Nhân vật Huấn Cao:
Sự kết hợp lí tưởng giữa nghệ sĩ và hào kiệt
– Trước cách mạng, NT – người nghệ sĩ có tâm hồn yêu cái đẹp, đã đem cái tôi tài hoa, khinh bạc, kênh kiệu của mình chống lại cái xã hội “ối a ba phèng”, cái xã hội ô trọc của những kẻ giàu lên một cách hỗn láo, cái xã hội ăn hiếp người của bọn con buôn, chỉ điểm, mật thám. Lạc lõng giữa cái xã hội sống bằng tàn nhẫn, lừa lọc ấy là một đám nghệ sĩ tài hoa, tài tử, những kẻ giang hồ phiêu lãng, chỉ đem cái tình cái tài ra mà đối đãi với nhau. Viên Quản ngục còn chút thiên lương và Huấn Cao thuộc loại người hiếm hoi này.
– Trong Chữ người tử tù, ngòi bút Nguyễn Tuân đã tập trung khắc hoạ vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao. Vẻ đẹp của Huấn Cao là vẻ đẹp lãng mạn, một vẻ đẹp được lí tưởng hoá, được thể hiện một cách khác thường chừng như không thể xảy ra được. Huấn Cao hiện lên một cách rực rỡ, chói sáng nhờ được tô đậm bằng những tương phản gay gắt.
– Con người được lí tưởng hóa này cũng như những kẻ tài hoa, những giang hồ lãng tử khác trong “Vang bóng một thời” là hình bóng của Nguyễn Tuân, là ước mơ của Nguyễn Tuân, dù là có thể có nhiều ý kiến cho rằng nhân vật ấy bắt nguồn từ một nguyên mẫu ngoài cuôc đời là Cao Bá Quát.
a. Huấn Cao – nho sĩ tài hoa lỡ vận.
– Tài văn: Tài viết thư pháp – tài năng của một người nghệ sĩ chân chính.
– Tài võ: Có tài vượt ngục bẻ khóa, ra vào chốn lao tù như không
* Tài năng được miêu tả gián tiếp:
– Tài hoa của Huấn Cao được giới thiệu ngay từ đầu truyện qua lời của các nhân vật khác. Nguyễn Tuân đã chú ý giới thiệu cái tài hoa của HC trước khi giới thiệu nhân vật. Nhân vật chính chưa xuất hiện, đã được giới thiệu là người “văn võ đều tài cả”. Hơn thế, tài viết chữ đẹp hiện lên từ những lời đồn đại ngưỡng mộ của người đời “Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp?”, tài hoa của HC đã tạo nên danh tiếng trong lòng thế gian, như một huyền thoại.
– Tài năng ấy còn được nhấn mạnh hơn nữa khi Nguyễn Tuân miêu tả sự khao khát, nhẫn nại đãi ngộ kẻ tử tù cả tháng trời chấp sự khinh bạc xua đuổi của kẻ dưới quyền, và thậm chí bất chấp cả hiểm nguy bị cách chức để có được chữ của viên quản ngục, “Chữ Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm “, “Có được chữ ông Huấn mà treo là có được một vật báu trên đời “, “cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết”.
* Tài năng được miêu tả trực tiếp:
– Và đặc biệt, sự nâng niu, trân trọng của những người trong phòng giam trước những con chữ vuông vức thơm phức mùi mực đã thay cho những lời ca tụng về nét tài hoa của một Huấn Cao nhà nho nghệ sĩ chân chính. Trong cảnh tượng ấy, tài hoa của Huấn Cao đã được ngòi bút Nguyễn Tuân trực tiếp miêu tả “nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của cả đời con người” (quả đúng là: nét chữ nết người). Chữ Huấn Cao quý vì nó chứa đựng những hoài bão tung hoành, chứa đựng sự tinh hoa, tinh huyết của cả đời người. Nét chữ ấy không chỉ được khen ngợi, được ngưỡng mộ mà còn được tôn thờ, nó không chỉ đẹp mà còn quý, gần như là một điều gì đó rất thiêng liêng.
=> Miêu tả cái tài hoa tuyệt đích của HC cũng chính là cách để Nguyễn Tuân thể hiện quan niệm liên tài của mình. Cái tài là thứ quý hiếm đáng được tôn thờ và ngưỡng mộ; phải là cái phát lộ đến tuyệt đích; phải có giá trị thanh lọc tâm hồn con người.
b. Huấn Cao – anh hùng thất thế, sa cơ đang phải chờ lĩnh án chém mà vẫn khí phách hiên ngang.
