Bản cáo trạng cuối cùng trong Truyện Kiều

Không ít người cho rằng đoạn Kim Kiều tái hợp là gượng gạo. Cũng có ý kiến cho rằng cứ để Kiều trẫm mình ở sông Tiền Đường xong thì cũng là kết thúc Truyện Kiều ở đấy, chẳng cần phải viết thêm những đoạn về sau.

Theo tôi, các nhân vật sống hay chết không phải hoàn toàn do tác giả cầm quyền sinh sát ở tay, mà do sức nội tại, thế nội tại của nhân vật và sự việc, do tương quan và mâu thuẫn trong xã hội v.v. Mặt khác, cũng không nên coi thường cái nguyện vọng chính đáng của đại chúng muốn thấy công được thưởng, tội bị trừng; người hiền, người tốt cuối cùng thắng bọn xấu, bọn ác, dù là dưới chế độ phong kiến.

Cái gượng gạo, theo tôi, nó nằm chính cống keo đặc lại ở đoạn này:

Một nhà phúc lộc gồm hai,
Nghìn năm dằng dặc, quan giai lần lần.
Thừa gia chẳng hết nàng Vân,
Một cây cù mộc, một sân quế hòe.
Phong lưu phú quý ai bì,
Vườn xuân một cửa, để bia muôn đời.

Đây là cái văn của đối liễn chúc tụng nhau, sáo một trăm phần trăm. Tôi thiết nghĩ Nguyễn Du chẳng lý thú gì khi viết những câu này. Nguyễn Du là người đã viết:

Phong trần mài một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm sá gì!

là người đã viết:

Áo xiêm ràng buộc lẫn nhau,
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi!

Nguyễn Du đã từng khinh bỉ Tô Tần đâm dùi vào vế để cố học, là cốt mưu quyền lợi riêng; Nguyễn Du chẳng phải quý trọng gì cái thứ làm quan “phúc lộc thọ”, cái thứ nghìn năm dằng dặc vinh hoa, cái thứ tuần tự nhi tiến, bước lên từng bậc một từ quan bé lên quan lớn, một cây cù mộc, con cái đề huề, “phong lưu phú quý ai bì”, thật là một thứ thỏa mãn rất “buốc – gioa” (tư sản) ở trong xã hội phong kiến. Dường như cây bút của Nguyễn Du đến đó cái thế chẳng lẽ lại không viết như vậy, là vì gia đình nhà Kim Trọng đáng vui sướng kia mà! Nhưng viết lấy lệ, theo thói tục thông thường trong giai cấp phong kiến ước mong cho mình và chúc tụng cho nhau. Đúng đấy, gượng gạo.

Mặt khác, cái việc Thúy Kiều tái ngộ Kim Trọng rồi thực chất ở vậy làm bạn cầm cờ của Kim Trọng, việc ấy nếu không phải là gượng gạo thì cũng bất ổn, thì cũng chẳng phải là tự nhiên. Nhưng ta thử nghĩ xem: Tác giả còn có cách nào khác?

Tác giả (thực tế là Thanh Tâm tài nhân và Nguyễn Du) đã không để cho Kiều chết ở sông Tiền Đường, chết như vậy thì toàn thể người đọc trong xã hội về trước ở Trung Quốc và Việt Nam không chấp nhận – Kiều phải cần sống, mà đã phải sống thì phải gặp lại cha mẹ, chàng Kim và hai em. Gặp lại Kim Trọng thì thế nào?Chỗ này chúng ta phải khen Thanh Tâm tài nhân đã giải quyết như ta thấy trong cốt truyện mà Nguyễn Du dùng: “Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ”.

Nhưng ta lại phải muôn vàn khen Nguyễn Du: trên cốt nguyên truyện, Nguyễn Du đã sáng tạo thêm rất lớn, đã làm thành bản cáo trạng cuối cùng của Truyện Kiều, nằm ngay trong lúc vui vẻ nhất, Kim Kiều tái hợp. Nguyễn Du không bằng lòng nói vài nét như Thanh Tâm tài nhân, mà mỗi đoạn, Nguyễn Du đem trái tim nghệ sĩ lớn, đau đớn xót xa da diết, mỗi lời là mỗi thương yêu Thúy Kiều, thương yêu số phận con người trong Thúy Kiều.

