Miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự

MIÊU TẢ VÀ BIỂU CẢM TRONG VĂN BẢN TỰ SỰ

A. Mục đích yêu cầu:

– Giúp hs ôn tập và nâng cao những kiến thức văn Miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự

– Rèn kĩ năng trình bày miệng, viết những kiến thức trọng tâm.

– GD ý thức hoc tập bộ môn.

B. Nội dung :

+ Trong VB TS, rất ít khi các tác giả chỉ thuần kể người, kể việc (KC), mà khi kể thường đan xen các yếu tố miêu tả và biểu cảm.

+ Các yếu tố MT và BC làm cho KC sinh động và sâu sắc hơn.

Yếu tố miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự

– Trong văn tự sự, thường không chỉ có tự sự mà luôn đan xen các yếu tố miêu tả và biểu cảm. Các yếu tố này làm cho sự việc được cụ thể, tính cách nhân vật được khắc hoạ rõ nét, làm cho việc kể chuyện thêm sinh động và chủ đề được khắc sâu hơn.

– Người ta thường miêu tả cảnh vật liên quan đến sự việc đang kể; miêu tả ngoại hình, hoạt động, thái độ ,tâm lí nhân vật.

– Đôi khi người viết trực tiếp phát biểu cảm xúc khi thấy cần tô đậm ý nghĩa của sự việc, câu chuyện. Người ta thường biểu cảm khi kể sự việc quan trọng, nhất là khi kết thúc câu chuyện. Cũng có khi cảm xúc của người kể được kín đáo gửi gắm vào hành động, tâm trạng nhân vật hoặc vào lời văn miêu tả.

*Yếu tố miêu tả:

– Miêu tả nhân vật: Bao gồm miêu tả ngoại hình, các trạng thái hoạt động, trạng thái tình cảm và thế giới nội tâm… Chính các hình ảnh được miêu tả ấy sẽ góp phần khắc hoạ thành công chân dung nhân vật với những nét tính cách riêng.

 – Miêu tả cảnh thiên nhiên tạo nền cho diễn biến sự việc trong cốt truyện tự sự.

 – Miêu tả cảnh sinh hoạt với những hoạt động cụ thể của các nhân vật tham gia vào cốt truyện.

 – Cần lưu ý là yếu tố tả thường được thể hiện qua các từ ngữ, hình ảnh có sức gợi lớn (từ láy tượng hình, tượng thanh, nghệ thuật so sánh, nhân hoá…). Việc dùng yếu tố miêu tả trong văn tự sự phải có chọn lọc, không được quá lạm đụngẫn tới lạc thể loại. Mục đích chính là qua các hình ảnh miêu tả để làm cho cốt truyện hay hơn, hấp dẫn hơn; nhân vật hiện lên cụ thể, sinh động và gây ấn tượng hơn.

*Yếu tố biểu cảm:

– Biểu cảm thông qua những ý nghĩ, cảm xúc của các nhân vật trong tác phẩm tự sự. Thông thường, trong những trường hợp này, nhà văn để cho nhân vật tự độc thoại để bày tỏ nội tâm của mình.

– Biểu cảm thông qua cảm xúc của chính nhà văn đối với nhân vật hoặc sự việc được đề cập trong tác phẩm. Đối với trường hợp ở ngôi kể thứ nhất, cảm xúc của nhà văn thường được lồng vào cảm xúc của nhân vật “ tôi”. Còn đối với những trường hợp dùng ngôi kể thứ ba, cảm xúc của nhà văn thường được thể hiện thông qua lời dẫn chuyện. Hoặc có khi tác giả hoá thân vào nhân vật, nói hộ cảm xúc của nhân vật.

– Về hình thức, yếu tố biểu cảm trong văn tự sự thường xuất hiện thông qua những câu cảm thán, những câu hỏi tu từ.

Một số ví dụ:

a. Kể – tả cảnh: “…Dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều tới giờ, hết sức giữ gìn, kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy ngập quá khuỷu chân, người nào người nấy lướt thướt như chuột lột. Tình cảnh trông thật là thảm…”

b. Kể- tả ngoại hình nhân vật: “…Tôi rất ngạc nhiên tháy Trũi đứng sừng sững trên đài, sắp đấu với anh Bọ Muỗm. Thì ra chú Trũi nhà tôi bấy lâu vẫn còn căm tức nhà Bọ Muỗm…Gã Bọ Muỗm thực cũng không phải tay vừa. Người gã xanh rực và vạm vỡ, bắp chân, bắp càng bóng nhẫy, mập mạp. Lưng gã gờ lên, rắn chắc…”

c. Kể- tả hành động- sự việc: “Vừa nói, hắn vừa bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi lại sấn đến để trói anh Dậu.Hình như tức quá không thể chịu được, chị Dậu liều mạng cự lại:

– Chồng tôi đau ốm ông không được phép hành hạ!

Cai lệ tát vào mặt chị một cái đánh bốp, rồi hắn cứ nhảy vào cạnh anh Dậu.

