Soạn bài: Làng của Kim Lân

  A. TÓM TẮT KIẾN THỨC CƠ BẢN

I. Tác giả

Kim Lân (1920-2007) tên thật là Nguyễn Văn Tài, quê Bắc Ninh. Ông là nhà văn chuyên viết truyện ngắn và đã có sáng tác đăng báo từ trước cách mạng tháng Tám 1945. Vốn gắn bó và am hiểu sâu sắc cuộc sống ở nông thôn, Kim Lân hầu như chỉ viết về sinh hoạt làng quê và cảnh ngộ của người nông dân. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

II. Tác phẩm.

1. Hoàn cảnh sáng tác:

Viết năm 1948 trong thời kì đầu cuộc k/c chống Pháp.

 2. Tóm tắt:

Ông Hai là một nông dân yêu làng. Vì hoàn cảnh ông phải cùng gia đình đi tản cư nhưng lúc nào cũng nhớ về làng Chợ Dầu. Ông có đặc điểm nổi bật là có tính hay khoe. Đi đâu ông cũng khoe về làng mình. Trước CM, ông khoe cả cái sinh phần của viên tổng đốc người làng ông. Nhưng khi CM về, ông không hề nhắc đến cái cái sinh phần kia nữa. Trái lại ông còn thù nó nữa vì nó đã từng làm khổ ông và bao nhiêu người. Gìơ đây ông chỉ khoe làng Chợ Dầu hăng say tập luyện chiến đấu. Bất ngờ xảy ra; ông Hai nghe được tin làng Chợ Dầu của ông theo giặc. Sau khi nghe tin, ông đau đớn đến tột độ, suốt mấy ngày liền, không dám đi đâu. Trước đây ông muốn về làng, bây giờ ông lại sợ. Yêu làng là thế, nay ông thấy thù cái làng Chợ Dầu đã theo Tây. Đau đớn, ông không biết trò chuyện cùng ai, chỉ biết trò chuyện cùng thằng con trai. Nhưng rồi cái tin thất thiệt kia được cải chính. Nỗi đau biến mất. Ông Hai lại khoe làng. Ông lật đật đi nơi này, nơi khác, vừa khoe làng vừa múa tay lên với một niềm vui quá lớn. Ông khoe làng mình, nhà mình bị đốt…Điều đó cho thấy tình yêu làng, yêu nước mãnh liệt cảu ông Hai.

3. Nội dung:

Tình yêu làng ở ông Hai- n/v chính của truyện – được thể hiện một cách thật riêng biệt. Đó là cái tính khoe làng của ông với tất cả sự say sưa và hãnh diện. Ông cùng gia đình phải rời làng  tản cư, nhưng lúc nào ông còng nhớ về cái làng Chợ Dầu của mình. Tình cảm yêu làng yêu nước của ông Hai càng được bộc sâu sắc trong một tình huống đặc biệt: đó là khi ông đột ngột nhận được tin làng mình theo giặc. T/G đã miêu tả tinh tế  và sâu sắc diễn biến tâm trạng của ông Hai từ khi nghe được cái tin ấy. Nỗi đau xót và tủi hổ bao trùm trong lòng ông và cả gia đình ông sống trong tâm trạgn hết sức căng thẳng. Nhưng chính trong hoàn cảnh ấy, tình yêu làng và lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến ở người nông dân này lại càng được biểu hiện một cách chân thành và hết sức cảm động, đặc biệt là trong những lời tâm sự của ông với đứa con trai út.
Trong đoạn kết, khi cái tin làng Chợ Dầu của ông theo giặc được cải chính, tình yêu làng và tinh thần kháng chiến của ông Hai một lần nữa được thể hiện sinh động và chân thực trong nỗi mừng hả hê của ông mặc dù nhà ông bị giặc đốt nhẵn.

 4. Nghệ thuật:

Tác giả đã thành công trong việc xây dựng tình huống truyện, trong nghệ thuật miêu tả tâm lí và ngôn ngữ nhân vật. Truyện được trần thuật ở ngôi thứ ba nhưng chủ yếu theo điểm nhìn của nhân vật ông Hai

 5. Chủ đề:

Lòng yêu nước của người nông dân.

B. Nội dung cụ thể

1. Tình huống truyện :

Khi ở nơi tản cư, lúc nào ông Hai cũng da diết nhớ về làng và tự hào về nó thì bỗng nhiên ông nghe tin làng mình theo giặc. Chính tình huống ấy đã cho thấy lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến đã bao trùm và chi phối tình cảm quê hương ở ông, đồng thời làm bộc lộ sâu sắc và cảm động tinh thần yêu làng, yêu nước ở ông Hai.

