Tự luận về vấn đề tham nhũng
Nếu phát hiện có hành vi tham nhũng bạn sẽ làm gì để thể hiện quyền và nghĩa vụ của bản thân trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Bài làm
Nếu được hỏi: “Cuộc sống đẹp nhất ở điều gì?”. Em sẽ trả lời: “Cuộc sống đẹp nhất ở những con người đẹp, những con người đáng quí với những phẩm chất tốt đẹp”. Nhưng cuộc sống của hiện tại không đẹp như thế, nó bị “bẩn” bởi một vài con người. Những phẩm chất tốt đẹp đang dần mất đi, thay vào đó là những phẩm chất xấu xa. Bởi xã hội ngày càng tiến bộ là một trong những nguyên nhân khiến con người ngày càng mất đi phẩm chất đáng quí của mình. Điển hình như một học sinh nam ở một trường trung học nào đó đã lấy cắp tiền của một bà cụ để thỏa chí nạp “card” chơi game trên internet; hay một người phụ nữ trung niên nào đó, muốn có được quyền nuôi con sau khi ly hôn, bà ấy đã “hối lộ quan trên” để được quyền nuôi con. Vâng, xã hội ngày càng tiến bộ thì con người trong xã hội sẽ dần mất đi những phẩm chất đáng quí bởi một lẽ họ sẵn sàng đánh đổi phẩm chất của mình chỉ để kiếm chút lợi ích riêng. Đó cũng chính là nạn “tham nhũng”.
Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Hiện nay, vì tiền hoặc vì một nhu cầu nào đó muốn được “thỏa mãn” mà con người sẵn sàng trở thành “quan tham” bất chấp tất cả. Có thể thấy điều đó qua những tin tức hàng ngày, nó có ở khắp các nước, ở trong phim, ở ngoài đời, ở thành thị, nông thôn thậm chí có ở cả những nơi nghèo nàn – tất cả đều phản ánh thực trạng đáng buồn ấy. Như vậy, nạn “tham nhũng” đã hình thành từ rất lâu, chỉ phát triển không nhanh như hiện nay.
Biểu hiện của tham nhũng em không biết nhiều, chủ yếu là xem qua phim ảnh. Đối với những “quan tham” thì họ chờ đợi thời cơ gặp được “đối tượng” và hay hẹn gặp riêng để thực hiện “mưu đồ” của mình. Họ che giấu rất giỏi và chớp thời cơ rất hay, vì vậy người tham nhũng cũng xem là người có bản lĩnh, bản lĩnh bởi tài che giấu liệu có cần được “noi gương”. Thế nhưng, “cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, tạo hóa sẽ không ưu ái cho “bóng tối”, chỉ là điều đó đến sớm hay muộn và “cây kim” đó đã đâm bao nhiêu người.
Những người tham nhũng là những người học giả, mang trong tay tấm bằng giả, có thể họ đã gian lận, dối trá để có được thứ giả tạo ấy. Và rồi, họ gạt người khác, leo lên vị trí cao hơn không phải để giúp đời, giúp người mà chỉ để có được những “điều kiện thuận lợi” để tham nhũng được nhiều hơn mà không sợ gì cả. Thật là những con người tham lam. Thế mà khi bị phát hiện, họ vẫn “trơ tráo” mà nói rằng “tôi không làm, tôi không biết, có ai đó đang đổ tội cho tôi, các người phải điều tra cho kĩ để trả lại sự trong sạch cho tôi”. Có lẽ, họ không biết “ngượng” chăng?
Thế mới biết, trong xã hội vẫn còn những con người như thế. Và cũng chính vì bản thân là những con người như thế nên họ đi đến đâu cũng dành được những cái nhìn không mấy thiện cảm và thái độ xem thường của mọi người.
Tham nhũng thật sự có uy lực làm cho xã hội “thụt lùi” so với sự phát triển của nhân loại. Bởi thế, nếu phát hiện hành vi tham nhũng, trước tiên em sẽ khuyên người tham nhũng ấy dừng lại mọi hành động của mình và phải trở về với “trung thực, thẳng thắng”, nếu không được em sẽ báo cáo cấp trên và sẽ tiếp tục báo cáo đến cấp trên hơn nếu người đó vẫn tiếp tục hành vi của mình; cho đến lúc không làm được gì nữa, em sẽ báo cáo với cơ quan chức năng. Và nếu muốn khai báo với cơ quan chức năng mà không phải “lộ diện” có thể chọn cách viết thư gửi vào họp thư.
Bên cạnh đó, cũng có những con người sống ngay sống thẳng nhưng do “hoàn cảnh” ép buộc họ phải tham nhũng. Đó không phải là chạy tội, họ sẵn sàng tra tay vào còng khi họ thay đổi được “hoàn cảnh”. Ví dụ như trường hợp của anh T, vợ anh bị phát hiện mang bệnh máu trắng mà nhà không có tiền do đồng lương công nhân viên chức ít ỏi mà anh chưa bao giờ tham “một đồng” của ai, mượn tiền cũng không đủ nên anh quyết định tham nhũng một lần để có tiền chạy chữa thuốc thang cho vợ. Và ngay sau khi vợ anh hết bệnh anh đã đến cơ quan công an đầu thú. Liệu anh có nên được tha thứ? Câu hỏi này bản thân em cũng không biết cách để trả lời. Anh nên được tha thứ nếu xét trên bình diện là con người với con người, nhưng anh lại không được tha thứ nếu xét trên bình diện pháp luật. Những người như vậy thật đáng được trân trọng.
Chính vì vậy, chúng ta phải cùng nhau chung tay để nói “không!” với tham nhũng, nhằm giúp xã hội tiến bộ, phát triển. Và phải lựa chọn cách ứng xử đúng đắn khi đứng trước tham nhũng. Không vì bất cứ lí do gì mà khoan nhượng bạn nhé!