BÌNH: MỘT NGƯỜI HÀ NỘI (NGUYỄN KHẢI)

MỘT NGƯỜI HÀ NỘI (NGUYỄN KHẢI) TỪ GÓC NHÌN ĐỔI MỚI VĂN XUÔI VIỆT NAM SAU 1975

Lê Trọng Tuấn

                     
    Đầu xuân 1995, Nguyễn Khải trả lời Nhật Khanh: “…từ 1955 đến 1978, tôi sáng tác theo một cách, từ 1978 đến nay, theo một cách khác” (Báo Văn nghệ, số 39, 1995). Sau này trong truyện Cái thời lãng mạn (1987), ông gọi vui giai đoạn sáng tác từ 1978 trở về trước của mình là cái thời  lãng mạn. Nhà văn Nguyễn Minh Châu – người mở đường đầy tài hoa và tinh anh cho văn học Việt Nam thời đổi mới – cho rằng: “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” (Báo Văn nghệ, số 49, 1987). Và còn rất nhiều nhà văn khác, gián tiếp qua tác phẩm của mình đã đem đến cho văn chương một tinh thần thẩm mĩ mới với những tên tuổi như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh… 

 
Tổng kết và nghiên cứu về những đổi mới của văn xuôi Việt Nam từ sau 1975 đã có nhiều công trình của các nhà nghiên cứu như GS Phùng Văn Tửu, GS Trần Đình Sử, PGS Nguyễn Văn Long, PGS Nguyễn Thị Bích Thu… song phải kể đến công trình “Văn xuôi Việt Nam 1975-1995 những đổi mới cơ bản” của PGS – TS Nguyễn Thị Bình. Đây là một luận án Tiến sĩ hoàn thành vào năm 1996 và được phát triển, sau đó, NXB Giáo dục in thành sách năm 2007. Ở công trình này, tác giả đã khảo sát một khối lượng tác phẩm văn xuôi đồ sộ rồi khái quát, tổng hợp một cách hệ thống bằng phương pháp khoa học và lí thuyết nghiên cứu đúng đắn.
Tác giả đã so sánh, lí giải cho người đọc bước đầu nhận ra sự đổi mới trên các phương diện cơ bản của văn xuôi Việt Nam từ sau 1975 đến 1995 như: đổi mới quan niệm về nhà văn; đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người; đổi mới về phương diện thể loại. Chúng tôi cho rằng đây là những cơ sở khoa học đáng tin cậy giúp cho bạn đọc có cái nhìn khoa học trong việc tiếp cận giá trị các tác phẩm văn xuôi Việt Nam thời đổi mới và đặc biệt là sẽ tránh được những tranh luận kéo dài do không cùng quan điểm tiếp cận. Trong vô vàn những tranh cãi ấy, phải kể đến những quan điểm rất trái ngược nhau về truyện ngắn “Một người Hà Nội” (Rút từ tập Hà Nội trong mắt tôi (1995) của Nguyễn Khải). 
 
Về đại thể có thể khái quát thành hai xu hướng xoay quanh việc nhìn nhận nhân vật cô Hiền – nhân vật trung tâm của tác phẩm như nhan đề tác phẩm đã thể hiện. Quan điểm thứ nhất cho rằng cô Hiền là hiện thân của một người Hà Nội với những nét đẹp tiêu biểu cho văn hóa của người Hà Nội như gắn bó máu thịt và ý thức sâu sắc trong việc gìn giữ những nét thanh lịch từ cách ăn ở, nói năng, đi đứng đến cách suy nghĩ của người Hà Nội; cô Hiền là người nhân ái, tự trọng và yêu  nước. Quan điểm thứ hai phủ nhận quan điểm thứ nhất với những lập luận phản biện, so sánh mà nếu mới đọc qua thì không phải là không có cơ sở thuyết phục, nhất là đối với những  bạn đọc không theo dõi những đổi mới của văn xuôi Việt Nam từ sau khi kháng chiến chống đế quốc Mĩ thắng lợi, đất nước bước vào thời kì đổi mới. Tiêu biểu cho quan niệm này là thầy giáo Trần Quang Đại – Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Tác giả này còn đặt vấn đề “Có nên đưa tác phẩm này vào chương trình Ngữ văn nữa không? Còn chờ gì nữa mà không chuyển Một người Hà Nội của Nguyễn Khải sang
phần đọc thêm hay đưa hẳn ra khỏi SGK?”