2. Nhân vật ông Hai.

a. Là một người nông dân chất phác, hồn hậu, chân chất, yêu làng, quan tâm đến kháng chiến :
– Xa làng rồi nhớ làng, tính nết của ông có phần thay đổi. Ông ít nói cười, lầm lầm lì lì…Ông vô cùng đau khổ(cáu gắt với vợ con…).
– Nhưng vì hoàn cảnh gia đình neo bấn, vì vợ con thúc bách, cực chẳng đã, phải xa quê hương, ông tự an ủi : ” Thôi thì
chẳng ở lại làng cùng anh em được thì tản cư cũng là kháng chiến”.
– Đến nơi tản cư mới, ông luôn nhớ về cái làng của mình nên ông thường đến nhà hàng xóm để cởi mở giãi bày những suy nghĩ, tình cảm của mình về cái làng Chợ Dầu thân yêu, về cuộc kháng chiến của dân tộc.
    + Tối tối, ông thường đến gian nhà bác Thứ để nói chuyện về cái làng của mình. Ông kể về làng ” bằng một giọng say sưa “, ” vén quần lên tận bẹn ” mà kể, kể mà không cần biết có ai nghe không hay ” ông  chỉ kể cho sướng cái miệng…”
   + Ông kể về những ngày ở nhà tham gia cùng anh em đào hào, đắp ụ…  ” cũng đào cũng đắp, cũng hát hỏng bông phèng”
– Ông đi nghe báo, ông đi nghe nói chuyện, ông bàn tán về những sự kiện nổi bật của cuộc kháng chiến.

 b. Là một người yêu làng yêu nước. Ông yêu cái làng của mình như đứa con yêu mẹ.

– Ông hay khoe về làng với vẻ náo nức say mê
    + Trước CM ông khoe làng có cái sinh phần của viên tổng đốc một cách rất hả hê.
   + Sau CM, người ta không còn thấy ông khoe về cái sinh phần ấy nữa mà quay ra ghét nó, vì vì nó mà ông và bao anh em khác phải khổ, mà bây giờ ông phải đi tập tễnh…  ”  Xây cái lăng ấy cả làng phải phục dịch…”.(có sự thay đổi trong nhận thức)
  + Bây giờ ông khoe làng ông có tinh thần kháng chiến, tinh thần khởi nghĩa, ông khoe ông gia nhập phong trào từ hồi còn trong bóng tối, rồi những buổi tập quân sự, khoe những hố, những ụ, những giao thông hào của làng…
 + Cũng vì yêu làng mà ông nhất quyết không chịu rời làng đi tản cư. Đến khi phải đi, ông buồn khổ lắm, sinh ra hay bực bội.
– Ở nơi tản cư ông luôn nhớ về làng, nhớ những ngày cùng làm việc với anh em ” Ồ sao mà độ ấy vui thế. Ông thấy mình như trẻ ra…Trong lòng ông lão thấy náo nức hẳn lên…”Lúc này, niềm vui của ông là hàng ngày đi nghe tin tức thời sự kháng chiến và khoe về cái làng Chợ Dầu của ông đánh Tây.

 c. Ông Hai khi nghe tin làng theo giặc.

– Ông nghe được cái tin ấy từ miệng những người đàn bà tản cư(chú ý thái độ của những người này khi nói về chuyện làng ông theo giặc…)
     + Ông đang vui ” ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá “. Ông nhận được cái tin ấy như sét đánh ngang tai, cái tin đã làm ông điếng cả người : ” Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ…giọng lạc hẳn đi” ; ” Ông Hai cúi gằm mặt xuống mà đi” và nghĩ đến sự dè bỉu của bà chủ nhà. Ông như vừa bị mất một cái gì quí giá, thiêng liêng lắm.(Chú ý những câu văn miêu tả tâm trạng của ông thật xúc động :” Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông cứ giàn ra…chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư… ? ” Nỗi nhục nhã, mặc cảm  phản bội hành hạ ông đến khổ sở  ” Chao ôi ! Cực nhục chưa, cả làng làm Việt gian…”)
      + Suốt mấy ngày liền ông không ra khỏi nhà vì xấu hổ
– Ông rơi vào trạng thái bế tắc khi bà chủ nhà có ý đuổi đi chỉ vì họ là người của làng theo Tây. Gia đình ông ở vào tình
thế căng thẳng. Ông Hai phải đối mặt với tình thế khó khăn nhất.
– Tình thế khó khăn buộc ông phải lựa chọn. ” Hay là quay về làng” từ chỗ yêu làng tha thiết, lúc này ông đâm ra thù cái làng mình : ” Về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng lúc này là bỏ k/c, bỏ cụ Hồ…” và cuối cùng ông quyết định ” Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây rồi thì phải thù…” một lựa chọn dứt khoát càng làm rõ tình yêu làng yêu nước trong ông Hai.
   – Quá đau khổ không biết trò chuyện cùng ai, cuộc trò chuyện với thằng con út  đã giải quyết tạm thời tình thế của ông lúc đó….Những lời đáp của đứa con cũng là tâm huyết, gan ruột của ông, một người lấy danh dự của làng quê làm danh dự của chính mình, một người son sắt một lòng với k/c, với cụ Hồ. Những lời thốt ra từ miệng con trẻ như minh oan cho ông, chân thành và thiêng liêng.

 d. Ông Hai khi nghe tin cải chính :

– Ông là người sung sướng nhất, ông tươi vui rạng rỡ hẳn lên, ông đi mua quà cho con, mồm bỏm bẻm nhai trầu, ông lại đi khoe làng. Ông khoe nhà ông bị giặc đốt với một thái độ mừng rỡ vì đó là bằng chứng làng ông không theo Tây. ” chúng nó đốt nhà tôi rồi, đốt nhẵn” ”  toàn sai sự mục đích cả”…
  Đoạn cuối truyện đã làm cho chân dung nhân vật ông Hai trở nên sống động, đẹp đẽ hơn, tình yêu làng, yêu nước của ông thêm sâu sắc hơn.

  3. Nghệ thuật :

Khắc họa tâm lí nhân vật, ngôn ngữ đối thoại, độc thoại…làm nổi bật tâm trạng ông Hai.