ. "Này" nghĩa là thế nào? Bắt đầu rồi ư? Hai tai Lạng ong ong hàng trăm tiếng "này" dập vào dội ra.
– Này… Không nghe à? Đứng lại.
Ngực Lạng nhói thắt một cơn đau đột ngột. Hai chân dừng hẳn lại và run khập khậy như đang đứng trên cầu treo mỏng manh. Có thể… bắt đầu thiệt rồi… Lạng vụt nghĩ nhanh và vụt quay lại. Nếu cần thì vồ đếp bóp cổ hắn… Nếu cần thì khóc to lên… Nếu cần thì van lạy… Hàng chục phương kế đặt ra cùng một lúc. Nhưng Lạng vẫn không nhấc nổi người. Ý nghĩ về cái chết như vết mực loang dần trong trí não nhuộm sệt toàn bộ phản xạ nhanh nhảu của anh. Tất cả sẽ bắt đầu bằng một tiếng nổ… Anh nghĩ rõ ràng như vậy nhưng vẫn không dám gọi tên cái bắt đầu ấy ra.

– Nghỉ tí đã ông nội. Đi hăng như là được về nhà ấy…

Người lính xốc lại khẩu súng rồi ngồi xuống cách chỗ Lạng đứng khoảng năm bước chân. Lạng nhẩm tính, nếu lao đến thì phải nhảy hai bước, có lẽ nòng súng kịp tóe lửa. Cần đến gần tí nữa, làm sao chỉ vồ cái là được. Ý nghĩ làm đầu Lạng nóng bừng lên. Hai tay bỗng luống cuống. Hình như người lính đã đọc được ý nghĩ ấy.

– Này, coi chừng nghe. Ngồi xuống. Liều là bắn bỏ đó cha nội ạ!
"Ông nội" rồi hạ xuống "cha nội". Lạng bất lực ngồi bệt xuống cát, mặt cố tình quay ra phía biển.

– Anh hai mấy tuổi rồi mà dám liều thân làm tình báo dữ vậy?
Người lính hỏi trong sự tò mò rất trẻ con. Lạng chợt nghĩ có lẽ lát nữa nó còn gọi mình là em út hoặc con cháu cũng nên. Sự bực bõ bẩm sinh nổi dậy, Lạng xẵng giọng:

– Các ông cứ như con nít sợ ma, lúc nào cũng nơm nớp tình báo với tình chí. Tôi tình nguyện vào với chế độ này… Gia đình tôi có nợ máu với ngoài đó…
Người lính đột ngột cười vang:
– Ha ha.. nói nghe ngon lành quá! Thôi đi chú mày! Cứ cái giọng leo lẻo ấy thì toi mạng đến nơi đó. Chính chú em mới trẻ con. Những bộ óc tình báo trong này dù có thơ ngây đến mấy cũng chẳng bị lừa vì cái giọng bo bỏ ấy đâu.
– Vì sao?… Vì sao nào?
– Im mẹ cái mồm mày đi. Nhóc con mà dám nói dối như cuội ấy. Những mạng lưới điều tra khổng lồ của Cục an ninh Quân lực đã trả lời rành rọt rồi con ạ. Mày không phải là con cái lão đếch gì mà bị Việt Minh phéng cổ đâu. Dòng máu mày là dòng máu khác, dòng máu Việt cộng nòi. Bố bảo cho thế để đừng có ảo tưởng với mấy lời khai cũ, đến khi ân hận thì quá muộn đấy con ạ.
Như một quả tạ giáng xuống đầu Lạng. Anh chết lặng người. Lẽ nào cuộc đời lại trớ trêu đến thế? Trong một giây quá khứ cuồn cuộn trào lên… Những tiếng đồn đại của dân làng hóa ra có thật ư? Hay là chỉ vì những lời đồn đại ấy mà bọn gián điệp gà mờ đã khẳng định như vậy? Mình không phải con bố Ất, nghĩa là mình không phải họ Hoàng? Mình là con ông Học thiệt ư? Con một phó chủ nhiệm hợp tác xã? Lẽ nào họ của mình là Ngô Sĩ.
– Tao nói cho mà biết thế là cốt để cứu mày. – Người lính bỗng đổi cách xưng hô – Nói thiệt là tao cũng chúa ghét ba thằng cha an ninh. Toàn như cú mèo cả. Mày cứ liệu đấy, chẳng ai tin mày đâu. Lên trên đặc khu thì liệu đấy mà khai. Ương bướng chỉ thiệt mạng thôi.

