THÔNG ĐIỆP NHÂN NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG AIDS, 01-12-2003
Cô-phi-an-nan
I. Tác giả:
– Cô-phi An-nan nguyên là Tổng thư kí Liên hợp quốc trong 10 năm (1997-2007)
– Năm 2001, ông được nhận giải thưởng Nô-ben Hoà bình.
KOFI ANAN
II.Đọc- hiểu:
1. Thời điểm ra đời:
Bản thông điệp ra đời nhân Ngày thế giới phòng chống AIDS. 1-12-2003
2. Nội dung bản thông điệp:
Chúng ta cần có những nỗ lực cao nhất để ngăn chặn đại dịch AIDS trên cơ sở tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương và ý thức tự bảo vệ cuộc sống của mình.
3. Cơ sở đưa ra bản thông điệp:
– Đã có cam kết quốc tế về việc chống HIV/AIDS với những mục tiêu và thời hạn cụ thể.
– Tuy vậy, các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc chưa hoàn thành đựoc một số mục tiêu đặt ra hồi năm 2003, “đã bị chậm trong việc giảm quy mô và tác động của dịch so với chỉ tiêu đã đề ra cho năm 2005”.
– Trong khi đại dịch HIV/AIDS đang hoành hành dữ dội thì nhiều quốc gia vẫn chưa dám đưa vấn đề AIDS lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự về chính trị và hành động thực tiễn của mình, thêm nữa, thái độ kì thị đối với người bị HIV/AIDS còn phổ biến.
4. Sức thuyết phục của bản thông điệp được thể hiện ở việc tác giả:
– Chú ý làm rõ tốc độ lây lan chóng mặt của căn bệnh thế kỉ cùng với những con số và sự kiện xác thực.
– Cách dùng cụm từ “lẽ ra” thể hiện sự nuối tiếc, ân hận.
———-THAM KHẢO ————-
Một số khái niệm cơ bản về nhiễm HIV/AIDS |
Virus HIV tấn công và dần dần làm suy yếu hệ miễn dịch của người bệnh. Điều này khiến cơ thể trở nên nhạy cảm hơn với các bệnh nhiễm trùng cơ hội và ung thư. Nếu không được điều trị, hơn một nửa số ca nhiễm HIV ở người lớn sẽ chuyển sang giai đoạn AIDS trong vòng 12-13 năm. Một khi đã bị AIDS, nạn nhân thường chết sau 18-24 tháng. Khi thâm nhập cơ thể, HIV tấn công các tế bào miễn dịch CD4 – một loại tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch. Các tế bào này sẽ bị tiêu diệt hoặc trở nên tàn phế, khiến khả năng chống chọi với bệnh tật và nhiễm trùng của hệ miễn dịch suy giảm. HIV lan truyền từ người này sang người khác chủ yếu thông qua tiếp xúc với máu, tinh trùng và dịch tiết âm đạo. Các đối tượng hay bị bệnh là những người tiêm chích ma túy, quan hệ đồng tính nam hoặc có nhiều bạn tình khác giới. Một số trường hợp nhiễm bệnh do bị truyền máu nhiễm HIV. Ngoài ra, bệnh cũng có thể truyền từ mẹ sang con. Các biểu hiện ban đầu của nhiễm HIV thường bị lẫn với dấu hiệu của một số bệnh nhiễm trùng do virus khác như cúm hoặc tăng sinh tế bào bạch cầu đơn nhân. Đó là: – Sốt, đau họng, đau đầu, đau cơ – khớp. Các biểu hiện này thường tự mất đi sau 2-3 tuần. Việc khám và làm xét nghiệm đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị nhiễm HIV. Chẩn đoán sớm và hiểu biết về HIV sẽ giúp người bệnh được điều trị kịp thời và nhận được sự hỗ trợ cần thiết để làm tăng cơ hội được sống khỏe mạnh lâu hơn. Mục đích của việc điều trị là: – Giảm khả năng tự nhân lên của virus HIV trong cơ thể. Các nhân viên y tế liên tục được trang bị kiến thức mới về nhiễm HIV và cách điều trị. Việc phối hợp chặt chẽ với họ sẽ giúp bạn biết được: – Khi nào cần khám và làm xét nghiệm máu. AIDS là khâu cuối cùng trong các giai đoạn nhiễm HIV. Bệnh AIDS được chẩn đoán khi: – Số lượng tế bào CD4 trong máu đạt dưới mức 200/microlit. Nhiễm HIV/AIDS ở trẻ nhỏ thường khó chẩn đoán hơn so với ở người lớn và bệnh cũng tiến triển nhanh hơn. BS. Thu Thủy |
——————————-
Cuộc thi viết thư “Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người sống chung với HIV”
Bức thư đoạt giải nhất cuộc thi
Thư gửi dì
Dì Lan thương mến!
Hôm nay là ngày giỗ đầu của cháu Thành dì ạ. Nhìn ảnh cháu trên ban thờ, lòng tôi lại quặn đau. Nó đấy, khuôn mặt trẻ trung, rắn rỏi, đôi mắt to, tinh nghịch và cái miệng thật tươi đang cười với tôi.
