Cái tôi cá nhân trong hai bài thơ “Vội vàng” và “Thơ duyên” của Xuân Diệu
Xuân Diệu được mệnh danh là nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ Mới”, có lẽ cũng bởi ông đã thể hiện rõ rệt nhất trong thơ mình một ý thức cá nhân đậm đà, sâu sắc. Những xúc động, suy tư, cảm nhận, khát khao… của một con tim tràn ngập tình yêu với cuộc đời đã làm cho thơ Xuân Diệu hiển hiện một cái tôi thật mới mẻ và cũng rất độc đáo. Ta có thể nhận ra nhiều điều thú vị từ cái tôi cá nhân của thi sĩ qua hai bài thơ “Vội vàng” và “Thơ duyên” của ông.
Trước hết, cần xác định cái tôi cá nhân là một trong những nét mới, là đóng góp của thơ hiện đại cho một nền văn học. Trong ảnh hưởng chung của văn hóa phương Tây, thơ Mới đã tạo được cho mình tiếng nói cá thể sáng tạo của mỗi cá nhân nhà thơ, để mỗi thi phẩm là mỗi tiếng lòng không thể trộn lẫn. Điều này, trước đây thơ Trung đại chưa có. Các nhà thơ trung đại thường nói đến những cái chung, theo những khuôn thước mẫu mực. Có chăng, đến Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, yếu tố cá nhân mới manh nha xuất hiện.
Trong hai bài thơ “Vội vàng” và “Thơ duyên”, cái tôi Xuân Diệu đầu tiên là cái tôi cảm nhận, cảm nhận trời đất, đắm say đất trời và cảm nhận tình người. Ở “Vội vàng”, cái tôi ấy đã thể hiện cái nhìn say đắm cảnh vật đến độ muốn “tắt nắng” và “buộc gió” để giữ lấy màu, giữ lấy hương của đời sống. Cũng cái tôi ấy, đã đắm đuối nhận ra trong đất trời có hương sắc tình tứ lứa đôi, ngay cả ong bướm cũng có “tuần tháng mật”, cả yến anh cũng có “khúc tình si”. Và tinh tế, nhạy cảm lắm, cái tôi ấy cũng mới chuyển tải được đời sống mỗi sớm mai thành hình hài của “thần vui” gõ cửa. Trong niềm sung sướng tột độ, cái tôi thi sĩ đã nhìn ra tháng giêng bằng sự so sánh rất độc đáo “ngon như một cặp môi gần”. Có lẽ trước Xuân Diệu, chưa có ai lại so sánh lạ kì và ngọt ngào đến thế! Cũng vậy, trong “Thơ duyên”, cái tôi nhạy cảm đã thu vào tầm mắt mình hình ảnh của “buổi chiều thu” thành “chiều mộng”, nhánh me thành “nhánh duyên”, và trời đất như ngập tràn âm thanh tình yêu, từ tiếng chim ríu rít thành cặp, đến tiếng huyền lay động khắp nơi.
Với những cảm nhận đặc sắc, Xuân Diệu đã để cái tôi lên tiếng thành một âm thanh rất riêng biệt trong thơ, tạo nên một sắc thái tinh tế trong cái nhìn thiên nhiên và con người.
Không những vậy, cái tôi Xuân Diệu còn là cái tôi trong trạng thái thương yêu, luyến tiếc, ngậm ngùi. Ta thử xem những rung cảm của ông trong “Vội vàng”:
“Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.”