Thanh Tâm tài nhân:

“Vương ông liền bảo người gọi kiệu đến, để đưa Thúy Kiều về nhà trọ. Vương bà nói: – Hãy khoan! Con nó mặc toàn đồ nhà chùa, sợ làm cho người ta ngờ vực. – Liền bảo Thúy Vân đưa áo quần mang theo cho Thúy Kiều thay”. Chỗ này, Nguyễn Du viết cũng tương tự như thế: Vương ông dạy rước cùng về một nơi.

Thanh Tâm tài nhân:

“Nhưng Thúy Kiều vội từ chối nói:
– Thưa cha mẹ. Con trải nhiều cảnh khổ, ngày nay được gặp cha mẹ, đã là may mắn muôn phần, nhưng thân này bây giờ là người ngoài vòng thế tục, chỉ nên theo hầu sư huynh ở đây tu hành là đủ”.

Trái tim Nguyễn Du không bằng lòng chỉ có chừng ấy, mà mỗi ý run bần bật lên, trong mỗi lời là có mười lăm năm đau khổ; trong cả chương Kim Kiều tái hợp, trong lời, ngoài lời, đâu đâu cũng có cái khối đau đớn mười lăm năm ấy:

Nàng rằng: “Chút phận hoa rơi,
Nửa đời nếm trải mọi mùi đắng cay.
Tính rằng mặt nước chân mây,
Lòng nào còn tưởng có rày nữa không?
Được rày tái thế tương phùng,
Khát khao đã thỏa tấm lòng bấy nay.

Nguyên truyện chỉ nói: “Thân này bây giờ đã là người ngoài vòng thế tục” mà Nguyễn Du nói (tiếp theo):

Đã đem mình bỏ am mây,
Tuổi này gửi với cỏ cây cũng vừa,
Mùi thiền đã bén muối dưa,
Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng.
Sự đời đã tắt lửa lòng,
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi!
Dở dang nào có hay gì?
Đã tu, tu trót, qua thì, thì thôi…”

Rõ ràng là Nguyễn Du không những đã để trái tim mình vào trong nhân vật, mà Nguyễn Du chính là nhân vật; Nguyễn Du tự nói nỗi đau khổ, nỗi giày vò của mình qua Thúy Kiều, thì mới có một giọng thơ như thế. Tản Đà viết: “Cũng vì văn chương bởi tâm sự như thế, cho nên như có một sức thiêng liêng khiến cho người ta dễ cảm động, ấy quyển Kiều mà hay, chỗ gốc thực ở đó, mà văn tài của tác giả lại là phần thứ hai”.

Tản Đà để văn tài xuống thứ hai để chữ tâm lên thứ nhất, là chí lý; đó cũng là một chỗ sâu sắc của Tản Đà. Ngay lời đầu tiên khi gặp nhau như chết sống lại, Kiều đã cho thấy rằng đời mình tan nát, lòng mình tan nát, bản cáo trạng cuối cùng trong Truyện Kiều bắt đầu. Đã tu – tu trót – qua thì – thì thôi.

Nguyễn Du đã sử dụng triệt để cuộc đoàn viên để tính sổ một lần cuối cùng. Bản cáo trạng bất ngờ thật ra nằm rõ mồn một trong chương đoàn viên này! Tại ta đọc nhiều lần mà vẫn vô ý, nên không thấy hết. Nguyễn Du không đọc cáo trạng bằng thuyết lý, bình luận, mà đưa ra một cáo trạng bằng xương thịt, bằng máu của tâm hồn: Đây là nạn nhân còn sống sót của mười lăm năm chúng bay!

Trong tiệc hoa đoàn viên vui vầy, Thúy Vân uống chén rượu tàng tàng dở say, đứng lên đặt vấn đề Thúy Kiều nên thành hôn với Kim Trọng… “Bây giờ gương vỡ lại lành”… Lời lẽ Thúy Vân dừng lại ở hai câu của Nguyễn Du:

“…Quả mai ba, bảy đang vừa,
Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì ”.

“Quả mai ba, bảy” là lấy ý trong thơ "Kinh Thi" nói quả mơ ở trên cành còn bảy quả, ba quả, là tiết cuối xuân, tuy là kỳ hôn giá có muộn, mà lấy nhau cũng vừa.Tài tình thật đi chứ! Nguyễn Du rút Thúy Kiều từ trong trái tim mình ra, không yêu mến sao được! Kiều ba mươi tuổi vẫn là “đào non”, sau đây, Nguyễn Du mới giải thích bởi vì: “Hoa tàn mà lại thêm tươi – Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”.