Nhận được thư của dì đúng vào ngày giỗ đầu của cháu, nỗi đau trong lòng tôi lại nhân lên gấp bội. Lẽ nào cháu Hương lại đi theo con đường của anh Thành nó. Tôi thấu hiểu được lòng dì, lòng người mẹ với bao nỗi căm hận, đau đớn, xót xa khôn cùng. Khi hay tin con mình bị nhiễm HIV, tôi đã muốn chết như dì. Tôi chạy ra biển như điên dại, lội dần ra chỗ sâu, lòng tôi trống rỗng, nước mắt hoà với nước biển mặn chát. Bỗng trước mắt tôi, trên mặt nước hiện ra gương mặt cháu rõ mồn một tiều tuỵ, đẫm lệ và cả hình ảnh nó quỳ xuống ôm hai chân tôi và van xin trong nỗi tuyệt vọng “Mẹ ơi, cứu con”. Thế là tôi không thể nào…không thể nào bỏ rơi nó được.
Tôi chuệnh choạng lê bước về nhà với thực tại tàn khốc ấy. Nghĩ đến gia cảnh của mình, tôi thấy cay cực khôn cùng. Chồng bỏ đi theo tiếng gọi tình ái. Tôi lặn lội thân cò nuôi con, dồn tất cả tình thương, vật chất cho cháu, mong sao cho nó nên người. Vậy mà…khi xin cho cháu ở nơi cai nghiện về, nó yếu quá, ốm quá. Nhìn cháu mà lòng tôi quặn thắt như có ai xát muối, đâm dao vào tim mình. Con tôi khoẻ mạnh, cao lớn, đẹp trai là vậy, thế mà giờ đây ma tuý và căn bệnh quái ác này đã triệt phá cơ thể nó đến tàn tạ.
Tất cả những căm hận, tuyệt vọng trong tôi đã biến mất, chỉ còn lại duy nhất một tình yêu, xót thương vô bờ của người mẹ. Những ngày đầu đưa cháu về, tôi cũng có mặc cảm như dì. Tôi xấu hổ với hàng xóm, sợ họ xa lánh, khinh rẻ mẹ con tôi. Tôi đã nhầm dì ạ. Nghe tin cháu đổ bệnh ở giai đoạn cuối được về nhà, bà con lối xóm, Hội phụ nữ, hội những người có con nghiện, nhiễm HIV kéo đến đầy nhà, thăm hỏi, động viên mẹ con tôi bằng cả tinh thần và vật chất. Cô y tá cùng các cô cộng tác viên của phường thường xuyên qua lại chăm sóc cháu và hướng dẫn cho tôi cách thay rửa, bôi thuốc cho cháu.
Đó là những động lực mạnh mẽ khiến cho tôi thêm sức mạnh và nghị lực để chăm sóc cháu. Những ngày cuối cuộc đời, cháu đau đớn lắm. Đêm khuya thanh vắng, ngồi bên con, thấy nó quằn quại, co quắp, tôi như đứt từng khúc ruột. Nó ngước đôi mắt đục lờ nhìn tôi và phều phào nói trong nụ cười méo mó “Mẹ ơi, ôm con. Mẹ hát đi…!”. Tôi ôm chặt cháu vào lòng, nghẹn ngào cất lời ru “cái bống là cái bống bang. Mẹ bống yêu bống, bống càng làm thơ…” và thế là nó ra đi thanh thản, nhẹ nhàng trong vòng tay, trong lời ru của mẹ. Cùng là người mẹ, chắc dì cũng thấm được được nỗi đau đớn xé lòng cuả tôi. Cũng lời ru ấy, khi nó còn thơ bé, tôi đã hát cho nó vào giấc ngủ ngon. 25 năm sau, tôi lại phải cất lời ru để cho con tôi đi vào cõi chết một cách nhẹ nhàng, êm ái. Đau lắm dì ơi! Thương lắm dì ơi!
Đám tang của cháu được tổ chức rất chu đáo. Khu phố và các đoàn thể của phường đã đến đưa cháu về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi cứ nghĩ một cách tuyệt vọng rằng: cháu ra đi thì tôi sống một cách vô nghĩa, thế nhưng bà con lối xóm, chị em trong tổ phụ nữ, hội những người mẹ có con nghiện, nhiễm HIV đã bên tôi, tiếp sức sống cho tôi. Tôi bây giờ sống thanh thản và hoạt động
tích cực trong phong trào phòng chống HIV. Đó là lẽ sống và niềm vui của tôi. Những lời tâm sự từ đáy lòng tôi chắc dì cũng hiểu ra. Đừng vì buồn mà nghĩ quẩn dì ạ. Hãy là chỗ dựa cho cháu, hãy giúp cháu sống có ích cho xã hội, gia đình và bản thân nó dì nhé. Xã hội và cộng đồng không bỏ rơi những con người như mẹ con của chị em mình đâu.
Giỗ cháu xong, tôi thu xếp việc nhà sẽ về Hải Phòng thăm mẹ con dì. Chúc dì sức khoẻ, tự tin và kiên cường trong cuộc sống! Tạm biệt dì!
Người chị cùng cảnh ngộ
Phạm Thị Oanh