 
Viết  bài này, tôi không có ý tranh luận với thầy giáo Trần Quang  Đại, cũng không nhằm mục đích bảo vệ quan điểm thứ nhất (như đã nói ở trên). Vấn đề mà tôi muốn đề xuất là chúng ta cần có quan điểm khoa học trong tiếp cận tác phẩm, cần đổi mới quan điểm tiếp cận khi văn học đã đổi mới, hoạt động sáng tác và hoạt động tiếp nhận không thể tách rời biệt lập. Tôi cho rằng những tổng kết và đề xuất của PGS-TS Nguyễn Thị Bình sẽ là những cơ sở lí luận cũng như cơ sở thực tiễn quan trọng
trong việc tiếp cận tác phẩm đang có nhiều tranh luận chưa đi đến thống nhất này.
 
– Thứ nhất là chúng ta phải thừa nhận từ sau 1975, quan niệm về vai trò của nhà văn, về nghề viết trong mối quan hệ với hiện thực, với độc giả so với trước đó đã có những thay đổi. Văn học 1945-1975 quán triệt và đề cao nguyên lí “văn học phản ánh hiện thực”. Hiện thực ở đây là hiện thực chính trị rộng lớn, là đề tài công- nông- binh, nhà văn phải quán triệt lí luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, nói tới xã hội  chủ nghĩa là chỉ có những điều tốt đẹp. Chính vì vậy mà các sáng tác thường có xu hướng ngợi ca, tô hồng. Nguyễn Minh Châu gọi đó là “giai đoạn văn nghệ minh họa”. Sau 1975, đặc biệt là từ sau đại hội Đảng VI năm 1986, những nhà văn đi đầu và có đóng góp quan trọng trong việc đổi mới (trong đó có Nguyễn Khải) đã đem đến cho văn học nói chung, văn xuôi nói riêng một cách nhìn hiện thực đa chiều, đa dạng. Tác giả Nguyễn Thị Bình chỉ ra rằng “Khi mỗi nhà văn muốn trình bày một cách nhìn, một tư tưởng, thậm chí một mơ tưởng, một ám ảnh tâm linh thì
hiện thực hoàn toàn có thể chỉ là phương tiện chứ không nhất thiết phải là mục đích phản ánh của nghệ thuật.” Điều này đã trả lời câu hỏi Nguyễn Khải viết Một người Hà Nội có phải để ngợi ca hay tôn vinh vẻ đẹp văn hóa tiêu biểu cho người Hà Nội hay không? Song không thể phủ nhận tác phẩm là những chiêm nghiệm, bày tỏ một cách nhìn nhận của riêng tác giả Tầm nhìn xa về một con người và một khía cạnh nhất định của văn hóa Hà Nội. Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Khải  lấy nhan đề là Một người Hà Nội chứ không phải là Người Hà Nội. Chúng tôi cho rằng ở tác phẩm này, Nguyễn Khải nêu vấn đề, mời gọi đối thoại nhiều hơn là tổng kết, khái quát hóa, điển hình hóa về văn hóa con người Hà Nội. Nói cách khác “Nguyễn Khải coi trọng khả năng chọn lựa sáng suốt của mỗi cá nhân, mỗi thế hệ” (Nguyễn Thị Bình). Vấn đề đặt ra là độc giả hãy cùng trao đổi và suy ngẫm, thậm chí đối chất, phản biện với nhà văn chứ đừng tuyệt đối hóa vai trò thiên sứ, phát ngôn chân lí của nhà văn
như trước đây. Đó cũng chính là  biểu hiện của dân chủ hóa trong quá trình đổi mới văn học. Đồng sáng tạo trong lí luận tiếp nhận nên hiểu như vậy mới đầy đủ, thấu đáo.
