Phần 2:
Xem lại phần 1 – Tiếp tục lần theo kí ức của người lính, người đọc nhận ra dấu ấn từng vùng đất mà anh đi qua. Đây là Bằng Giang với một nỗi niềm đau đáu, kia là con sông Đà với công trình thế kỉ, đây “Mai Châu có chàng thi sỹ. Rượu núi rót tràn trăng tương tư”, kia nữa là Lạc Thủy với “Cầu Cả bao chàng ríu bước say”.
Điều đáng nói là, những địa danh, những vùng đất mà anh đi qua không chỉ đơn thuần là thực thi nhiệm vụ hay “xê dịch” cho thỏa chí sông hồ, mà thông qua lăng kính của người nghệ sĩ, qua cái rung cảm khát khao hướng đến, tìm về với cái Đẹp nguyên sơ, “người lính thơ” ấy đã chạm khắc vào thơ ca những phút giây tuyệt đẹp của thiên nhiên và con người. Quãng thời gian 6 năm (1984 – 1990) ở Thạch An tuy không phải là dài, nhưng đã kịp để lại trong lòng anh lính trẻ những “Vui sướng, buồn đau, ngọt bùi, cay đắng”. Đủ mọi cung bậc cảm xúc. Và mọi cung bậc cảm xúc ấy, đọng lại trong lòng người lính trẻ rốt cuộc chỉ còn lại một điều:
“Anh như gã sơn tràng đễnh đoãng
Cứ có rượu, có hoa là chếnh choáng
Lạc bước lên non quên nẻo đường về”.
(Với Thạch An)
Cái Quên ấy thật thi vị, thật nghệ sỹ. Nhưng nói là nói thế thôi, chàng Từ Thức lạc vào động Đào Nguyên còn vương vấn cõi hồng trần, đằm mình vào thiên nhiên cây cỏ, song anh lính trẻ đâu có thể quên được vẻ đẹp tiềm ẩn ngay trong bản thể mỗi con người.
“Ơ kìa, cô gái bận chàm xanh
Lúng liếng ô che chân bước nhanh
Chúm chím hoa đào rung cánh mỏng
Em tặng riêng anh một chút tình”.
(Rừng xuân)
Cũng trong kí ức của người lính trong “Những năm tháng ở rừng”, người đọc còn cảm nhận được nỗi niềm ưu tư trĩu nặng của anh đối với người thân ở nơi quê nhà. Người trai trẻ lên đường theo tiếng gọi của non sông đất nước, của lí tưởng nhưng vẫn đau đáu trông về nơi mình đã ra đi.
“Quê nhà bão lụt
Mẹ cha già cả rồi
Vợ con trông mỏi mắt
Mình xa tít mù khơi”
(Với quê)
Thực ra cũng không khó để lí giải điều này. Thân trai, hai vai nặng gánh. Anh lính cũng như bao người trai khác, phải có bổn phận trách nhiệm với gia đình. Biết rằng giang sơn, tổ quốc là trọng, nhưng ở nhà, nào là thiên tai, bão lụt, nào là miếng cơm manh áo, cha mẹ thì già, vợ thì yếu, con thì thơ dại, anh trăn trở là lẽ đương nhiên. Chàng tráng sỹ Kinh Kha vượt sông Dịch Thủy vào đất Tần đã tỉnh giấc mộng Nam Kha, con người trách nhiệm của anh trỗi dậy.
“Những tháng năm ở rừng
Con kiến đốt lòng nhoi nhói
Tin quê nhà bão bùng lụt lội”
(Những tháng năm ở rừng)
Rồi những kỉ niệm tuổi thơ cũng cứ thế hiện về. Kí ức nơi “chôn nhau cắt rốn” cứ thế rõ ràng hơn bao giờ hết. Những hình ảnh đan xen nhau như một đoạn phim quay chậm. Đây là “trái thị vàng ủ giấc chiêm bao”, là “cô Tấm dịu hiền hiếu thảo”, là “con đại bàng đậu ngọn khế chua”, là “chàng Thạch Sanh xách rìu canh miếu”. Để rồi, trở về với thực tại, anh băn khoăn tự hỏi:
“Làng ơi, đâu con chim mách lẻo?
Đâu con chích chòe tu…huýt…tu….hoe?
Nào con sẻ nâu bé nhỏ?
Nào con cào cào cánh xanh cánh đỏ
Chập chờn bay trong kí ức tuổi thơ ơi?”
(Về chốn cũ)
Từ kí ức về làng xưa, chốn cũ, về những người thân yêu của mình, người đọc nhận ra nỗi buồn sâu thẳm trong anh – một người lính. Anphơrê Muytxe, đại thi Pháp đã nói “Không có gì cao cả hơn một nỗi buồn lớn”. Điều đó đúng với mảng kí ức này của người lính trong “Những tháng năm ở rừng” của Nguyễn Anh Nông. Anh sẻ chia nỗi đau mất mát của người thân. “Cõi thu” là câu chuyện về một người chị có chồng đã hi sinh khi tuổi đời còn trẻ, người vợ nương mình dưới bóng Phật từ bi để giữ trọn tình yêu chung thủy với chồng. Còn “Nhát chổi trong chiều” lại là câu chuyện của một người O, bao nhiêu năm chồng đi kháng chiến, một tay toan lo vất vả, nặng gánh giang sơn nhà chồng, những mong ngày nước nhà độc lập, gia đình được đoàn tụ, thế mà “từng nhát chổi lia ngang/ tơi tấp gió/. Những nhát chổi/ trong chiều/ nào có bớt cô liêu?”. Và đây, câu chuyện kể “Trước lá vàng”: Một người mất vợ, một người chồng hi sinh. Họ đã gạt qua những tị hiềm của thế gian, tị hiềm với chính bản thân mình để đến với nhau. Hạnh phúc muộn mà cay khóe mắt cả những người ngoài cuộc:
“ Trước ảnh chị nâng đèn
Anh cầm nhang châm lửa
Nhớ người không còn nữa
Họ lặng thầm bóng đôi”.
