Soạn bài: Hạnh phúc của một tang gia
(Trích Số đỏ – Vũ Trọng Phụng)
I. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm
1. Tác giả
– Vũ Trọng Phụng (1912- 1939) nguyên quán làng Hảo, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, nhưng sinh ra và sống suốt đời ở Hà Nội.
– Mồ côi cha từ sớm, ông chỉ học hết tiểu học rồi phải đi làm để kiếm sống (làm thư ký bán hàng, đánh máy chữ nhà in…). Bị sa thải, ông chuyển sang viết báo, viết văn. Do lao lực, ông mất khi mới 27 tuổi.
– Vũ Trọng Phụng viết sớm, viết nhiều và mau chóng nổi tiếng bởi truyện ngắn, kịch nói, phê bình văn học, bình luận thời sự chính trị, dịch thuật – đặc biệt là phóng sự, tiểu thuyết.
– Tư tưởng và sáng tác của Vũ Trọng Phụng có nhiều mâu thuẫn, song chủ yếu nhất là tiếng nói căm hờn mãnh liệt đối với xã hội thực dân phong kiến tư sản hết sức bất công, tàn bạo, thối nát – cái xã hội mà ông gọi là “khốn nạn”, “chó đểu” và ông khao khát thay đổi nó từng ngày, từng giờ.
=> Bạn muốn xem thêm:
- Phân tích tác phẩm HP của một tang gia
- Phân tích nghệ thuật trào phúng trong HP của một tang gia
- Ý nghĩa nhan đề ” Hạnh phúc của một tang gia”
2. Tác phẩm
– Tác phẩm chính của ông gồm phóng sự: Cạm bẫy người (1933), Kỹ nghệ lấy Tây (1934), Cơm thầy cơm cô (1936), Lục xì (1937), Một huyện ăn tết (1938); tiểu thuyết: Dứt tình (1934), Giông tố (1936), Số đỏ (1936), Vỡ đê (1936), Làm đĩ (1936), Lấy nhau vì tình (1937), Trúng số độc đắc (1938); kịch: Không một tiếng vang (1931); nhiều truyện ngắn (sau tập hợp trong Cái ghen đàn ông)…
– Số đỏ – tiểu thuyết trào phúng đăng trên Hà Nội báo năm 1936 (xem tóm tắt trang 172-173 SGK).
– Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia là toàn bộ chương XV trong Số đỏ (trước đoạn trích, hình ảnh Xuân tóc đỏ đã được cả xã hội kính nể; mọi người trong gia đình cụ cố Hồng đang chờ mong cụ tổ chết để chia gia tài).
GV (chuyển tiếp): Đoạn trích thể hiện đặc sắc màn bi hài kịch của một gia đình khi có tang gia. Tìm hiểu đoạn trích này, chúng ta không phân đoạn mà tìm hiểu theo ý nghĩa của chủ đề: mâu thuẫn trào phúng, “hạnh phúc” của một tang gia và cảnh đưa đám.
– Gọi HS đọc đoạn trích và hỏi: ý nghĩa trào phúng của nhan đề Hạnh phúc của một tang gia? (ghi đề mục lên bảng).
II. Tìm hiểu giá trị tác phẩm
1. Mâu thuẫn trào phúng
HS: – Nhan đề gợi ra một nghịch lý: theo lẽ thường, tang gia đồng nghĩa với sự mất mát, đau buồn; nhưng ở đây các nhân vật của tang gia lại sống trong niềm “hạnh phúc”! Đó chính là ý nghĩa trào phúng của nhan đề đoạn trích.
GV: Từ ý nghĩa trào phúng của nhan đề đoạn trích, em hãy phân tích mâu thuẫn trào phúng?
HS: – Tang gia ở đây “bối rối” nhưng là sự “bối rối sung sướng”: đám tang được tổ chức như một đám hội.
– Niềm “hạnh phúc” của tang gia lúc này thực chất là do sự chờ đợi bấy lâu của mọi người đã được đáp ứng: người chết là ông cụ tổ có một gia sản lớn, hứa sẽ chia khi cụ qua đời. Vì thế, đám con cháu bất hiếu chỉ mong cụ chết để được hưởng gia tài ấy.
GV: Hình dung một đám tang với thái độ chuẩn bị và diễn tiến như trong đoạn trích, em hãy nhận xét về biểu hiện của mỗi thành viên khi có “tang gia”? (ghi đề mục).
2. “Hạnh phúc” của một tang gia
HS: – Cụ cố Hồng: mới 50 tuổi nhưng vì là “cụ cố” nên luôn luôn đóng vai già yếu để được kính nể, tôn trọng. Đặc biệt hơn, lần này cố Hồng được đóng vai già trước mặt mọi người – cái việc mà xưa nay cụ chỉ “múa may” ở trong nhà.
