Tương tư ( Nguyễn Bính )

Thôn Ðoài ngồi nhớ thôn Ðông,
Một người chín nhớ mười mong một người,
Gió mưa là bệnh của trời,
Tương Tư là bệnh của tôi yêu nàng,
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này,
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng,
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành,
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi,
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai hỏi ai người biết cho,
Bao giờ bến mới gặp đò,
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau,
Nhà em có một giàn trầu,
Nhà tôi có một hàng cau liên phòng,
Thôn Ðoài thì nhớ thôn Ðông,
Cau thôn Ðoài nhớ trầu không thôn nào.
Màu sắc dân tộc trong Tương tư của Nguyễn Bính?
Nguyễn Bính thuộc thế hệ các nhà Thơ mới. Nhưng nếu phần lớn các thi sĩ cùng thời chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây, thì Nguyễn Bính lại tìm về với điệu thơ dân tộc.
“Lỡ bước sang ngang” là tác phẩm được chú ye hơn cả trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Bính trước cách mạng. Bằng lối ví von mộc mạc duyên dáng, mang phong vị ca dao: tác phẩm này đã đem đến cho người đọc những hình ảnh thân thương của quê hương đất nước và một tình người đằm thắm thiết tha. Bài thơ “Tương tư” được in lần đầu trong tập thơ “Lỡ bước sang ngang”. Đây là bài thơ khá tiêu biểu cho hồn thơ Nguyễn Bính nói chung và cho lập “Lỡ bước sang ngang” nói riêng.
Tương tư là trai gái nhớ nhau. Dĩ nhiên đây là nỗi niềm u ẩn của những người yêu nhau phải xa nhau. “Tương tư” là một thi đề quen thuộc trong cả văn chương dân gian lẫn văn chương bác học. Trước Nguyễn Bính đã có những thi sĩ lừng danh như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ… viết về đề tài này. Và ngay trong làng “Thơ mới” đã có bài “Tương tư chiều” nổi tiếng của Xuân Diệu. Tất cả những điều đó là những thử thách to lớn đối với những cây bút đi sau. Nguyễn Bính đã vượt qua được thử thách đó, mang đến cho đề tài này phần nội dung mới và cách nói mới.
Nỗi niềm “Tương tư” của Nguyễn Bính được thể hiện bằng những sắc thái muôn thuở của chuyện trai gái yêu nhau mà phải xa nhau. Có nhớ nhung, có trách móc, có giận hờn, và dĩ nhiên cả khắc khoải đợi chờ…Nỗi niềm tương tư ở đây chưa đến độ cháy bóng mãnh liệt như trong thơ Xuân Diệu (“Bữa ni lạnh, mạt trời đi ngủ – Anh nhớ em, em hỡi anh nhớ em!”), nhưng cũng thật tha thiết chân thành:
“Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.
Thì ra, nếu gió mưa là “căn bệnh”, là sự vận động thường xuyên của thiên nhiên thì nhớ mong là căn bệnh cố hữu diễn ra như một quy luật tất yếu của những người đa tình, đa cảm, dường như có mặt ở trên đời này chỉ để thương thầm nhớ vụng. Giữa chàng trai – nhân vật trữ tình – và bạn gái dường như chẳng có cách trở gì về cả không gian lẫn thời gian? Họ ở chung một làng, chỉ cách nhau có “một đầu đình”. Cô gái có thể thuận lợi đủ điều càng khiến cho nhân vật trữ tình càng thêm băn khoăn thêm hờn dỗi. Nhưng nào có ai đâu mà chờ với đợi. Cũng như một số bài thơ khác của Nguyễn Bính thường nói đến mối tình đơn phương (như trong bài Hoa và rượu. Người phương nên lời trách móc, hờn dỗi kia rõ ràng trở thành vu vơ. Thực ra, những lời nói đó chính là sự tự bộc lộ tâm hồn nhạy cảm, khao khát yêu thương của chính nhà thơ. Khi cuộc đời còn những mối tình đơn phương, khi còn những con tim ít tuân theo những quy tắc rạch ròi; thì người đọc cũng không mấy ai nõ trách Nguyễn Bính đã “tương tư” một cách vu vơ…
Đặc biệt nỗi niềm chờ mong đáng trân trọng ấy đã đựoc nhà thơ thể hiện một cách mới mẻ. Trước hết là hình ảnh cái “tôi” có nhu cầu giãi bày, phơi trải được Nguyễn Bính diễn tả một cách trực diện không chút vòng vo:
“Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.
Ngoài ra còn phải kể đến việc tác giả đã thành công khi đưa vào lời ăn tiếng nói của người nhà quê trong cuộc sống thường nhật. Những lời ăn tiếng nói ấy xuất hiện một cách tự nhiên mộc mạc, tạo nên không khí dân dã, quê mùa cho toàn bài thơ:
“Hai thôn chung lại một làng,
Có sao bên ấy chẳng sang bên này?
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?”
Đưa vào thơ lời ăn tiếng nói của đời thường, Nguyễn Bính cũng như những nhà Thơ mới đã gặt hái được một mùa hoa trái bội thu. Thơ của họ trở nên gần gũi với người đọc và nó góp phần phát hiện ra những cái mới mẻ của con người và tạo vật, mà trước đây ít nhiều thi ca bác học chưa làm được.
Như vậy, nội dung “Tương tư” có tính chất muôn thuở đã được nhà thơ Nguyễn Bính thể hiện bằng một lời nói hiện dại, mang dấu của thời đại, phản ánh một mảng tâm hồn của lớp thanh niên tiểu tư sản những năm 30 của thế kỷ này.
