Tản mạn mùa Covid 19 ( 2020 )

Tản mạn mùa Covid 19 ( 2020 )

     Năm nay, mùa Xuân qua, mùa Hạ đến, không còn chứa đựng nhiều kỷ niệm của tuổi học trò, chẳng còn thời gian ôn luyện thi cử ở các trung tâm, lò luyện, các lớp dạy kèm như xưa. Chỉ còn lại tiếng gõ bàn phím lóc cóc, hay tiếng micro ọ ẹ học Online, trực tuyến. Mùa hè là mùa người người, nhà nhà đi du lịch. Là mùa của con có thời gian đi học các lớp năng khiếu, là lúc dành cho việc trải nghiệm, của sự thảnh thơi, thư giãn… Vậy mà, năm nay thật buồn.

     Tháng 7, nắng gắt đổ lửa, ve không còn sức mà ca hát thì học sinh còn ngồi ê a. Cô trò mặt mày đỏ gay chạy theo chương trình cho kịp quy định. Chiều xuống, ai cũng không buồn cười nói, con về chẳng đủ sức đi nhảy, múa, ca hát như trước… Các anh chị lớn đua theo chương trình rồi ôn luyện cho kịp các kỳ thi quan trọng trước mắt. Mọi thứ cứ như cái guồng quay không ngừng nghỉ chỉ vì một con Virut.

     Thế rồi, cái con Virut đó một lần nữa quay trở lại, khi đất nước chỉ mới ngơi tay được vài tháng. Chưa kịp thở, các anh hùng thầm lặng lại bước vào một trận chiến mới. Các chiến tuyến lại lập ra, các  đồng chí  phải chia tay vợ con gia đình đi phục vụ nhân dân.

    Các gia đình lại chia rẽ, li tán, bố mẹ phải tách con đưa về “cứ địa” an toàn hơn. Các kỳ thi lùi lại, chuyển sang hình thức xét duyệt, các lớp học đột nhiên phải tạm ngừng, các dịch vụ giải trí lại khốn khó nghĩ cách duy trì mong ngày được trở lại hoạt động… biết bao nhiêu nỗi buồn, sự thất vọng, buồn bã ập đến chỉ vỉ một con virut, chỉ vì sự thiếu trách nhiệm, thiếu tính dân tộc, ham lợi mà tiếp tay cho kẻ vượt biên trái phép. Nó đến mang theo nỗi đau khổ, vất vả cho cả một đất nước.

    Chỉ trong vài ngày, 6 Tỉnh, Thành oằn mình chống chọi. Liệu có ai cầm được nước mắt, khi đọc tin “cha hấp hối trong viện, con lại đứng ngoài rào chắn không thể vào nhìn cha lần cuối”, bởi nếu vào, sau đó phải cách ly 14 ngày, lỡ đến lúc cha không còn, ai lo việc cho cha vào lúc ấy?? Ánh mắt xót xa, thương cảm, động viên, giải thích của các đồng chí với người thân ngay giữa ranh giới của hiểm nguy và an toàn thật nặng nề biết bao. Các đồng chí ấy chắc cũng đấu tranh với bản thân lắm, nhưng biết làm sao được. Sự an toàn phải luôn được đặt lên hàng đầu, không chỉ của một cá nhân mà của cả đất nước. Biết ơn làm sao!

     Rồi có ai không xúc động khi thấy hình ảnh Bác sĩ Đương Bệnh viện C Đà Nẵng hát cùng bệnh nhân trong trang phục chuyên dụng, nặng nề, nhưng lại trở thành một biểu tượng lan truyền động lực đến biết bao Y Bác sĩ và người dân.

      Hay chiếc chuyên cơ chở 219 người dân Việt Nam từ Guine Xích đạo trở về quê hương, dù trong đó có hơn 1 nửa số người đã nhiễm bệnh vẫn không ai bị bỏ rơi lại phía sau. Trong tâm dịch các anh hùng bầu trời vẫn tự nguyện điều khiển chuyến bay đầy áp lực, hiểm nguy mang người dân về với Tổ Quốc.

     Đó là khi, thời bình mỗi người chọn một cuộc sống riêng cho mình, nhưng hoạn nạn, người Việt Nam chưa bao giờ mất niềm tin, chưa khi nào ngừng Đoàn kết. Sự đồng lòng tin tưởng vào Đảng, chấp hành, động viên, san sẻ. Là khi mọi ánh mắt nhìn về một hướng, là khi sự hi sinh không bao giờ vô ích, là khi vững vàng trong chiến tuyến hay cả hậu phương. Cha mẹ xa con, chồng xa vợ mà không một lời oán trách, than vãn. Là khi đằng sau các anh/chị những bài hát thể hiện sự biết ơn chân thành luôn vang lên.

    Chúng tôi không có chuyên môn, nhưng có lòng tin vào các “chiến binh thầm lặng”. Hãy đồng lòng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, để gánh nặng lên vai các anh đừng nặng thêm, để tình hình sẽ sớm được kiểm soát, để mọi gia đình lại được đoàn tụ. Việc làm nhỏ mang lại lợi ích lớn nhé, đồng bào của tôi!

Tác giả: Trương Kiều Duyên

#VIETNAMCOLEN

#TUHAOVIETNAM