Câu 60: Chính sách đối ngoại của Mĩ, Nhật, Tây Âu trong thời kỳ chiến tranh lạnh

Soạn bài online – Ôn thi lịch sử thế giới 
Câu 60. Trình bày những nét lớn về chính sách đối ngoại của Mĩ, Tây Âu và Nhật trong thời kì Chiến tranh lạnh, qua đó, cho biết điểm chung và riêng trong chính sách đối ngoại của các nước nêu trên. 
(Đề thi HSG cấp THPT, TP. Hồ Chí Minh, năm 2009) 
Hướng dẫn làm bài
 
1. Những nét lớn trong chính sách đối ngoại của các nước Mĩ, Nhật Bản và Tây Âu : 
a. Mĩ : 
– Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với tiềm lực kinh tế và quân sự to lớn, Mĩ triển khai chiến lược toàn cầu với tham vọng bá chủ thế giới. Tháng 3 – 1947, Tổng thống Mĩ Truman đề ra “học thuyết Truman”, mở đầu thời kỳ bành trướng vươn lên bá chủ thế giới, công khai nêu “sứ mạng” của Mĩ là “lãnh đạo thế giới tự do” chống lại chủ nghĩa cộng sản.
– Trong quá trình thực hiện giữa các đời tổng thống Mĩ có nhiều biện pháp và nội dung khác nhau nhưng chiến lược toàn cầu trước sau vẫn nhằm 3 mục tiêu:
 +Ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới tiêu diệt các nước chủ nghĩa xã hội.
 + Đàn áp phong trào giải phóng dân tộc, phong trào công nhân, phong trào hoà bình, dân chủ thế giới.
 + Khống chế, nô dịch các nước đồng minh.
– Để thực hiện mục tiêu trên, qua các đời tổng thống đều thực hiện biện pháp đó là “chính sách thực lực” và “chính sách gây chiến”. Vì vậy từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai về quân sự Mĩ đã thành lập các khối quân sự NATO (4 – 1949), SEATO (9 – 1954),… đồng thời phát động hàng chục cuộc chiến tranh xâm lược khắp nơi trên thế giới…
– Về kinh tế Mĩ tiến hành bao vây, cấm vận kinh tế đối với các nước chủ nghĩa xã hội. Tháng 6 – 1947, Mĩ đề ra “Kế hoạch Mácsan” với khoảng viện trợ 17 tỉ USD để giúp các nước Tây Âu phục hồi nền kinh tế sau chiến tranh. Thông qua viện trợ kinh tế để xâm nhập các nước chậm phát triển để thực hiện chế độ thực dân mới.
– Năm 1972, thực hiện sách lược hòa hoãn với liên Xô, Trung Quốc -> chống lại phong trào đấu tranh cách mạng…
– Từ giữa những năm 80 (thế kỉ XX), xu hướng đối ngoại và hòa hoãn ngày càng chiếm ưu thế trên thế giới. Ú Tháng 12 – 1989, Mĩ và Liên Xô chính thức tuyên bố chấm dứt “Chiến tranh lạnh”, mở ra thời kì mởi trên trường quốc tế.
b. Tây Âu : 
– Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến 1950 : liên minh chặt chẽ với Mĩ đồng thời tìm cách quay lại thuộc địa cũ (gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO…Anh trở lại Miến Điện, Mã Lai…Hà Lan trở lại Inđônêxia…)
– Từ năm 1950 đến năm 1973 : Trong khuôn khổ của cuộc Chiến tranh lạnh và trật tự thế giới hai cực Ianta, từ năm 1950 đến 1973, nhiều nước tư bản Tây Âu một mặt vẫn tiếp tục chính sách liên minh chặt chẽ với Mĩ, mặt khác đã nổi lực mở rộng hơn nữa trong quan hệ đối ngoại.
* Chính phủ Anh: ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược của Mĩ ở Việt Nam, ủng hộ Ixraen chống Ả Rập, Cộng hoà liên bang Đức gia nhập NATO (5 – 1955)…
* Tây Đức : gia nhập khối NATO, cùng Mĩ và các nước phương Tây hình thành liên minh chính trị quân sự NATO chống lại Liên xô, các nước XHCN và phong trào công nhân ở châu Âu, phong trào giải phóng dân tộc, chạy đua vũ trang.
* Pháp : Trong số các đồng minh Tây Âu của Mĩ, chỉ có Pháp là nước có chính sách đối ngoại tương đối độc lập. Năm 1958, tướng Đờ Gôn lên làm Tổng thống của nền Cộng hoà thứ năm. Năm 1966, Pháp rút ra khỏi Bộ chỉ huy NATO, buộc Mĩ phải rút quân đội và các căn cứ quân sự ra khỏi lãnh thổ Pháp và dời trụ sở Bộ chỉ huy NATO sang Bỉ. Cải thiện quan hệ với Liên Xô và các nước Đông Âu. Phản đối Mĩ xâm lược Việt Nam.
* Thụy Điển, Phần Lan… đều phản đối cuộc chiến tranh của Mĩ ở Việt Nam.
* Trong những năm 1950 – 1973: Chủ nghĩa thực dân cũ của Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha… cũng sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới.
– Từ năm1973 đến năm 1991, có sự điều chính trong chính sách đối ngoại theo hướng hòa hoãn, đối thoại :
* Tháng 12 – 1972 : ký Hiệp định về những cơ sở quan hệ giữa hai nước Đức làm quan hệ hai nước hòa dịu; 1989, “Bức tường Béclin” bị xóa bỏ và nước Đức thống nhất (3 – 10 – 1990).
* Ký Định ước Henxinki về an ninh và hợp tác châu Âu (1975) về an ninh và hợp tác châu Âu. Tháng 11 – 1989, bức tường Béclin bị phá bỏ, sau đó không lâu, nước Đức tái thống nhất (3 – 10 – 1990).
c. Nhật Bản : 
– Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, do là nước bại trận, Nhật hoàn toàn dựa vào Mĩ về mặt chính trị và quân sự.
+  Nhật Bản chủ trương liên kết chặt chẽ với Mĩ, Nhật kí kết Hiệp ước hòa bình Xan Phranxixcô (9 – 1951) và kết thúc chế độ chiếm đóng của quân đội Đồng minh vào năm 1952.
+ Ngày 8 – 9 – 1951, kí kết Hiệp ước an ninh Mĩ – Nhật, đặt nền tản cho quan hệ hai nước. Với hiệp ước này, Nhật trở thành căn cứ chiến lược của Mĩ ở châu Á – Thái Bình Dương, chống các nước chủ nghĩa xã hội và phong trào giải phóng dân tộc.
– Từ năm 1952 đến năm 1973 : Nhật liên minh chặt chẽ với Mĩ. Năm 1956, bình thường hóa quan hệ với Liên Xô và cũng trong năm này là thành viên của Liên hợp quốc.
Chính phủ Nhật đứng về phía Mĩ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
– Từ nửa sau những năm 70 : với sức mạnh kinh tế – tài chính ngày càng lớn, Nhật
Bản cố gắng đưa ra chính sách đối ngoại riêng của mình. Sự ra đời của “Học thuyết Phucưđa” được coi như là sự “trở về” châu Á của Nhật, trong khi vẫn coi trọng quan hệ Nhật – Mĩ, Nhật – Tây Âu. “Học thuyết Kaiphu” được đưa ra năm 1991 là sự phát triển của “Học thuyết Phucưđa” trong thời đại mới. Nội dung chính của học thuyết Phucưđa là củng cố mối quan hệ với các nước Đông Nam Á trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và là bạn hàng bình đẳng với các nước ASEAN.

 

2. Những điểm chung và riêng :
– Những điểm chung :
+ Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nửa đầu những năm 80 : chiến tranh lạnh, đối đầu căng thẳng giữa hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa…
+ Từ sau những năm 80 đến năm 1991 : tạo điều kiện cho xu thế đối thoại, hòa hoãn dẫn tới chấm dứt chiến tranh lạnh…
+ Chính sách đối ngoại của các nước đều có sự điều chỉnh qua các thời kì cho phù hợp với tình hình trong nước và thế giới. Tây Âu và Nhật Bản liên minh chặt chẽ với Mĩ.
– Những điểm riêng :
+ Pháp, Đức trở thành đối trọng với Mĩ…
+ Tây Âu mở rộng quan hệ quốc tế với các nước ở Á, Phi, Mĩ Latinh…
+ Nhật Bản củng cố mối quan hệ với các nước Đông Nam Á trong các lĩnh vực…
->Trong khi liên kết với nhau giữa các nước Mĩ, Nhật, Anh, Đức… ngày càng vươn lên cạnh tranh gay gắt với nhau thì nhiều mặt, đặc biệt về kinh tế, dẫn đến sự hình thành ba trung tâm kinh tế tài chính của thế giới tư bản (Nhật, Tây Âu, Mĩ).