Lạng hầu như mất hẳn ý chí và lòng kiêu hãnh. Sau khi về đến đặc khu anh đã kể hết tất cả hoàn cảnh của mình, kể cả những lời đồn đại mà chính mình cũng nửa tin nửa ngờ trong suốt bao năm thơ ấu. Rằng anh đúng đã sinh ra trong nhà họ Hoàng, tuy vậy cũng có lời xì xào anh là con ông Ngô Sĩ Học. Nhưng vì gia đình anh là gia đình "nết na" nên đã cấm ngặt những chuyện đó. Cái "nết na" ấy đã đẩy anh trở thành kẻ sống lửng lơ, không họ hàng…
Lạng bị giam lỏng đúng hai mươi hôm. Sau đó nghe đâu đã có những xác nhận mới của Phòng hai Bộ tư lệnh đặc khu quyết định cho Lạng nhập ngũ. Anh được điều về làm lính ở đơn vị công binh cầu đường. Rõ ràng Lạng vẫn không được trọng dụng.

Mặc dầu đã được mặc áo lính hẳn hoi, và trong công việc Lạng lại là người hì hục, tận tụy nhất, song lúc nào anh cũng mặc cảm rằng mình là một tên tù cải tạo. Xung quanh, hình như ai cũng nhìn anh bằng con mắt tò mò, dè dặt. Người ta đang nói với nhau chuyện gì đó vui lắm, nhưng khi Lạng kéo lê chiếc xẻng đến gần thì họ im bặt tiếng cười rồi lảng ra nói những câu thật nhạt nhẽo. Không một ai bắt chuyện với Lạng, trừ mệnh lệnh và những câu chửi tục. Mấy ngày đầu Lạng không thể nào chịu nổi những câu chửi tục. Đã có lần uất quá anh định vung xẻng lên xán bừa vào giữa mặt cái thằng vừa chửi. Nhưng rồi anh cố nén chịu. Vài ba lần nén chịu. Cứ thế, nhịn mãi thành quen. Đầu Lạng cúi thấp hơn, mặc dù trong ngực anh vẫn chưa thôi những cơn tấm tức như sóng cuộn.

Gần một tháng trôi qua, Lạng sống trong âm thầm chịu đựng. Dần dần anh cũng tìm ra được một cách sống thích hợp: bất cần và phó mặc. Suốt ngày Lạng hì hục đập đá, xe đất như một kẻ làm thuê. Hết giờ anh lặng lẽ ngồi một mình, thẫn thờ nhìn ra phương Bắc. Mặc kệ ai xầm xì, chỉ trỏ, mặc kệ cả những đôi mắt xoi mói nhìn trộm, Lạng cứ ngồi thế cho đến khi có lệnh tập hợp.

Lúc này đại đôi công binh đang thi công đoạn đường "Bắc tiến" từ Nam Đông hướng thẳng ra Khe Dưới. Những ngày giáp tết, mưa liên miên. Đất đỏ nhão nhoẹt dính đặc sệt đầu xẻng. Máy húc đi trước xới tung rễ cây, vét cạn những cồn đất cao. Bánh xích băm nhừ lớp đất mặt. Những người lính mang giày cao cổ lội sì soạp trên bùn. Xe tải GMC chở kìn kịt những thùng đất sỏi từ dưới các đồi hoang gần Cam Lộ lên đổ ùn thành đống trên mặt đường. Tiếp đó là công việc của Lạng. Đất sỏi được xúc rải đều mặt đường tạo nên một lớp cứng như đúc bê tông. Con đường đỏ quạch cứ thế mà lăn dần vào khu phi quân sự, chọc thẳng ra miền Bắc như một lưỡi dao bầu bầm máu của tên đao phủ.

