Bồi dưỡng học sinh giỏi văn 7 – Phần II.7

BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI VĂN 7

PHẦN II. NỘI DUNG ÔN TẬP NGỮ VĂN LỚP 7

Chuyên đề: Giới thiệu Văn học dân gian và đặc trưng thơ Trung đại Việt Nam và Thơ Đường

III. Phần thơ Đường

* Thành tựu và nguyên nhân phát triển.

  1. Thành tựu

    Thơ Đường là một trong những thành tựu rực rỡ về thi ca của nền văn học Trung Quốc, là một trong những thành tựu chói lọi của nền văn minh nhân loại. Thơ Đường hiện cũng khoảng 48.000 bài, trên 2.300 thi sĩ, trong đó có Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị và hàng trăm tên tuổi khác đó bất tử với thời gian, được người đời ngưỡng mộ.

  1. Nguyên nhân phát triển

    – Triều đại nhà Đường kéo dài ngót 300 năm (618-907), tuy có lúc thăng trầm, nhưng xã hội Trung Quốc và chế độ phong kiến Trung Hoa phát triển mạnh. Đời sống vật chất và tinh thần thay đổi lớn lao.

    – Kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp, hàng hải, thương nghiệp mở mang, phát triển. Nghệ thuật như kiến trúc, hội hoạ, âm nhạc đạt đến trình độ cao, chói sáng.

    Chế độ thi cử chọn người làm quan, kẻ sĩ được đề cao, việc học thịnh đạt. Các tao nhân mặc khách được trọng vọng.

    – Đó là những nguyên nhân tạo nên bước phát triển kỳ diệu của thơ Đường.

  1. Một số đặc điểm về nội dung và hình thức nghệ thuật thơ Đường   

a. Nội dung

    – Cảm hứng thiên nhiên trữ tình: ca ngợi phong cảnh hùng vĩ tráng lệ, miêu tả vẻ đẹp bốn mùa, với hoa lá cây cỏ, trăng, tuyết gió mây…. thể hiện tình yêu thiên nhiên tạo vật, yêu quê hương đất nước (Lư Sơn bộc bố, Tuyệt cú…)

    – Cảm hứng nhân đạo: nói lên nỗi khổ của  nhân dân vì cơ hàn, vì chiến tranh loạn lạc, lòng khao khát hạnh phúc, hoà bình, ca ngợi tình vợ chồng, tình bạn (Thạch Hào lại, Nguyệt dạ, Hoàng Hạc lâu Tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng…)

    – Có những vần thơ siêu thoát ca ngợi cuộc sống ẩn dật ở chốn điền viên, lâm tuyền. Có những vần thơ nói về sinh hoạt thôn dã, đồng nội; thú vui cầm, kỳ, thi tửu của mặc khách tao nhân. Tài tử giai nhân là một đề tài có nhiều tuyệt bút. Nội dung thơ Đường rất phong phú và đa dạng, là một bức tranh rộng lớn xã hội Trung Quốc thời Đường trong 300 năm.

b. Nghệ thuật

    *. Thể thơ: Từ, Cổ phong, Đường luật.

    *. Luật thơ:

    – Vần thơ (vần chân và vần cách, vần trắc và vần bằng).

    – Bằng, trắc.

    – Niêm (dính).

    – Đối.

    – Cấu trúc bài thơ rất chặt chẽ, nhất là Đường luật.

    + Thơ tứ tuyệt: khai, thừa, chuyển, hợp.

    + Thơ bát cú: đề, thực, luận, kết.

    *. Ngôn ngữ thơ: tinh luyện, hàm xúc, Thi trung hữu hoạ. Thi trung hữu cầm. Coi trọng lời thơ: thanh, nhã (trong sáng, trang nhã…) ước lệ tượng trưng….

    *. Tứ thơ: phong phú, đa dạng, biến hoá, khơi gợi…

    Tóm lại, làm thơ Đường phải giỏi, phải có tay nghề cao và giàu tâm hồn thi sĩ. Học và cảm thụ thơ Đường phải hiểu đặc điểm nội dung và nghệ thuật thơ Đường.