Ở đây, cái tôi đang lên tiếng để chống lại cả một quan niệm cũ: thời gian tuần hoàn bởi bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Với Xuân Diệu, thời gian được nhìn trong trục tuyến tính, nhìn thông qua khái niệm “tuổi trẻ”, bởi vậy là một đi không trở lại. Cái tôi cá nhân thi sĩ đã chiêm nghiệm cuộc đời như vậy, nên thấy tiếc nuối biết bao những gì còn đang là niềm vui, niềm thương. Bởi lẽ, dường như đã nhận ra chính những điều “đang có” ấy rồi sẽ là “không có” nữa, cũng như những “tồn tại” sẽ là “không tồn tại”. Cái tôi cá nhân không ngại ngần, đã nói trực tiếp những suy tư, cảm xúc của mình:
“Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”
Thi sĩ đã rất nhiều lần xưng “tôi”: tôi muốn, tôi sung sướng, tôi không chờ, tôi cũng mất, lòng tôi rộng, tôi tiếc…; nghĩa là ông xoáy sâu vào tâm hồn, vào cõi lòng mình để từ đó cất lên tiếng thơ bày tỏ ý thức, tình cảm cá nhân hết sức sâu sắc…
Trong “Thơ duyên”, không xưng “tôi” mà xưng “ta”, nhưng thi sĩ cũng đã thể hiện cái tôi trong trạng thái thương yêu, luyến lưu như vậy:
“Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu”
Cái tôi thi nhân lúc nào cũng nhạy cảm đến độ dễ rung động trước bao nhiêu hình ảnh, sắc màu của cuộc đời, trời đất, của lòng người. Chỉ một bước chân trên phố vô tình, thi nhân cũng dễ dàng xúc cảm:
“Em bước điềm nhiên không vướng chân
Anh đi lững đững chẳng theo gần
Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu
Anh với em như một cặp vần”
Cái duyên dáng trong tâm hồn thi sĩ đã tạo cho cái tôi Xuân Diệu một nét đa tình mà không phải nhà thơ nào, ngay cả các nhà thơ mới, cũng có.
Để rồi, cái tôi cá nhân Xuân Diệu không chỉ là cảm nhận và rung động như thế, cái tôi ấy còn là cái tôi hành động đầy mãnh liệt. Trong “Vội vàng”, nhà thơ đã dùng hàng loạt động từ với mức độ tăng tiến, dùng một loạt tính từ chỉ trạng thái để diễn tả:
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn”
Và hơn vậy, ông còn thể hiện “ta muốn riết”, “ta muốn say”, “ta muốn thâu”, “cho chếnh choáng”, “cho đã đầy”, “cho no nê”, cuối cùng “ta muốn cắn”. Nhà thơ đã đưa hết vào thơ những từ ngữ chỉ hành động, chỉ khao khát trong sự tột đỉnh của trạng thái xúc cảm. Cái tôi ấy không còn chỉ là cảm nhận trời đất mà đang là cái tôi chinh phục. Khao khát yêu, khao khát sống, những niềm khao khát ấy đã làm nên một cái tôi cuồng sâu, mạnh mẽ. Quả thực, qua những ý thơ Xuân Diệu, ta mới hiểu được tâm hồn, tình cảm của ông tinh tế và phong phú đến chừng nào!
Trong “Thơ duyên”, ta dễ dàng gặp lại cái dạn dĩ của một hồn thơ. Đó là, khi đọc câu thơ cuối cùng, ta bỗng cảm giác được nhà thơ không hề dừng lại ở bước chân “lững đững chẳng theo gần”, mà đã tiến đến, rất cương quyết, rất mạnh bạo “ lòng anh thôi đã cưới lòng em.”
Có thể nói, qua hai bài thơ, chưa thể khái quát được cái tôi cá nhân của một nhà thơ. Nhưng dẫu sao, người đọc cũng đã cảm nhận được một Xuân Diệu đầy nhạy cảm, giàu tình yêu và vô cùng mãnh liệt trong xúc cảm với cuộc đời, với con người.
Hiểu được một tâm hồn thơ Mới, cũng có nghĩa là phần nào chúng ta đã hiểu được dáng dấp của một thời đại thi ca. Thời đại thi ca ấy, thật rạo rực, thật đắm say căng tràn sức sống với cái nhìn tươi non, nhưng vẫn còn đó những xao xuyến, những bỡ ngỡ cô đơn. Nói như Hoài Thanh trong bài “Một thời đại trong thi ca”:
“Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận.
Cả trời thực, trời mộng vẫn nao nao theo hồn ta.”
Cuối cùng, cảm nhận được về một thời thơ như vậy, ta thấy mình giàu thêm trong hành trang văn chương, hành trang học làm người!