Đêm. Cả đại đội đóng quân theo thế dã chiến hai bên trục đường dưới những mái nhà dù lóng lánh. Nhạc nhảy từ phía nhà chỉ huy đại đội vàng lên run rẩy. Những cô gái trong đoàn quân tiếp vụ, mặt dày bộp phấn, đang uốn mông theo nhạc. Mưa vẫn gõ triền miên vào rừng. Lính ở lán ngủ thiếp đi sau một ngày còng lưng xúc đất sỏi.
Những đêm như thế Lạng thường ngồi ôm gối nhìn lên nhà chỉ huy đại đội. Lúc đầu anh không thích thú nhạc nhảy cong cớn đó. Ở miền Bắc bao năm, chưa một lần nào anh nghe thứ nhạc ấy. Nhưng cái gì rồi cũng quen. Hơn nữa bẩm sinh anh đã có "máu" văn nghệ. Tiếng nhạc nhảy như một chất nghiện cứ ngấm dần vào anh. Càng nghe càng thèm thuồng. Lạng rất muốn mò lên nhà chỉ huy để được tận mắt xem các cô tiếp vụ nhảy. Nhưng anh không dám.

Lạng đang ngồi ngẩn người như kẻ si tình bị thôi miên khi chợt nghe phía sau có bước chân ai đi gần lại. Lạng bối rối như kẻ bị bắt quả tang. Anh định nhổm dậy chui nhanh vào lán. Nhưng bước chân phía sau đã dừng sát sau lưng lạng.

– Nghĩ chi hung rứa, chú?

Lạng nhận ngay ra tiếng anh Mẫn bếp trưởng. Từ ngày về đại đội công binh này Lạng sống một cách lạc lõng như đứa trẻ mồ côi thẫn thờ trong một khu gia đình tấp nập. Chỉ duy nhất có một người thường hay đưa mắt nhìn trôm Lạng. Thoạt đầu Lạng rất khó chịu với đôi mắt ấy. Nhưng rồi dần dần anh nhận ra Mẫn không phải là kẻ độc ác. Suất cơm nào Lạng chìa tay ra bê đều được Mẫn đắp vội thêm một miếng cháy to bằng bàn tay. Rồi đến lúc chính Lạng lại hay đưa mắt nhìn trộm người bếp trưởng: Đấy là một thanh niên có lẽ phải lớn hơn lạng gần chục tuổi. Khuôn mặt xương xẩu, tóc quăn, cặp môi rạn nứt như ăn trầu. Hai cánh tay gầy và dài. Cả con người của Mẫn thoạt trông như một cành cây sầu đông trụi lá. Tuy vậy đã gần một tháng rồi mà hai người chưa có lần nào bắt chuyện với nhau.

– Răng trông buồn thiu rứa, nhớ nhà hí?

Mẫn hỏi rồi ngồi xuống bên Lạng. Tiếng nhạc nhảy vẫn bồng bềnh, chao đảo trước mặt. Gió lạnh thổi tạt từng cơn khiến tiếng nhạc có lúc mất đi đột ngột như chìm xuống đáy vực rồi bất ngờ rồ lên từng cơn như tiếng kêu cứu thất thanh. Tự nhiên Lạng bỗng thấy run sợ Hình như có tai họa gì đó sắp sửa áp lên người Lạng. Bất giác anh rùng mình. Bàn tay Mẫn đã đặt nhẹ lên vai anh.

– Này… ở ngoài nớ thế nào hè?

Tiếng Mẫn cũng thầm thì run run y như tai họa đã quay đầu chĩa về phía Mẫn… Chuyện gì thế nhỉ? Lạng thầm hỏi trong ý nghĩ thấp thỏm không yên.

– Ngoài nớ.. nó như thế nào?
– Là thế nào?
– Là… nói chung mọi thứ?

 

– Thì vẫn thế…- Là thế nào?
– Cũng chẳng thế nào cả…

Không ai có thể nhận ra nội dung của những lời đối thoại vụng trộm và vô nghĩa ấy. Nhưng cả Mẫn lẫn Lạng đều tự hiểu. Cả hai đang đi chênh vênh trên một giới tuyến mỏng manh và éo le như sợi chỉ giăng qua bờ vực.

– Ngoài nớ… có hay thiết quân luật không?

– Nỏ (2)

– Có cố vấn không?

– Nỏ!

– Thế thì làm thế nào?

– Làm hợp tác chứ thế nào?

– Hợp tác là cái gì?

Lạng hơi khó hiểu vì sao Mẫn lại hỏi tỉ mỉ những chuyện ấy. Anh đáp dè dặt.

– Ơ hay hè, rứa tổ đổi công là cái chi?