Kiều tưởng rời nơi tu hành về nhà là về nhà, không ngờ cuộc đời lại đòi hỏi nàng một mức nữa, qua lời Thúy Vân. Ôi cái con em gái “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” kia, mày phúc hậu lắm, mày đâu có biết ý tứ gì. Sao em đã khêu vết thương tưởng đã lành của chị:

Dứt lời nàng vội gạt đi :

“Sự muộn năm cũ, kể chi bây giờ?
Một lời tuy có ước xưa,
Xét mình dãi gió dầm mưa đã nhiều.
Nói càng hổ thẹn trăm chiều,
Thà cho ngọn nước thủy triều chảy xuôi!”

Nhưng Thúy Kiều có gạt đi cũng không được nữa. Kim Trọng đã bắt lấy lời Thúy Vân. Theo tôi, tất cả cái giá trị của Kim Trọng là lời nói chí tình ở phía sau, mà tôi dẫn trước lên đây:

Bấy lâu đáy biển mò kim,
Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa!

Bấy lâu anh lặn lội tìm em, là vì yêu em, nhớ em, chứ đâu có phải vì… chuyện ấy: Chàng rằng: “Nói cũng lạ đời
Dẫu lòng kia vậy, còn lời ấy sao?
(…)
Duyên kia, có phụ chi tình.
Mà toan chia gánh chung tình làm hai?”

Kim Trọng không biết nói gì hơn là nhắc lại lời thề, sống chết với lời thề ấy và dùng cách trách yêu.

Kiều bấy giờ mới nói đến cái thân thể của mình, trong đó có cái thân của mình rất là quan trọng. Nguyễn Du cho Kiều nói đến chữ “Trinh”, đặng sau đó mượn lời Kim Trọng nói đến một điều làm hả dạ hả lòng người đọc, chiêu tuyết cho Kiều:

Như nàng lấy Hiếu làm Trinh,
Bụi nào cho đục được mình ấy vay!

Trong lời nói của Kiều là gì, nếu không phải là bản cáo trạng xã hội, do chính nạn nhân lập nên? Trong quyển truyện, đã bao lần Kiều trách phận thương thân, ví dụ khi phải làm đĩ lần thứ nhất: “Mặt sao dày gió dạn sương – Thân sao bướm chán ong chường bấy thân”; nhưng đến đây, nhớ lại cả mười lăm năm luân lạc, Kiều như đã nát hết cả tấm thân; lúc tái hợp này rõ ràng là khi Nguyễn Du uất ức lên cao độ nhất.

…Thiếp từ ngộ biến đến giờ,
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa;
Bấy chầy gió táp mưa sa!
Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn!
Còn chi là cái hồng nhan?
Đã xong thân thế còn toan nỗi nào?”

Ta thử đọc lại đoạn này mà vận vào thân, xem thử có tủi nhục đến tận trong xương thịt mình hay không? – giày vò đến thế thì đến bao nhiêu thân cũng phải nát, huống chi là một cái thân em! “Đã xong thân thế, còn toan nỗi nào?”. Câu thơ hành văn bỏ lửng: “Cái thân thế của em đã xong hay chưa, còn muốn gì nữa hở anh?” – Nỗi ê chề tủi cực theo mạch văn còn tiếp:

“Nghĩ mình, chẳng hổ mình sao?
Dám đem trần cấu dự vào bố kinh!
Đã hay chàng nặng vì tình,
Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru!
Từ rày khép cửa phòng thu
Chẳng tu thì cũng như tu mới là!
Chàng dù nghĩ đến tình xa,
Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ.
Nói chi kết tóc xe tơ,
Đã buồn cả ruột, mà dơ cả đời!”

Kiều lại nhắc lại sự đi tu, vì nạn nhân ê chề quá; sự từ chối ở hai câu cuối vẫn là cái giọng tố cáo của một nạn nhân.

Tác giả, trong lời Kiều, đã mượn hình tượng “hoa thơm phong nhị, trăng vòng tròn gương”, “mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn”, dùng lời Kim, tác giả cãi lại: “Tan sương đầu ngõ” để thấy hoa, “vén mây giữa trời” để tỏ trăng, và “Hoa tàn mà lại… trăng tàn mà lại” (trên tôi đã dẫn). Đó chẳng qua là một bút pháp thông thường.

Như ta đã biết, Kim Trọng lập luận rằng không nên cố chấp trong việc hiểu chữ “Trinh”, đáp lại Kiều lần thứ hai này, Kim Trọng cũng lại kết ý bằng cách trách yêu, nhưng lần này tiêu hao hơn, tự tủi thân là một người bị ruồng bỏ (như Tiêu lang mất vợ): Còn điều chi nữa mà ngờ
Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu?