Ôn tập môn Văn lớp 11

Soạn bài online – Ngữ văn 11

ĐỀ CƯƠNG ÔN THI MÔN NGỮ VĂN 11

I. LÝ THUYẾT
NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU
1. Tác phẩm chính.

 
– Trước khi Pháp xâm lược: Truyện Lục Vân Tiên, Dương Tử – Hà Mậu.
– Sau khi Pháp xâm lược: thơ, văn tế, truyện thơ. Tiêu biểu: Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Ngư tiều y thuật vấn đáp,…
2. Nội dung.
– Lý tưởng đạo đức nhân nghĩa xuất phát từ đạo Nho nhưng mang đậm tính nhân văn và truyền thống dân tộc (Lục Vân Tiên).
– Lòng yêu nước thương dân: tố cáo tội ác giặc ngoại xâm và bọn bán nước, ca ngợi nghĩa sĩ, sĩ phu yêu nước và nhân dân đánh giặc, bày tỏ thái độ kiên trung, bất khuất của những con người thất thế nhưng vẫn hiên ngang.
 
3. Nghệ thuật.
– Đỉnh cao của văn chương trữ tình đạo đức.
– Vẻ đẹp giản dị, chất phác, mộc mạc mà sâu sắc.
– Bút pháp trữ tình xuất phát từ cái tâm trong sáng, từ nhiệt tình với dân, với nước. 
– Sắc thái miền Nam của thơ văn cụ Đồ Chiểu.
 
 Hoàn cảnh sáng tác Văn tế NSCG: Nguyễn Đình Chiểu bày tỏ lòng tiếc thương những người đã khuất trong trận tập kích đồn quân Pháp ở Cần Giuộc (16/12/1861).
 
Ghi nhớ: Văn tế NSCG của Nguyễn Đình Chiểu là tiếng khóc bi tráng cho một thời lịch sử đang thương nhưng vĩ đại của dân tộc, là bức tượng đài bất tử về những người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc đã dũng cảm chiến đấu hi sinh vì tổ quốc. Bài văn cũng là một thành tựu xuất sắc về nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật, kết hợp nhuần nhuyễn chất trữ tình và tính hiện thực, ngôn ngữ bình dị, trong sáng, sinh động. 
 
NAM CAO 
1. Quan điểm văn học.
– Nghệ thuật vị nhân sinh. Văn học phải gắn bó với đời sống nhân dân lao động.
– Một tác phẩm có giá trị phải chứa đựng nội dung nhân đạo cao cả. 
– Nghề văn phải là nghề sáng tạo, nhà văn phải có lương tâm nghề nghiệp.
 
2. Các đề tài chính.
* Trước CM:
a. Người tri thức nghèo: Giăng sáng, Đời thừa, Sống mòn,…
– Nội dung chính: nhà văn đã miêu tả sâu sắc tấn bi kịch tinh thần của những người tri thức nghèo trong xã hội.
– Giá trị: phê phán XH vô nhân đạo đã tàn phá tâm hồn con người đồng thời thể hiện niềm khao khát một cuộc sống có ích, thực sự có ý nghĩa.
 
b. Người nông dân nghèo: 
– Nội dung chính: Tập trung khắc họa tình cảnh và số phận những người nông dân nghèo bị đẩy vào đường cùng, bị chà đạp tàn nhẫn, đặc biệt là bị tha hóa, lưu manh hóa.
– Giá trị: kết án XH vô nhân đạo đã hủy diệt nhân tính của những người nông dân hiền lành đồng thời khẳng định nhân phẩm và bản chất lương thiện của họ. 
 
* Sau CM:
Nam Cao là cây bút tiêu biểu của văn học giai đoạn kháng chiến chống Pháp. 
– Tác phẩm: truyện ngắn Đôi mắt (1948), nhật ký Ở rừng (1948), ký sự Chuyện biên giới (1950).
 
3. Phong cách nghệ thuật:
– Nam Cao thường viết về cái nhỏ nhặt, xoàng xĩnh, tầm thường trong đời sống hàng ngày, từ đó đặt ra những vấn đề XH to lớn, những triết lý sâu sắc về con người, cuộc sống và nghệ thuật.
– Ông luôn có hứng thú khám phá “con người trong con người”, có biệt tài diễn tả, phân tích tâm lý nhân vật, 
– Nam Cao thường sử dụng thủ pháp độc thoại và độc thoại nội tâm.
– Giọng điệu buồn thương chua chát, lạnh lùng mà đầy thương cảm, đằm thắm yêu thương. 
 