Chị Dậu nghiến hai hàm răng:

– Mày trói ngay chồng bà đi bà cho mày xem!

d. Miêu tả tâm trạng nhân vật : Mọi ấn tượng bất giác, rối bời của cuộc sốngbỗng chốc trở nên có ý nghĩa đối với tôi. Tựa hồ như có một bông hoa nhỏ tươi tắn, ngọt ngào nở bung trong hồn tôi…

e.Kể- tả tâm lí nhân vật qua tả ngoại hình : “ Khuôn mặt lão đột nhiên co rúm lại …như con nít”  (HS đọc sgk- Lão Hạc )

g.Kể- Biểu cảm (Bộc lộ cảm xúc):

        – Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy…

        – Nghĩ đến đó tự nhiên tôi thấy cay cay nơi khoé mắt.Và trong lòng tôi chợt thổn thức: Làm sao con có thể chia sẻ nỗi nhọc nhằn của mẹ, mẹ ơi!

        – Nhưng đời nào tình yêu thương và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm xâm phạm đến…

Bài tập:

  1.Tìm một vài ví dụ về đoạn văn tự sự có sử dụng miêu tả và biểu cảm?

  2.Hãy viết đoạn văn kể về một con vật nuôi mà em thích, trong đó có sử dụng yếu tố miêu tả và biểu cảm?

  3.Khi kể về việc giúp một ông già mù đi ăn xin( qua đường, biếu ông một chiếc bánh), một bạn viết kết bài: Đó là một buổi sáng mà tôi nhớ mãi. Tôi mong rằng các bạn cũng như tôi, luôn giúp đỡ người tàn tật.

? Cách kết bài của bạn có gì nên tránh?

? Hãy giúp bạn viết lại để kết thúc bài khắc sâu được chủ đề mà vẫn hợp lí hơn.

  4.Đọc đoạn kết của văn bản Tôi đi học:

– Em học được gì trong cách kết thúc câu chuyện của tác giả?

– Chỉ ra các yếu tố miêu tả trong đoạn trích đó. Nêu tác dụng của nó?

  5. Viết một đoạn văn kể về một người thân của em sau một thời gian xa cách?

  6. Thay lời chị Dậu kể lại cảnh cai lệ đến nhà chị thúc sưu, trong đoạn văn có sử dụng yếu tố miêu tả và biểu cảm?

  7. Cho đoạn văn tự sự:

   Một buổi chiều, như thường lệ, tôi xách cần câu ra bờ sông. Bỗng nhiên tôi nhìn thấy một cậu bé trạc tuổi mình đã ngồi câu ở đó tự bao giờ. Tôi định lên tiếng chào làm quen, nhưng vì ngại nên lại thôi. Thế là tôi lặng lẽ lùi xa một quãng, buông câu, nhưng thỉnh thoảng vẫn liếc mắt nhìn trộm cậu ta. Lóng ngóng thế nào, tôi để tuột cả hộp mồi rơi xuống sông. Ngán ngẩm, tôi cuốn cần câu định ra về. Chưa kịp đứng dậy, tôi đã nhìn thấy cậu bé đứng sừng sững ngay trước mặt. Trên tay cậu ta là một hộp mồi đầy. Cậu ta lẳng lặng san nửa số mồi cho tôi. Thế là chúng tôi làm quen với nhau.

? Hãy thêm các yếu tố miêu tả và biểu cảm để viết lại đoạn văn tự sự trên sao cho sinh động và hấp dẫn hơn?

*Gợi ý:

2.- Đoạn văn kể về con vật nuôi ngoài sự việc, cần phải tả con vật đó: Bộ lông, cặp mắt, cái tai, một số hoạt động của nó

  – Biểu cảm : Thái độ, tình cảm của mình đối với con vật nuôi đó trong tình huống cụ thể có thể xảy ra với nó.

3. Cách kết thúc bài chưa hay, nội dung 2 câu văn chưa có sự liên kết về ý nghĩa với nhau. Điều nên tránh ở đoạn văn này là: người kể tự lấy mình ra làm gương để kêu gọi mọi người bắt chước mình để làm điều tốt.

– Có thể sửa lại như sau:

 “ Đó là một buổi sáng mà tôi nhớ mãi. Bởi vì chính cái buổi sáng hôm ấy tôi đã làm được một việc tốt. Tôi mong các bạn hãy biết giúp đỡ những người tàn tật, họ là những người phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống…”

4. Đó là một cách kết thúc hay, cảm xúc của người viết, ý nghĩa của câu chuyện được lồng trong tự sự và miêu tả nên dẫn người đọc đến với chủ đề một cách ý vị.

5. Chú ý: Kể sự việc găp lại người thân sau một thời gian xa cách trong thời gian, không gian nào? Hình ảnh người đó như thế nào? Có gì thay đổi? Cảm xúc của em với người đó như thế nào? Tình cảm của người đó như thế nào với em?

6.Chú ý tả thái hành động, cử chỉ của cai lệ, bộc lộ sự xót xa, căm tức của chị Dậu (tôi- ngưòi kể nhập vai chị Dậu)

* Cho HS viết các đoạn văn cụ thể sau đó đọc và sửa cách dùng từ, viết câu cũng như lỗi diễn đạt trong đoạn