(Trước lá vàng)
Và đây nữa là “Câu chuyện bên quả bom câm”: Một người bạn công tác ngoài đảo xa, người vợ ở nhà không giữ được mình trước những cám dỗ về thể xác và vật chất. Bạn anh tay trắng, cay đắng âm thầm, anh chia sẻ với bạn, nhưng bất lực vì không thể giúp bạn điều gì:
“Sớm chiều bạn gõ kẻng
Rên rỉ quả bom câm
Bom câm còn lên tiếng
Mà bạn tôi âm thầm”.
(Bên quả bom câm)
Phải là người có tấm lòng thật độ lượng bao dung, thật thông cảm với nỗi bất hạnh của con người thì Nguyễn Anh Nông mới có được những dòng cảm xúc như thế. Ngôn ngữ bình dị, thi tứ không nhiều, nhưng vượt qua những ràng buộc về thể loại, anh cứ để lòng trắc ẩn của mình tràn ra trang giấy. Phương thức tự sự, kì lạ thay lại rất hữu dụng với thể loại trữ tình.
Có cảm giác như trong “Những tháng năm ở rừng”, có những trang kí ức chứa đựng đấy nỗi ngơ ngác trước thực tại cuộc đời của chủ thể trữ tình. Cũng phải thôi, lính tráng chân chất, mộc mạc chân thành, còn cuộc đời thì đầy nỗi bất trắc, đầy điêu ngoa, xảo trá, lọc lừa.
“Những tháng năm ở rừng
Người thân xưa hờ hững hóa người dưng
Ngày xuống phố thẫn thờ, ngơ ngác”.
(Những tháng năm ở rừng)
Phố phường: Chốn ấy là chốn hội chợ phồn hoa, nơi ấy có đèn xanh đèn đỏ; Chốn ấy là chốn ma mị cuốn phăng con người vào vòng xoáy của cơ chế thị trường; Chốn ấy, mọi giá trị đạo đức của con người bị đảo lộn tùng phèo. Nguyễn Duy từng viết:
“Từ hồi về thành phố
Quen ánh điện cửa gương
Thấy vầng trăng qua ngõ
Như người dưng qua đường”
(Ánh trăng – Nguyễn Duy)
Nhưng chủ thể trữ tình của Nguyễn Duy là người trong cuộc, là đối tượng bị cuốn vào vào vòng xoáy mà quên đi ân tình xưa cũ từ những năm tháng ở rừng. Còn chủ thể trữ tình của Nguyễn Anh Nông là người chứng kiến những thay đổi ấy. Cái nhìn tỉnh táo hơn, khách quan hơn cho nên anh cũng đau xót, buồn thương và hoài nghi hơn.
“Thế thì thôi, thế thì tin
Cõi người, cõi Phật biết tin cõi nào?
Cõi trời cõi đất thanh cao
Cúi đầu tôi lạy cõi vào … thiên thu”
(Cõi thu).
Song, vượt qua tất cả những điều đó, qua kí ức người lính trong “Những tháng năm ở rừng”, ta vẫn cảm nhận được niềm tin yêu đối với con người của tác giả. Nhân vật trữ tình không đầu hàng, không gục ngã, không chấp nhận thỏa hiệp. Phải chăng, đây mới là “chất vàng mười” trong mạch nguồn thơ ca của Nguyễn Anh Nông? Trong mất mát đau thương, trong hoài nghi đỗ vỡ, anh vẫn đứng thẳng, vẫn đưa tay nắm lấy nụ hoa đời, nâng niu quý trọng nó.
“Nơi Tổ quốc cần bạn tôi có mặt
Dẫu đồng đội có người quay quắt
Bạn tôi như mạch suối nhỏ trong lành”
(Khúc tưởng niệm bên dòng suối)
Tin bạn, cũng tức là tạo cho mình một cơ hội để củng cố niềm tin. Anh tự nhủ:
“Dẫu tàu anh đi trăm nơi vẫn nhớ
Biển rộng dài như có cũng như không”
(Thơ tình lính biển).
Có lẽ đây là cái gốc, giúp chúng ta hiểu thêm về cái “chất vàng mười” trong thơ của Nguyễn Anh Nông, đúng như lời nhận xét của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi: “Chiều sâu tinh thần, đạo lí được khắc họa đã cho thơ Nguyễn Anh Nông nói được niềm trăn trở, âu lo, tiếng thở dài u uẩn nhưng không sa vào bi lụy, bế tắc, sầu đau, tuyệt vọng”.
Đề tài về người lính, dù trong chiến tranh hay thời bình cũng chưa bao giờ xưa cũ. Bản thân là người chiến sĩ đúng trong hàng ngũ quân đội nhân dân Việt Nam, Nguyễn Anh Nông có lợi thế rất nhiều khi là người trong cuộc viết về chính mình và đồng đội. Bởi những điều anh viết là những điều anh nghĩ, anh trải qua, anh chiêm nghiệm. Cho nên nhìn lại kí ức người lính trong “Những tháng năm ở rừng” là một cách để ta bước vào thế giới thơ ca của Nguyễn Anh Nông.