NGHỊ LUẬN VỀ MỘT Ý KIẾN BÀN VỀ VĂN HỌC
Đề 1.
a- Tìm hiểu đề:
– Yêu cầu nội dung: Suy nghĩ của bản thân về ý kiến của nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai: “Nhìn chung văn học VN phong phú, đa dạng; nhưng nếu cần xác định một chủ lưu, một dòng chính quán thông kim cổ, thì đó là văn học yêu nước”
– Các thao tác lập luận: Phân tích, chứng minh, so sánh, bình luận.
b- Tìm ý: Có thể tìm các ý sau.
– Cuộc sống con người VN phong phú, đa dạng, thơ văn VN đã phản ánh cuộc sống đó.
– Để tồn tại bên cạnh các thế lực quân sự hùng mạnh, nhiều tham vọng, dân tộc VN từ xưa đã phải luôn chú tâm phòng bị và chiến đấu kiên cường để giữ vững nền độc lập của mình. Do hoàn cảnh đặc biệt đó, chủ lưu văn học VN là văn học yêu nước. Đặc điểm đó xuyên suốt từ xưa đến nay. ( Cần chọn những dẫn chứng tiêu biểu để chứng minh như: Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình Ngô, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn độc lập, thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Chính Hữu,…)
– Trên thế giới, mỗi dân tộc có hoàn cảnh riêng, số phận riêng. Là người Việt Nam, cần nắm lịch sử của đất nước và đặc điểm văn học của dân tộc mình. Đó cũng là một cách nhớ đến công lao và tâm sức của cha ông ta. Ý kiến của Đặng Thai Mai giúp chúng ta nhìn rõ và khắc sâu những điều đó.
c- Lập dàn ý: Trên cơ sở những ý đã tìm, Gv cho hs tự lập một dàn ý thích hợp.
Đề 2.
a- Tìm hiểu đề:
– Yêu cầu nội dung: Nêu ý kiến của bản thân về nhận xét của người xưa về cách đọc sách: “Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua kẽ, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài.”
– Các thao tác lập luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận.
b- Tìm ý:
– Giải thích:
+ Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua kẽ: Tuổi trẻ đọc sách chỉ thấy trong phạm vi nhỏ hẹp.
+ Lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân: Theo thời gian, kinh nghiệm, vốn sống nhiều hơn thì tầm nhìn mở rộng hơn khi đọc sách.
+ Tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài: Càng nhiều vốn sống, vốn văn hoá và kinh nghiệm thì đọc sách càng hiểu sâu hơn, rộng hơn.
→ Càng lớn tuổi, có vốn sống, vốn văn hoá và kinh nghiệm…thì đọc sách càng có hiệu quả.
– Tác phẩm văn học ghi lại những cảnh, những tình, những trải nghiệm của cuộc đời. Nhưng tiếp nhận những điều đó đến mức độ nào còn tuỳ thuộc vào trình độ, kinh nghiệm & hiểu biết về cuộc đời của người đọc.
Có thể chứng minh sự tiếp nhận giá trị truyện Kiều qua các độ tuổi khác nhau.
– Bình luận: Tuy nhiên, không phải ai từng trải cũng có thể hiểu sâu sắc tác phẩm văn học. Và đối với những người trẻ tuổi, nếu chú ý quan sát, tìm hiểu, biết nâng cao năng lực, trình độ văn hoá, trình độ lí luận, nhất định họ cũng sẽ hiểu sâu sắc tác phẩm văn học.