Phân tích tình yêu cuộc sống của Xuân Diệu trong đoạn thơ sau:
” Tôi muốn tắt nắng đi
…
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân… “
( Trích: Vội Vàng )
Gợi ý
1. MB
– Giới thiệu XD là nhà thơ “say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt” (Hoài Thanh), trong những vần thơ của ông luôn có nỗi “khắc khoải thời gian”.
– Nỗi khắc khoải ấy được thể hiện một cách đầy đủ và rõ nét như một triết lí sống của XD trong tác phẩm VV (“Vội vàng”), đặc biệt là đoạn trích:
“Tôi muốn tắt nắng đi
…
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân…”
2. TB
– Tình yêu cuộc sống thể hiện qua khát vọng phi thường:
“ Tôi muốn tắt nắng đi
…
Cho hương đừng bay đi”
+ Nắng và “gió” vốn là những hiện tượng của thiên nhiên và có những quy luật riêng mà con người không thể thay đổi được.
+ XD muốn “tắt nắng”, “buộc gió”, muốn chế ngự thiên nhiên, muốn đi ngược lại những quy luật muôn đời để vĩnh cửu hóa những hiện tượng mong manh “cho màu đừng nhạt mất”, “cho hương đừng bay đi”.
+ Cuộc sống trong mắt Xuân Diệu chính là một thế giới đầy màu sắc và hương thơm, vì vậy ngọn nguồn của những mơ ước phi thường ấy xuất phát chính từ tình yêu cuộc sống tha thiết, cháy bỏng của nhà thơ.
+ Khát khao lưu giữ từng khoảnh khắc kì diệu của cuộc sống đã tự nó bật thành điệp khúc “tôi muốn…”, như ngân mãi một mong muốn không bao giờ có thực, vì vậy lời thơ càng trở nên khắc khoải.
– Tình yêu cuộc sống thể hiện qua bức tranh rực rỡ sắc màu
+ Với cặp mắt “xanh non”, cặp mắt “biếc rờn”, XD đã nhìn cuộc sống như một thế giới thật nên thơ, thậ đáng yêu, đáng sống, đáng say, đáng đắm mình trong đó. Chất họa và chất nhạc đã tụ đầy đủ trong thơ ông để tấu lên, vẽ lên một thiên đường trên mặt đất:
- Đó là một thế giới rực rỡ sắc màu của “tuần tháng mật”, của “đồng nội xanh rì”, của “cành tơ phơ phất”, của “ánh sáng chớp hành mi”, của “tháng giêng ngon như một cặp môi gần”…
- Đó là một thế giới rộn rã âm thanh: của yến anh này đây khúc tình si, mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa…
+ Tất cả những cảnh vật rất đỗi bình dị, thân quen của cuộc sống đời thường như sống động, như rạo rực, đắm say đươi ngòi bút của XD bởi chúng đã được tắm trong một tình yêu nồng nàn, chếnh choáng men say từ trái tim thi sĩ, và bởi thế nên giữa chúng cũng chàn ngập yêu thương, cũng quấn quýt lấy nhau như một bản hợp xướng hài hòa của màu sắc, thanh âm và ánh sáng.
+ Hình ảnh độc đáo “tháng giêng ngon như một cặp môi gần” được coi như “nhãn tự” của đoạn thơ. Trong thế giới đầy xuân sắc và tình tứ của XD, chuẩn mực của cái đẹp không còn là thiên nhiên thường thấy trong thơ ca truyền thống mà là con người giữa tuổi trẻ và tình yêu nên vẻ non tơ trong ngần của tháng giêng đã được ví như một “cặp môi gần” quyến rũ, đầy mê đắm.
+ Biện pháp lặp cấu trúc tạo âm hưởng dập dồn, say đắm, gấp gáp như muốn cùng chạy đua cùng thời gian và cuộc sống.
+ Nhà thơ yêu cuộc sống, đắm say với cái đẹp là thế nhưng đó là một niềm vui không trọn vẹn, bởi “tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa, tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Trái tim nhạy cảm của XD buồn nhất ngay trong lúc vui nhất vì ông quan niệm rằng “ xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua, Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”. XD ý thức một cách sâu sắc về sự trôi chảy, không vĩnh viễn của thời gian nên “không chờ nắng hạ mới haoif xuân”, luôn muốn níu giữ những phút giây của hiện tại và bên cạnh tiếng reo vui bao giờ cũng là tiếng thở dài tiếc nuối đầy khắc khoải.
3. KB
Đoạn thơ thể hiện sâu sắc và độc đáo tình yêu cuộc sống của Xuân Diệu qua những khát vọng phị thường và bức tranh “thiên nhiên trên mặt đất”.