Lạng sắp sửa cáu kỉnh:

– Cái anh ni hay hè. Thì làm đổi công chứ chi nữa. Nói thí dụ, nhà anh giúp nhà tôi cấy, nhà tôi lại trả công gặt cho anh.

– Ơ hay hè, rứa nhà nào cũng có ruộng à?

– Ừ, nhưng hiện chừ thì bỏ chung vào hợp tác rồi.

– Rứa là mất ruộng?

– Xì, có vậy mà anh không hiểu à? Bỏ chung vào rồi cùng làm cùng hưởng. Người mạnh giúp người yếu, nhà nhiều công giúp nhà ít công…

– Ơ hay hè…

Những tiếng "ơ hay hè" cứ khe khẽ phát ra giòn như hạt mưa rơi trên máng xối. Hai người cứ đà ấy mà ngồi sát lại với nhau lúc nào không để ý.

– Rứa ngoài nớ có dân vệ không? Có bảo an không?

– Dân vệ là chi?

– Là… kiểu như lính nhưng ở nhà đó, ăn cơm nhà mà có súng…

– À, thế thì cũng có. Ngoài nớ gọi là dân quân.

– Ơ hay hè. Này rứa ngoài nớ…

Cứ vậy, một người say sưa hỏi và một người hào hứng giải thích. Chuyện hấp dẫn và hứng thú hơn bất kỳ một kho sách li kì nào. Tiếng nhạc nhảy đã chết lim đi từ lúc nào. Rừng khúm núm trong gió lạnh và mưa mịt mùng. Đâu đó có những tiếng ngáy khò khò của lính phát ra, nặng nhọc và khổ ải.

"Mình đã nói những gì về miền Bắc?". Câu hỏi cứ chập hờn mãi trong đầu Lạng. Đêm đã quá khuya lính trong nhà dù ngủ li bì. Riêng Lạng không sao chợp mắt được. Sau buổi nói chuyện như xả hơi bởi quá lâu rồi phải im lặng, Lãng bỗng giật mình run sợ. Biết đâu Mẫn là người theo dõi mình? Ừ, dại quá, mình cứ kể tuồn tuột hết mọi chuyện. Nghĩ đi nghĩ lại Lạng thấy có chút yên tâm vì thực ra cũng chẳng có điều gì bí mật. Như vậy mình vẫn chưa phải là thằng phản bội. Lạng thấy xốn xang như có cặp mắt ai đó từ trong khoảng đêm sâu thẳm nhìn xói vào mình.

Mình không phản bội!… Mà cũng không hề dối trá. Như vầy còn có duyên cớ gì mà sợ hãi. Nghĩ vậy nhưng Lạng vẫn thấy chờn chợn. Có lẽ vì mình đã kể về miền Bắc một cách quá sôi nổi nhiệt tình. Ừ, mà cũng lạ. Mình có gì với ngoài đó mà say sưa đến vậy? Những ngày sống trên đất Bắc, mình luôn luôn tủi hổ và ấm ức kia mà? Rứa mà chừ vẫn nhớ. Nhớ quá đi thôi. Lạng nhắm nghiền mắt lại, cố gắng ngủ. Cả một Vĩnh Linh cuồn cuộn hiện ra trong trí nhớ của anh…

Đột ngột cả khu rừng choàng dậy cuống cuồng. Một cái gì đó không rõ rệt xảy ra giữa lúc lính công binh còn ngủ mê mệt. Chớp sáng xanh lè, khói thuốc đạn khét lẹt, tiếng nổ dập dồn từ nhiều phía. Chưa ai trong đám lính công binh này có chút khái niệm gì về một trận đánh. Nhưng bằng trực giác của những con người luôn luôn bị cái chết đe dọa đang ập đến. Đám lính tỏa ra mọi phía, la hét nháo nào. Đất dưới chân tưởng chừng sụt lở hết. Rừng cây như bốc cháy. Ai cũng hi vọng được thoát nhưng ai cũng có cảm giác không thể nào chạy thoát được.

Thực ra đây chỉ là một trận tập kích nhỏ của tổ công an bờ Bắc bí mật phá rối âm mưu làm đoạn đường "Bắc tiến" của Mỹ – ngụy. Trận tập kích chỉ xảy ra chừng mười phút. Vài chục quả lựu đạn với mấy băng AK. Thế thôi, nhưng với đại đội công binh thì biến cố này như là một trận động đất.