– Cụ cố Hồng đã nhắm nghiền mắt lại để mường tượng đến cái lúc được mặc quần xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu để cho thiên hạ phải chỉ trỏ: “úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa!”
– Vợ chồng Văn Minh “hạnh phúc” vì gia tài của mình đã không chỉ còn trên lý thuyết, nó được “thực hành” – tức hạnh phúc giàu có đã trở thành sự thật.
– Tiệm may Âu Hóa và ông TYPN được dịp để “lăng xê” mốt mới nhất, hiện đại nhất của mình – “có thể bán cho những ai có tang thương đau đớn vì kẻ chết cũng được hưởng chút ít hạnh phúc ở đời…”.
– Những người khác cũng đều “vui”: cô Tuyết sung sướng được mặc bộ y phục Ngây Thơ; cậu tú Tân say mê trèo lên mả để chụp ảnh; cụ Tăng Phú vui vì đại diện cho báo Gõ mõ; các vị quan khách hả hê vì có dịp phô trương vô số Bắc Đẩu bội tinh, Long bội tinh… trên ngực.
– Xuân tóc đỏ có “hạnh phúc” đặc biệt vì nhờ nó mà cụ tổ chết, đem lại niềm vui cho mọi người và sự hiện diện của Xuân mang tới sự long trọng, “vinh hạnh” cho đám tang.
Có thể nói: “Hạnh phúc” của mỗi người trong tang gia không ai giống ai. Việc thể hiện “hạnh phúc” của mỗi người gắn liền với từng tính cách, bản chất riêng của họ, trong mỗi người đều hàm chứa một mâu thuẫn trào phúng riêng.
GV: Từ hình dung về đám tang với niềm “hạnh phúc” của mỗi người, em có suy nghĩ gì?
HS: – Niềm “hạnh phúc” của đám người trong tang gia đã dựng lên những bức tranh méo mó, nhếch nhác và hài hước. Có thể nói: đám tang là một bức tranh xã hội thực dân tư sản thu nhỏ với tất cả sự xấu xa kệch cỡm, hãnh tiến rởm đời, vừa ngu si vừa đáng ghét. Sự “bối rối sung sướng” của đám người này đã khái quát một cách sinh động bản chất xã hội “khốn nạn” – “chó đểu”, đó cũng là sức tố cáo mạnh mẽ của tác phẩm.
GV: Cảnh đưa đám có những chi tiết nào đáng chú ý, hãy tưởng tượng xem tác giả miêu tả theo những góc độ nào? (ghi bảng).
3. Cảnh đưa đám
HS: – Những chi tiết đáng chú ý trong cảnh đưa đám là:
+ “huyên náo”;
+ “nhốn nháo”;
+ “rộn lên”;
+ “đủ trai thanh gái lịch”
+ “chim nhau, cười tình với nhau”…
– Tác giả khi thì lùi xa quan sát toàn cảnh, khi thì đứng gần miêu tả cận cảnh để nhận ra đây là đám rước, không phải đám ma. Âm thanh được tác giả ghi lại hỗn độn giữa tiếng nói, chửi thề, tán tỉnh lẫn kèn ta, kèn tây…
GV: Theo em, nghệ thuật thể hiện trong đoạn trích có gì đặc sắc? Hình dung cảnh đưa tang theo điệp khúc của tác giả “Đám cứ đi…” em thấy điều gì? (ghi bảng).
4. Đặc sắc nghệ thuật
HS: – Tác giả thể hiện tài năng phát hiện mâu thuẫn trào phúng;
– Khắc họa chân dung, hành vi trào phúng của từng nhân vật;
– Ngôn ngữ, giọng điệu trào phúng: điệp khúc “Đám cứ đi…” là một thủ pháp nghệ thuật, khẳng định mọi người đến không phải để đưa tang mà là “khoe mẽ” hoặc trao đổi với nhau việc khác. Miêu tả đám tang nhưng thực chất tác giả phơi bày bộ mặt bịp bợm của đám người đồi bại.
GV: Em hãy nêu chủ đề đoạn trích? (ghi bảng).
III. Chủ đề
HS: – Thông qua việc dàn dựng một tình huống trào phúng, tác giả tố cáo mạnh mẽ cái xã hội lố bịch, nhố nhăng, kệch cỡm đương thời.
GV: Nếu khái quát về giá trị đoạn trích, em sẽ khái quát điều gì? (ghi bảng).
IV. Tổng kết
HS: – Đoạn trích thể hiện một tài năng trào phúng sắc sảo của Vũ Trọng Phụng. Thông qua bút pháp khắc họa nổi bật chân dung các nhân vật, tác giả lên án bộ mặt lố lăng giả dối, vô nghĩa lý của xã hội tư sản đương thời.
V. Luyện tập
GV: Em hãy thống kê hành vi, giọng điệu trào phúng tác giả thể hiện trong đoạn trích?
HS: – Tái hiện kiến thức theo yêu cầu trong mục II.4.