Bình bài ca dao: Công cha … nghĩa mẹ

Bình bài ca dao: Công cha … nghĩa mẹ

Ca dao, dân ca là cây đàn muôn điệu của người dân quê Việt Nam. Tiếng đàn ngọt ngào vời vợi từng lan xa theo hương lúa và cánh cò trầm bổng ngân nga trên sóng nước theo nhịp chèo của con thuyền xuôi ngược thiết tha âu yếm qua lời ru của mẹ hiền nhịp nhàng theo tiếng võng kẽo kẹt trưa hè… Khúc hát tâm tình của quê hương đã thấm sâu vào tâm hồn tuổi thơ của mỗi chúng ta mà năm tháng không thể phai mờ. Ta nhớ mãi lời ru của bà, của mẹ…

“Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

          Bài ca ca dao chứa chan nghĩa tình. Nó ca ngợi công cha nghĩa mẹ vô cùng to lớn, sâu nặng và nhắc nhở đạo làm con phải lấy chữ hiếu làm đầu.

          Giọng điệu của bài ca dao sao thân thương thế! Hai câu đầu nói về công cha nghĩa mẹ. Nhà thơ dân gian đã sử dụng biện pháp ví von để tạo ra hai hình ảnh cụ thể, sóng đôi nhau: công cha đi liền với nghĩa mẹ, câu trên nói về núi Thái Sơn thì câu dưới mượn nước trong nguồn…, tạo ra một sự đăng đối hài hòa, lời thơ sâu bền thấm sâu vào hồn dân tộc.

          “Núi Thái Sơn” theo quan niệm của dân gian là ngọn núi cao nhất, hùng vĩ nhất trong những ngọn núi. “Nước trong nguồn…” không bao giờ vơi cạn, vừa trong mát ngọt lành như dòng sữa mẹ, thầm lặng mà cao cả! Lấy núi Thái Sơn và nước trong nguồn chảy ra để làm ví với công cha, nghĩa mẹ, ca ngợi công ơn cha mẹ to lớn, sâu nặng, đó là một cách nói sâu sắc thấm thía vô cùng. Có con người Việt Nam nào không thuộc câu ca dao này? Nhớ, thuộc từ lâu, nhưng mỗi lần ngâm lên, ta vẫn thấy mới mẻ, xúc động:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

          Cha mẹ đã sinh ra, nuôi dưỡng, dạy bảo con nên người. Cha thức khuya dậy sớm, làm lụng vất vả, lo cho con có cơm ăn, áo mặc, đựoc học hành. Dòng sữa ngọt ngào, lời ru của mẹ, ngời con nào có thể quên? Lúc con ốm đau tật bệnh,… cha mẹ lo lắng. Lúc con ngoan ngoãn, lớn khôn… cha mẹ vui sướng, tự hào. Thật vậy, công on của cha mẹ không thể nào kể xiết. Vì thế nhân dân ta có biết bao câu ca, bài hát ca ngợi công ơn cha mẹ:

“Mẹ già như chuối ba lương,

Như xôi nếp mật, như đường mía lau”.

          Hai câu 3, 4 nói về đạo làm con. Nhân dân ta muốn nhắc nhở mọi người một bài học về chữ hiếu. Con cái phải hiếu thảo với cha mẹ; phải htể hiện bằng hành động cụ thể, tình cảm cụ thể là phải “thờ mẹ, kính cha” nghĩa là săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, cả về tinh thần lẫn vật chất. Đó là sự đền ơn đáp nghĩa. Hai chữ “một lòng” nói lên sự đinh ninh, sắt son, không thay đổi. Chữ “tròn” diễn tả sự trọn vẹn, con cái ăn ở thuỷ chung, tình nghĩa, hiếu thảo với cha mẹ. Mỗi câu, mỗi chữ chứa đựng bao tình cảm:

“Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

          Có làm “tròn chữ hiếu” mới xứng đáng là đạo làm con. Hiếu thảo là cái đức của con cháu. Đạo lý của dân tộc ta đề cao chữ hiếu và chữ trung. Kẻ bất hiếu, bất trung bị nhân dân nguyền rủa, lên án. Bài học về đạo lý được diễn tả một cách ngắn gọn, bình dị mà sâu sắc, thấm thía. Câu ca dao có tính giáo dục rất cao, làm ta cảm động.

          Bài ca dao “Công cha như núi Thái Sơn…” cũng như phần lớn hàng nghìn bài ca dao, dân ca khác đã được sáng tác bằng thể thơ lục bát của dân tộc. Nghệ thuật so sánh ví von, sát hợp và gợi cảm, cách dùng từ chọn lọc, chính xác, lời thơ cân xứng hài hòa, giọng thơ êm ái nhẹ nhàng… đã tạo nên bản sắc của bài thơ dân gian này. Có thể nói đây là một trong những bài ca dao đặc sắc nhất nói về tình cảm gia đình. Nó xứng đáng là “viên ngọc” của thơ ca dân gian. Tính truyền cảm, nội dung giáo dục của bài ca dao tạo nên giá trị nhân bản và tính nhân văn lâu bền, sống mãi qua hàng ngàn năm với đất nước và con người Việt Nam.