Giai thoại: Cái khăn triều Nguyễn

Cái khăn triều Nguyễn

Khi Gia Long lên ngôi, mời các cựu thần nhà Lê ra giúp việc, Trần Danh Án đã kiên quyết từ chối. Ông chỉ nhận một cái khăn của Gia Long biếu, còn thì không chịu quan tước gì cả. Ông rất tự hào về cách xử sự này và làm bài thơ:

Nhân chi dữ vật bất đồng quần

Phong nghệ tuy vi thượng hữu quân

Huống thị thiếu niên tăng bội phục

Kiêm tri tráng tuế dĩ quan thần

Bắc song xử sĩ do tri Tấn

Đông hải tiên sinh bất đế Tần

Tử hậu mộ bàng nhân chỉ điểm

Cố Lê triều tiến sĩ tính Trần.

Nghĩa là:

Người và giống vật khác trăm phần

Ong kiến còn kia nghĩa chúa quân

Huống đã tuổi thơ khuôn lễ giáo

Lại thêm hồi lớn vẻ đai cân

Bắc song xử sĩ không quên Tấn

Đông hải tiên sinh chẳng chịu Tần

Người sau bên mộ giơ tay trỏ

Tiến sĩ triều Lê cũ, họ Trần.

(Bản dịch của nhóm Hoàng Ngọc Phách)

Bài thơ cũng nói lên được sự tự đắc giữ gìn danh tiết của mình. Nhưng có người vẫn không phục. Người ta bình luận: đã giữ gìn tiết tháo thì sao không từ chối tất cả, mà còn nhận cái khăn của Gia Long? Nhận không phải là vì phép lịch sự, mà là vì… sợ? Hơn nữa, như thế cũng không phải là hoàn toàn trong trắng. Vì vậy, đã có người chữa lại câu cuối thành ra:

Tự hậu mộ bàng nhân chỉ điểm

Lê triều tiến sĩ, Nguyễn triều cân.

Nghĩa là:

Bên mộ đời sau người sẽ trỏ

Triều Lê tiến sĩ, Nguyễn triều khăn.

Thành ra một sự mỉa mai chua chát. Có lẽ ông Trần cũng thấy sượng sùng khi đọc hai câu ấy.