– Thứ hai là cần nhận ra rằng các nhà văn sau 1975 đã đổi mới trong quan niệm về chính họ. Chúng tôi rất đồng tình và tâm đắc với ý kiến của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ khi cho rằng: “Người viết chỉ nên là một người bạn tâm tình với người đọc, chứ đừng là người dạy người đọc vì chưa chắc cứ là nhà văn đã giỏi, đã có văn hóa” (Ngô Thảo, Lại Nguyên Ân Nhà văn Việt Nam – chân dung tự họa, NXB Văn học, 1995). Bản thân Nguyễn Khải trong bài viết Nghề văn cũng lắm công phu đã thú thực “nhà văn, nhà báo sống với thời cuộc nhưng còn phải biết tách khỏi thời cuộc để nhận ra cái sẽ còn lấp lánh lâu dài của nhiều tình tiết trong thời cuộc, sống với người cùng thời nhưng phải lấy con mắt của đời sau để đo lường giá trị nhiều việc tưởng là tầm thường, là vô nghĩa đối với người đương thời”. Rõ ràng nhà văn không muốn là một nhà đạo đức hay truyền giáo nữa, văn chương đối với họ có khi chỉ là một trò chơi chữ nghĩa (Phạm Thị Hoài). Tác giả Nguyễn Thị Bình đã khảo sát khối lượng tác phẩm đồ sộ của Nguyễn Khải ở giai đoạn trước và sau 1975 và nhận ra ông đã chuyển từ nhãn quan chính trị- thời sự sang nhãn quan văn hóa- triết học, đạo đức- lịch sử với cảm hứng triết lí nhân sinh, khuynh hướng triết luận. Chính vì vậy mà cô Hiền trong Một người Hà Nội lựa chọn cách sống phù hợp với kinh nghiệm và niềm tin cá nhân của mình. Cô Hiền có phải là người yêu nước, nhân ái, tự trọng, có tiêu biểu cho văn hóa người Hà Nội hay không? Lời phán xét có lẽ vẫn còn thuộc về tương lai? Song tôi tin rằng nếu chúng ta biết đặt nhãn quan chính trị – giai cấp sang một bên, hãy đặt cô Hiền trong quan hệ
nhân sinh đời thường, trong mối quan hệ với văn hóa truyền thống Hà Nội và
trong mối quan hệ với những biến thiên của thời đổi mới, khi nhiều giá trị đạo
đức, văn hóa truyền thống đang có nguy cơ bị mai một thì có lẽ không thể phủ
nhận được những vẻ đẹp đó. Nếu tạm xếp việc cô Hiền không đi tản cư chỉ vì
không thể nào dời xa được Hà Nội sang một bên, hãy nhìn nhân vật này với tư
cách một người Hà Nội biết lưu giữ những nét đẹp tao nhã, sang trọng của Hà
Thành; biết dạy bảo con cháu mình luôn ý thức mình là người Hà Nội để có cách
sống văn hóa, xứng đáng với người Tràng An ngàn năm văn hiến; biết trân trọng
những giá trị tâm linh trong mỗi gốc cây cổ thụ, ngõ chùa, nơi hội tụ hồn
thiêng sông núi, cha ông của Hà Nội; biết dạy con mình tự trọng rồi đau đớn  nén lòng dâng hiến những đứa con dứt ruột mang
nặng đẻ đau của mình khi Tổ quốc cần; biết quan tâm dõi theo từng thay đổi của
Hà Nội trong những biến thiên của thời cuộc…thì không ai phủ nhận được nét đẹp
văn hóa người Hà Nội  trong nhân vật này.
Điều chúng tôi muốn nói ở đây là hãy bớt cực đoan, hãy đừng định kiến trong
nhìn nhận đánh giá một con người.
Điều thứ ba chúng tôi muốn nêu
ra đây là muốn hiểu thấu đáo, khách quan về tác phẩm này nói chung và nhất là
nhân vật cô Hiền nói riêng, không thể không xuất phát từ những đổi mới trong
quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi Việt Nam từ sau 1975. Bởi lẽ
văn học là nhân học, là khoa học đặc thù về thế giới tâm hồn, tư tưởng con
người.
Từ quan niệm con người lịch
sử, con người cộng đồng, văn xuôi sau 1975
chuyển dần sang quan niệm con người cá nhân phức tạp
và bí ẩn. Văn xuôi 1945-1975 thể hiện con người cộng đồng, con người công dân
trong mối quan hệ công dân – dân tộc, ta – địch…,con người cá nhân với tư cách “là
tổng hòa mối quan hệ” chưa được chú ý vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Văn xuôi
sau 1975 hướng tới con người cá nhân, đa diện, đa chiều, vô cùng phức tạp và
thấm đẫm tinh thần dân chủ thời đổi mới cũng như tinh thần nhân bản truyền
thống. Nhân vật cô Hiền là một con người cá nhân được Nguyễn Khải thể hiện
trong mối quan hệ với những biến thiên dữ dội của lịch sử dân tộc nửa cuối thế
kỉ XX; với gia đình, quê hương và với dân tộc…Ở đây cần hiểu là cổ vũ và khẳng
định vị trí và giá trị cá nhân của con người nhưng không đồng nhất với chủ
nghĩa cá nhân vị kỉ. Nguyễn Khải thể hiện nhân vật cô Hiền với rất nhiều phát
ngôn của nhân vật, thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá và nhất là niềm tin rất
thẳng thắn và thành thật của nhân vật. Cô Hiền dám nghĩ, dám nói, dám làm và
nhiều ý kiến cá nhân của cô chúng ta đều không thể phủ nhận, còn việc điều đó
đúng hay sai thì còn tùy vào việc chúng ta 
đứng trên lập trường quan điểm nào mà phán xét. Cũng có những ý kiến của
cô Hiền khiến ta còn phải suy nghĩ, chiêm nghiệm tới một trình độ nhất định mới
có thể phán quyết. Ví như cô Hiền phát biểu: “Xã hội lúc nào cũng phải có một giai tầng thượng lưu của nó để làm chuẩn
cho mọi giá trị…". Chưa hết, cô còn phát biểu về
cái huyền vi của sự sống mà càng ngày ta càng phải thừa nhận : "Thiên địa
tuần hoàn, cái vào ra của tạo vật không thể lường trước được". Những vấn đề này
nếu đặt ra và yêu cầu học sinh giải quyết, e rằng quá tầm nhận thức của các em
và dễ rơi vào khiên cưỡng. Song chúng tôi chắc rằng đó là biểu hiện của sự dân
chủ, của nhu cầu được khẳng định cái tôi với những chủ kiến của mình. Hãy dạy
cho học sinh của chúng ta rằng văn hóa của con người là sự hiểu biết và bản
lĩnh tự tin dám bày tỏ những tri thức của riêng mình trong cuộc sống.