– Nhân vật Huấn Cao còn được khắc họa đậm nét ở từ góc độ của một anh hùng nghĩa khí. Con người ấy đã đứng về phía nhân dân “ thủ xướng” cuộc dựng cờ mà chống lại triều đình. Chí lớn không thành, bị bắt giam nơi tử ngục chờ ngày lãnh án chém mà vẫn thản nhiên coi thường, vẫn là một anh hùng hiên ngang, ung dung (coi cái chết nhẹ tựa lông hồng). Cho nên cái câu “hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn” thực chẳng đúng với ông Huấn Cao chút nào.
– Khí phách khác người của Huấn Cao cũng được giới thiệu ngay từ đầu truyện, là người có nghĩa khí chọc trời khuấy nước, lại có tài bẻ khóa vượt ngục => Dũng khí phá bỏ gông xiềng của Huấn Cao cũng lan truyền vang dội xa như huyền thoại khiến những con người đang nắm giữ gông xiềng cũng phải nể sợ.
* Thái độ.
– Trước hết ở thái độ đối với cường quyền: Ông đã dám đứng lên để chống lại triều đình phong kiến bởi không chịu khuất phục trước cường quyền và bạo lực, như vậy tức là dám chống lại một nền móng xã hội có sức mạnh của cả ngàn năm, nó đi ngược lại với luân lí lễ giáo mà Nho giáo áp đặt cho những nho sĩ trí thức như Huấn Cao, và khi làm như vậy cũng là đặt bản thân, dòng tộc vào vòng hiểm nguy. Bấy nhiêu cũng đã đủ nói lên tính cách khí khái vị nghĩa của Huấn Cao.
– Đối với ngục quan, Huấn Cao vẫn tỏ ra đường hoàng, ngang tàng, thậm chí là xua đuổi, mắng nhiếc.
+ Thản nhiên nhận rượu thịt mà chẳng hề sợ hãi hay lo nghĩ gì, coi đó như “việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình”.
+ Khi viên quản ngục hỏi ông có cần thêm gì nữa không với thiện ý chân thành, HC đã trả lời như thể tát nước vào mặt y: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”.
+ Khi tưởng viên quản ngục cũng như bao kẻ nơi trại giam khác “sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc”, nghĩa là cũng độc ác, thô bỉ, ngu xuẩn, cặn bã, “ông cố ý làm ra khinh bạc đến điều”.
=> Đến cả lúc lỡ bước sa cơ, ông vẫn giữ cho mình được cái tính đường hoàng, tự tại thậm chí có phần ngạo nghễ, kiêu bạc.
* Hành động.
– Khí phách hiên ngang của HC thể hiện rõ ràng nhất chính ở hành động.
+ Đó là việc dỗ gông một cách lạnh lùng trước mặt tên lính áp giải, giữ nghiêm cái oai phong lẫm liệt của một người lãnh đạo, chứ không hề có sự sợ hãi, buông xuôi của một tử tù đang chờ án chém.
+ Khí phách đó còn thể hiện qua lời mắng nhiếc, xua đuổi đối với viên quan coi ngục, dẫu HC biết rằng ông ta chính là người nắm quyền sinh sát nơi đề lao này. Đó là hành động nhằm giữ gìn khí tiết, không vì biệt đãi mà chịu lụy vào người.
+ Đối với những người xin chữ, HC nhất quyết không vì mưu cầu lợi ham lộc mà bán cái tài của mình, “tính ông vốn khoảnh”.
+ Trong cảnh cho chữ con người ngang tàn ấy cổ đeo gông, chân vướng xiềng vẫn say xưa sáng tạo, không thèm nghĩ đến cái chết đang kề cổ.
=> Tư thế hiên ngang lồng lộng giữa cái nền xám xịt của ngục tù.
=> Là kẻ phản nghịch nguy hiểm, cứng đầu trong mắt của triều đình, nhưng trong mắt của người đọc, HC vẫn là con người nghĩa khí đáng trọng.
Nơi Huấn Cao hội tụ cái khí phách hiên ngang, cái uy nghi của một bậc anh hùng lẫm liệt “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”.
c. Huấn Cao – Con người có thiên lương rực rỡ.
* Huấn Cao – người sáng tạo cái đẹp – hiểu được giá trị của cái đẹp.
– Bản thân HC là người sáng tạo cái đẹp nên ông ý thức được giá trị của cái đẹp.