Song giá trị cơ bản của bài thơ không chỉ ở chỗ tác giả diễn tả khá mới mẻ cái “tôi” thiết tha chân thành, khao khát yêu đương; mà điêu chủ yếu nó gợi lên được cái “hồn xưa đất nước”, theo cách nói của nhà phê bình Hoài Thanh. “Hồn xưa đất nước” không nằm riêng ở chi tiết nào, câu thơ nào mà toát ra từ toàn bộ bài thơ qua hệ thống hình ảnh, lời ví von, cũng như giọng điệu chung.
Vốn sinh ra ở một nước nông nghiệp, cho dù đã từng “dan díu với kính thành” nói theo Nguyễn Bính, mấy ai trong số chúng ta không có trong mình một đôi kỷ niệm về một làng quê Việt Nam truyền thống? Tương tư có khả năng khơi gợi trong đáy sâu tâm hồn người đọc. Trong khi các nhà thơ cùng thời Xuân Diệu hay Lưu Trọng Lư chịu ảnh hưởng sâu đậm thơ phương Tây và chính điều đó đem lại cho phong trào Thơ mới những nét đặc sắc, thì Nguyễn Bính lại thành công khi ông tìm về với điệu thơ dân tộc, với làng quê Việt Nam thân thuộc, với những hình ảnh gần gũi tự ngàn xưa: những con bướm trắng, bướm vàng vẽ vòng trên các vườn hoa cải hoa vàng, những vườn bưởi vườn cam ngào ngạt hương thơm, ven đê là ruộng dâu bãi đay, bên giậu mùng tơi, cạnh giếng khơi là những cô thôn nữ đôn hậu, quanh năm dệt lụa chăn tằm, trẩy hội, xem chèo,… với trang phục cổ truyền: áo đồng lầm, quần lĩnh tía, yếm lụa sồi… Ở bài thơ “Tương tư” dường như có một sự kết nối giữa hệ thống hình ảnh đã trở thành ước lệ đối với làng quê Việt Nam. Ở đó có thôn Đoài, thôn Đông, có con đò và bến nước, có hàng cau và giàn trầu… Ở đó còn có nơi sinh thành và nuôi dưỡng lối thơ lục bát và Nguyễn Bính đã sử dụng nhuần nhuyễn lối thơ này, cách ví von mộc mạc, thực chất là những ẩn dụ: bến – đò, hoa – bướm, trầu – cau, thôn Đông – thôn Đoài… Hệ thống hình ảnh, lối thơ truyền thống với cách ví von ấy đã đánh thức con người nhà quê lâu nay ẩn náu trong lòng độc giả, làm cho họ bồi hồi xao xuyến về một làng quê Việt Nam, một dân tộc Việt Nam gần gũi và thiêng liêng.
Không những thế, “Hồn xưa đất nước” còn được biểu hiện ngay trong lối suy nghĩ gắn với trời đất, cỏ cây quê hương. Ngày xưa, năm tháng trôi qua đã được ông cha ta miêu tả qua sự biến đổi của cây lá:
“Nửa năm hơi tiếng vừa quen
Sân ngô cành biếc đã chén lá vàng”.
(“Truyện Kiều” – Nguyễn Du)
Nhân vật trữ tình trong bài thơ này cũng đo đếm thời gian dựa vào chính sự thay đổi của cảnh sắc thiên nhiên. Điều này được thể hiện bằng những câu thơ dân dã, mộc mạc:
“Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”.
Đồng thời thiên nhiên còn là chuẩn mực để nhân vật trữ tình nhớ nhung, suy tưởng: “Gió mưa là bệnh của giời – Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.
Do sống hoà hợp gắn bó với cảnh sắc thiên nhiên, nên trong ca dao – dân ca, trai gái quê ta không chỉ mượn Thuyền và Bến, Sen – Hồ, Mận – Đào… để giãi bày tình yêu một cách kín đáo vừa duyên dáng, vừa tinh tế. Trong bài “Tương tư”, Nguyễn Bính sử dụng triệt để các cách nói ấy mang lại hiệu quả nghệ thuật đáng kể. Nếu như ở khổ thơ thứ hai còn có câu dường như lạc hệ thốn, thiếu sự dung dị(“Hoa khuê các, “bướm giang hồ gặp nhau”) thì khổ thơ cuối cùng chính là sự kết tinh nghệ thuật của toàn bài. Ở khổ thơ này “hồn xưa đất nước” toát lên từ cách dùng hình ảnh, cách bộc lộ tình cảm kín đáo, mộc mạc của tác giả. Thay vì lối diễn đạt trực tiếp ở phần đầu đến khổ thơ cuối, Nguyễn Bính dùng lối diễn đạt gián tiếp rất tinh tế, phảng phất chất hương đồng cỏ nội của ca dao thuần khiết:
“Nhà em có một giàn giầu
Nhà tôi có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”
Trong phong trào Thơ mới, nhiều thi sĩ như Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân… miêu tả được những bức tranh quê tươi đẹp. Nhưng có lẽ chỉ mình Nguyễn Bính nói đúng được cái hồn quê Việt Nam. Ngày nay ở nông thôn Việt Nam phong cảnh cũng như hồn người đã đổi khác rất nhiều. Thanh niên nam nữ thường thích điệu bộ bò hơn là áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ, xe Cub đã thay cho ngựa tía võng điều…
Tuy vậy, phần nào bài thơ “Tương tư” trên đây của Nguyễn Bính vẫn như một dấu tích tâm hồn dân tộc, góp phần cho tâm hồn người đọc thêm phong phú và tươi sáng. Đấy chính là sự đóng góp đặc sắc của nhà thơ trong bài thơ này nói riêng và trong phần nhiều bài thơ của Nguyễn Bính trước Cách mạng nói chung, đấy cũng là lý do khiến nhiều người yêu thích thơ ông.