Lạng co giò đạp băng qua quãng rừng cằn phía nam, cắm cổ chạy không hề ngoái lại. Những dây leo chằng ngang dưới đất mấy lần quật Lạng ngã nhào. Hình như ở trán cháy máu. Mặc kệ, Lạng cứ cắn chặt hai hàm răng cho khỏi run, cố để tay lên bụng cho đỡ đau thắt mà chạy. Cái sợ đối với Lạng có một ý nghĩa đặc biệt khủng khiếp. Đấy là nỗi sợ bị trả thù. Lạng linh cảm thấy giây phút phán xử đã đến. Anh chạy thục mạng trong một nỗi tuyệt vọng như thể trời sắp sập. Thoát ra khỏi đám cây rừng là đến đồi tranh. Cỏ tranh lúp xúp trống trải khiến Lạng càng hốt hoảng hơn. Đôi chân phóng rào rào. Có lẽ chẳng ai chạy kịp anh hoặc chạy theo hướng anh. Nhưng Lạng không hề biết điều đó vì anh không ngoái đầu lại một lần nào. Tiếng súng tập kích đã im tự lúc nào anh cũng không hề biết. Lạng chạy như rút ruột.

Bất ngờ Lạng lao sầm vào một người nào đó từ phía bên lao ngang qua. Cả hai gần như cùng một lúc hét lên một tiếng nghe khủng khiếp như tiếng kêu trước lúc tắt thở. Rồi cả hai, không hề có một giây nghĩ ngợi, ôm chằng lấy nhau, quật lộn nhau xuống đất, lăn sầm sập trên cỏ tranh, cào cấu, cắn xé, bóp cổ. Tiếng thở hồng hộc chèn vào nhau. Tiếng rên hư hử. Tiếng đấm thụi huỳnh huỵch. Lạng lật được người lên trên, đè đầu gối vào bụng kẻ nằm dưới, rồi cứ đà ấy anh nhún toàn thân. Một tiếng "ợ" trào lên nghe lẫn với tiếng rên khe khẽ:

– Mạ ơi… con chết – Việt cộng…

Đột ngột Lạng chùng tay lại. Toàn thân anh run lên. Cái chút trí tuệ người ít ỏi trong anh lúc này chợt thức tỉnh. Lạng nhận ra tiếng rên của người quen. Anh gọi cuống quít:

– Anh Mẫn!… Anh Mẫn phải không?

– Chao… thằng Lạng… hứ? Mi… giết… tao…

– Anh ơi…

– Mi…

Rồi im lặng. Nỗi hãi hùng cùng với sự tuyệt vọng giây lát đông đặc lại trong trí não Lạng cái màu tối của đêm cuối đông này. Lạng cứng đờ cả tay chân ngồi câm lặng nghe tiếng thở mỗi lúc một yếu dần của người bạn. Anh chẳng còn biết chỗ này là chỗ nào chỉ ang áng rằng đã cách khá xa khu đóng quân của đại đội. Chẳng ai biết được tội lỗi của anh. Nhưng riêng anh, làm sao mà trốn nổi. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời anh đã tự tay giết một mạng người. Cả cơ thể anh, trí não anh rệu rã ra đến mức không thể nào cử động được. Anh cứ ngồi vậy, mặt cúi gục xuống. Máu từ trán, từ má chảy rỉ xuống khóe miệng tanh nặc và mặn chát. Lần đầu tiên anh biết tởm lợm mùi máu.

– Mạ tau… ở Đông Hà… gọi là bà Tĩnh… buôn đồ gỗ… gần chợ. Tau con một… tau thương… Mạ ơi!…

Tiếng "ơi" cuối cùng nấc lên như một tiếng khóc. Cả tấm thân gầy guộc của Mẫn bỗng giãy lên đành đạch. Lạng hốt hoảng chồm người tới đè lên ngực Mẫn. Sau cái giãy giụa như muốn vùng chạy, Mẫn nằm co quắp, cứng đờ. Lạng run rẩy kéo thẳng chân tay bạn ra. Một cảm giác ghê rợn bất ngờ chạy lan người Lạng. Hai hàm răng va vào nhau cầm cập. Anh lùi dần, lùi dần rồi đột ngột vùng chạy.