Văn xuôi sau 1975 cũng chú trọng phản ánh và thể hiện
con người với tư cách vừa là con người mang những thuộc tính nhân loại vừa là
con người với tư cách  là sản phẩm của tự
nhiên. Trong tác phẩm Thời gian của người,
Nguyễn Khải đã đề xuất: “Phải đến cái tuổi nào đấy mới hiểu được rằng con người
vốn đa sự và phiền nhiễu, nên cách phục vụ nó không nên và cũng không thể rút
gọn trong cái giản đơn được”. Phát biểu này của nhà văn có lẽ là câu trả lời
trước sự phức tạp trong suy nghĩ, hành động và phát ngôn của nhân vật cô Hiền. Nhân
vật này có cái cao thượng và cả cái bình thường rất người với những thuộc tính
nhân loại và tự nhiên của nó. Ta có thể lí giải được những “tính toán” rất thức
thời để duy trì cuộc sống gia đình có thể nói là khá đàng hoàng trong hoàn cảnh
những năm bao cấp khó khăn về kinh tế cùng với việc duy trì cách sinh hoạt sang
trọng, “rất tư sản” của cô trong lối sống giữa cái thời cả xã hội ta bài trừ và
không chấp nhận lối sinh hoạt theo kiểu ấy. Đây cũng là quan niệm cho rằng con
người vốn bất toàn, trong mỗi con người “có cả rồng phượng và rắn rết”. Vấn đề
là khi nhìn nhận, đánh giá con người và cuộc sống, chúng ta cần có cái nhìn
khách quan, toàn diện, chẳng có ai là hoàn toàn tốt đẹp, cũng chẳng có ai là
hoàn toàn xấu. Đó cũng chính là niềm tin cần có vào con người và cuộc sống.
Từ những viện dẫn và kiến giải
nêu trên, chúng tôi thiết nghĩ sở dĩ học sinh chán học văn, đọc văn là vì nhiều
lí do, song không thể phủ nhận một thực tế là các em mãi phải học những tác
phẩm văn học xa dời hiện thực hằng ngày các em hằng chứng kiến. Việc đưa những
tác phẩm như Một người Hà Nội; Chiếc
thuyền ngoài xa; Đàn ghi ta của Lorca…vào trong chương trình Ngữ văn là cần
thiết. Vấn đề đặt ra là người giáo viên giảng dạy Ngữ văn cần tiếp cận kịp thời
với sự vận động, đổi mới của văn chương; cần tránh lối dạy văn tụng ca một
chiều mà hãy tổ chức giờ dạy học văn bằng không khí dân chủ, tạo điều kiện cho
học sinh được đối thoại, phản biện, được phát biểu suy nghĩ, quan điểm của mình.
Với tác phẩm Một người Hà Nội, tôi
cho rằng giáo viên cần nhận thấy nhà văn đối thoại, triết luận với độc giả về
văn hóa, đạo đức và con người…trên tinh thần đổi mới của văn xuôi Việt Nam sau 1975.
Tuy nhiên để giáo viên mạnh dạn áp dụng quan điểm và cách dạy học ấy thì cũng
cần đổi mới cách kiểm tra, thi cử theo hướng “mở”- phải nhìn nhận cả những cách
hiểu sáng tạo táo bạo, những phản biện trái chiều với SGK của học  sinh. Đồng thời cũng cần có những bồi dưỡng
thường xuyên cho giáo viên vì văn học đổi mới rồi mà không ít giáo viên vẫn
chưa được tiếp cận với những tổng kết về giai đoạn văn học này.
Trong bài viết này, chúng tôi
không chủ ý phân tích, đánh giá nhân vật cô Hiền cũng như tác phẩm Một người Hà Nội mà chỉ trao đổi, đề
xuất việc cần có quan điểm tiếp nhận hợp lí, khoa học hơn với tác phẩm này. Hi
vọng rằng, sẽ giúp cho các thầy cô và các em học sinh phần nào tháo gỡ được
những bất đồng quan điểm trong việc tiếp cận tác phẩm này. Ngẫm cho cùng thì
đây cũng chính là thành công của Nguyễn Khải, ông đã đối thoại được với độc giả,
tác phẩm của ông vẫn đang sống trong tâm trí của bạn đọc. Chúng tôi sẵn lòng
lắng nghe những trao đổi của đồng nghiệp.