+ Là người viết chữ đẹp nhưng ông rất ít cho chữ (ngoài 3 người bạn thân).
+ Chỉ cho chữ những người biết thưởng thức và biết yêu quý cái đẹp, tôn trọng cái tài: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”.
+ Chỉ đến khi cảm được tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” và hiểu ra cái sở nguyện cao quý của quản ngục, HC mới nhận lời cho chữ.
=> Đã là người không run sợ trước quyền thế, HC còn là người không bao giờ bị cám dỗ bởi vàng ngọc hay giàu sang phú quý. Là người trọng nghĩa, khinh lợi. Biết tự trọng và không ham quyền hám lợi.
=> Một tâm hồn thanh cao, trong sạch.
* Huấn Cao – một con người biết trọng tấm lòng của con người.
– Huấn Cao là người nghĩa khí khảng khái, nhưng ông còn là một con người biết trọng tấm lòng của con người. Đã từng hiểu nhầm thành ý của viên quản ngục mà đuổi mắng ông ta ngay khi đang được biệt đãi, nhưng Huấn Cao lại tỏ ra hết sức vị tha, rộng lượng khi thấu hiểu ước ao cao đẹp của viên quản ngục. Đó thực sự là biểu hiện của một con người có phẩm tiết cao quý, mà theo chữ Nguyễn Tuân dùng, đó là một tấm lòng thiên lương cao đẹp. Tấm lòng thiên lương của Huấn Cao thể hiện rõ nhất qua sự thay đổi thái độ của ông đối với viên quản ngục.
+ Lúc đầu, Huấn Cao tỏ ra khinh bạc, lạnh lùng đối với viên quản ngục.
+ Nhưng khi đã hiểu rõ tấm tình của viên quản ngục, Huấn Cao chẳng những vui vẻ nhận lời cho chữ mà còn thốt lên lời nói đầy xúc động, ân hận chân thành “thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Hóa ra con người tưởng như có trái tim bằng thép ấy cũng có lúc mềm lòng. Theo Huấn Cao, sống là phải xứng đáng với mọi tấm lòng trong thiên hạ, phụ mất một tấm lòng đã là một tội lỗi lớn. Đó là một tấm lòng vị tha, vị nghĩa, một tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”, mến mộ tri âm. Chính tấm lòng ấy đã nối kết hai con người ở trong hai vị thế đối đầu nhau và cũng chính tấm lòng ấy đã khiến cho nhân vật Huấn Cao toàn vẹn hơn, hoàn hảo hơn. Ông không chỉ là một nghệ sĩ tài hoa mà còn là hiện thân của phẩm tiết, của khí chất kẻ sĩ.
d. Huấn Cao – người thay Nguyễn Tuân phát biểu quan niệm sống.
– Qua hình tượng nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân muốn bày tỏ những quan niệm của mình về cái đẹp: Trong truyện, Huấn Cao được xây dựng không chỉ là người có tài mà còn có tâm, có “thiên lương” (bản tính tốt lành). Huấn Cao không chỉ có thái độ hiên ngang, bất khuất, coi thường cái chết và tiền bạc mà còn có tấm lòng yêu quý cái thiện, mềm lòng trước tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của viên quản ngục (sẵn lòng cho chữ khi hiểu rõ thiện căn và sở thích cao quý của ông ta) và thậm chí còn biết sợ cái việc chút nữa “phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Có thể nói đó là hai mặt thống nhất của một nhân cách lớn => Như thế, trong quan điểm của Nguyễn Tuân, cái tài phải đi đôi với cái tâm. Cái đẹp và cái thiện không thể tách rời nhau. Đó là một quan điểm thẩm mĩ tiến bộ của tác giả.
– Qua việc yêu mến và ca ngợi HC, tiếc nuối những người như HC, nhà văn kín đáo thể hiện tình cảm yêu mến những giá trị văn hoá truyền thống, thể hiện tinh thần dân tộc và lòng yêu nước kín đáo của mình.
Tiểu kết: Huấn Cao là nhân vật đẹp nhất, lí tưởng nhất của đời văn Nguyễn Tuân, là sự kết tinh của một ngòi bút tài hoa lãng mạn, là sự kết hợp lí tưởng tuyệt vời với một đấng anh hùng hào kiệt và một bậc tài hoa nghệ sĩ. Nhân vật này là nét son đỏ chói lọi trên cái nền vàng úa, ảm đạm của “Vang bóng một thời”. HC là nhân vật có khả năng vượt qua cái mong manh của trang giấy để in sâu vào tâm trí người đọc.