4. Ghi nhớ “Chí Phèo”:
Chí phèo là một kiệt tác của nền văn xuôi VN hiện đại. qua truyện ngắn này, Nam Cao khát quát 1 hiện tượng XH ở nông thôn VN trước CM: 1 bộ phận nông dân lao động lương thiện bị đẩy vào con đường tha hóa, lưu manh hóa. Nhà văn đã kết án đanh thép xã hội tàn bạo tàn phá cả thể xác và tâm hồn người nông dân lao động, đồng thời khẳng định bản chất lương thiện của họ, ngay trong khi họ bị vùi dập mât cả nhân hình, nhân tính. Chí Phèo là 1 tác phẩm có giá trị hiện thực, nhân đạo sâu sắc, mới mẻ.
 
– Chí Phèo thể hiện tài năng truyện ngắn bậc thầy của Nam Cao: xây dựng thành công nhân vật điển hình bất hủ, nghệ thuật trần thuật linh hoạt, tự nhiên mà vẫn nhất quán, chặt chẽ, ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc. 

NGUYỄN TUÂN
1. Sáng tác chính:
* Trước Cách mạng, sáng tác của Nguyễn Tuân xoay quanh các đề tài chính:
– Chủ nghĩa xê dịch: Một chuyến đi, Thiếu quê hương…
– Vẻ đẹp "vang bóng một thời": là những nét đẹp còn vương sót lại của một thời đã lùi vào dĩ vãng gắn với lớp nho sĩ cuối mùa. Tác phẩm chính: Vang bóng một thời…
– Đời sống trụy lạc: Chiếc lư đồng mắt cua, Ngọn đèn dầu lạc…
 
* Sau Cách mạng:
– Sáng tác Nguyễn Tuân tập trung phản ánh hai cuộc kháng chiến, qua đó thấy được vẻ đẹp của người Việt Nam vừa anh dũng vừa tài hoa. Tác phẩm chính: Tình chiến dịch, Đường vui, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi… 
– Ông cũng viết về công cuộc xây dựng đất nước, trong đó hiện lên con người Việt Nam với vẻ đẹp cần cù mà rất mực tài hoa. Tác phẩm chính: Sông Đà, Ký Nguyễn Tuân…
 
2. Phong cách nghệ thuật: 
Là một nhân cách nghệ sĩ, tài hoa uyên bác, suốt đời đi tìm cái đẹp, ý thức sâu sắc về con người và cảnh vật trên bình diện văn học nghệ thuật và tài hoa nghệ sĩ. Ông có nhiều đóng góp cho sự phát triển của thể tùy bút và tiếng Việt…
 
3. Ghi nhớ “Chữ người tử tù”
-Trong truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công hình tượng Huấn Cao – một con người tài hoa, có cái tâm trong sáng và khí phách hiên ngang, bất khuất. Qua đó khẳng định sự bất tử của cái đẹp và bộc lộ thầm kín tấm lòng yêu nước.
 
-Tác phẩm thể hiện tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong việc tạo dựng tình huống truyện độc đáo, trong nghệ thuật dựng cảnh, khắc họa tính cách nhân vật, tạo không khí cổ kính, trang trọng, trong việc sử dụng thủ pháp đối lập và ngôn ngữ giàu tính tạo hình. 
 
II. NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
* Dàn bài chung: 
1. Nghị luận về một tư tưởng đạo lý trong 1 nhận định (câu nói, châm ngôn, thành ngữ, tính cách, phẩm chất…) 
a. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận, trích dẫn. 
b. Thân bài: 
– Giải thích: từ ngữ – cả câu về vấn đề nghị luận. 
– Nêu biểu hiện cụ thể của vấn đề nghị luận (dẫn chứng) 
– Nêu ý nghĩa (có lợi) của vấn đề với bản thân, cuộc sống, cộng đồng. 
– Phê phán hoặc tác hại của vấn đề bình luận (nếu có). 
– Rút ra bài học bản thân. 
 
c. Kết bài: Khẳng định giá trị của vấn đề nghị luận. 
 
2. Nghị luận về một hiện tượng đời sống: 
a. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận, trích dẫn nguyên vân, từ ngữ thể hiện vấn đề nghị luận. 
b. Thân bài: 
– Thực trạng (số liệu, địa danh chính xác) 
– Nguyên nhân (chủ quan, khách quan) 
– Tác hại – hậu quả 
– Giải pháp. 
– Rút ra bài học bản thân. 
 
c. Kết bài: Đánh giá lại vấn đề.