Nỗi sầu oán của người cung nữ

Nỗi sầu oán của người cung nữ
(Trích "Cung oán ngâm khúc" – Nguyễn Gia Thiều)
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn
Viện Văn học 

 
Quê hương nhà thơ Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) ở thôn Liễu Ngạn, tổng Liễu Lâm, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc (nay thuộc xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), thuộc một trung tâm Phật giáo cổ, từ ngàn năm xưa vốn nổi danh với cái tên Luy Lâu, về sau trở thành đình tổ của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. 
 
Một điều cần chú ý là không khí thời đại đã tác động mạnh mẽ tới đời sống tâm linh của Nguyễn Gia Thiều. Bản thân ông sinh ra và lớn lên vào giai đoạn tàn suy của cuộc hôn phối chính trị vua Lê – chúa Trịnh, ngay sau đó là Lê – Tây Sơn và cuối cùng là sự khẳng định vương triều Tây Sơn – Nguyễn Huệ. Rõ ràng trong hoàn cảnh xã hội tao loạn, trăn trở tìm đường thì mọi nguồn sáng tư tưởng đều có thể được vận dụng, hoặc để công kích nhau, hoặc để tổng hợp, chuyển hoá tới một hình thức cao hơn, hoặc dung hoà mong tìm đến sự an bài về mặt tư tưởng… Sống trong giai đoạn các tư trào tư tưởng có biểu hiện tìm đường “đua tiếng”, nhà nghệ sĩ ưu thời mẫn thế Nguyễn Gia Thiều không thể không lựa chọn một lời hoà giải đời sống tâm linh theo cung cách của mình. Trong sự va động nhiều chiều, một nguồn tư tưởng cốt lõi đã hấp dẫn, tạo được sự đồng cảm sâu sắc nơi ông chính là Phật giáo. Xem xét toàn bộ tác phẩm Cung oán ngâm khúc sẽ thấy cảm quan Phật giáo bộc lộ trước hết ở tần số xuất hiện đậm đặc các từ ngữ, thuật ngữ phản ánh quan niệm đời sống nhà Phật như nước dương, lửa duyên, bể khổ, bến mê, bào ảnh, mối thất tình, tuồng ảo hoá, kiếp phù sinh, cơ thiền, cửa Phật, hoa đàm đuốc tuệ, túc trái, tiền nhân hậu quả… 
 
Ở đây, trong giới hạn cụ thể của đoạn trích Cung oán ngâm khúc (câu 209-244) trong sách Ngữ văn 10 – Nâng cao, Tập II (Nxb. Giáo dục, H, 2006) lại thấy Nguyễn Gia Thiều thể hiện sâu sắc tâm trạng người cung nữ đang cô đơn, thất vọng, chán chường đến tận cùng. Tâm trạng sầu oán đi từ cảm giác đơn độc trước thời gian tàn tạ, mênh mang "thức ngủ thu phong", "chiều ủ dột", "chiều nhạt vẻ thu", "giá đông", trống trải trước không gian "trong cung quế âm thầm chiếc bóng", "phòng tiêu lạnh ngắt như đồng", "thâm khuê vắng ngắt như tờ", "tin mong nhạn vắng", "tiếng lắng chuông rền", không còn tìm thấy đâu niềm vui trong cuộc sống đời thường "tranh biếng ngắm", "mắt buồn trông", "buồn mọi nỗi", "ngán trăm chiều" và dẫn đến nỗi niềm thương thân, trách giận số phận, trách giận thực tại: Hoa này bướm nỡ thờ ơ… Đang tay muốn dứt tơ hồng – Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra… 
 
Bên cạnh sự nhạy cảm với biểu tượng mùa thu thì bóng đêm cũng đã trở thành nỗi ám ảnh nặng nề, thê lương, ảm đạm trong tâm tư người cung nữ: 
 
– Đêm năm canh trông ngóng lần lần 
– Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ 
– Đêm năm canh, tiếng lắng chuông rền 
– Lạnh lùng thay giấc cô miên, 
– Mùi hương tịch mịch, bóng đèn thâm u. 
– Đã than với nguyệt lại rầu với hoa 
– Đêm năm canh lần nương vách quế, 
– Cái buồn này ai dễ giết nhau. 
 
Rõ ràng thời gian ở đây tự thân đã bao hàm nỗi cô đơn, trống vắng, thời gian chìm trong giấc ngủ cô đơn (hay giấc ngủ cô đơn chìm trong dòng thời gian lạnh lùng vô vọng), thời gian kết tụ không hề có hoạt động của con người mà chỉ là khung cảnh một bức tranh tĩnh vật Mùi hương tịch mịch, bóng đèn thâm u. Đặc điểm đó tạo nên tính đối lập sâu sắc giữa thời gian hiện tại và thời gian quá khứ, giữa hiện thực hôm nay và mơ tưởng về một thời xa xôi tạo nên những nghịch lý khi thấy thời gian qua nhanh – thời gian "vô cảm", khi khác lại thấy thời gian trôi quá chậm – thời gian "chết mòn". Toàn bộ những trạng thái cảm xúc về thời gian đó vừa mâu thuẫn vừa thống nhất với nhau bởi chúng là sản phẩm của cùng một hoàn cảnh, khác chăng là ở sự phân hoá các trạng thái tâm lý, tình cảm. Đến một mức độ nhất định, nội dung trữ tình đó đã thông qua sự cảm nhận về thời gian mà lên tiếng kết án kẻ đã dồn con người vào tình thế cô đơn, bế tắc, mất hết mọi nguồn vui: 
 
Đêm năm canh lần nương vách quế, 
Cái buồn này ai dễ giết nhau. 
Giết nhau chẳng cái lưu cầu, 
Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa! 
 
Trên phương diện nghệ thuật, cách thức cảm nhận và biểu hiện thời gian tâm trạng đặc biệt có ý nghĩa trong việc mô tả nỗi lòng người cung nữ và những nhận thức về xã hội, nhân sinh. Toàn bộ những khối mâu thuẫn đó đã được chuyển đổi thành nghịch lý trong sự biểu hiện thời gian tâm trạng, thời gian nghệ thuật: con người luôn mơ tưởng về quá khứ chứ không phải về tương lai; hy vọng về tương lai chỉ là vòng khép trở về với quá khứ, mong được như thời quá khứ. 
 
Trên tất cả là sự hiện hình tâm trạng con người cá nhân chỉ còn biết cô đơn sống với "chiếc bóng", "một mình", "hoa này", "cái buồn này", "xe thế này có dở dang không?", một cá nhân tự ý thức về "con người thừa", sự vô vọng, đánh mất bản ngã và nỗi buồn hàm chứa những nuối tiếc, bực dọc, day dứt, bất bình: 
 
– Một mình đứng tủi ngồi sầu, 
Đã than với nguyệt lại rầu với hoa. 
 
– Hoa này bướm nỡ thờ ơ, 
Để gầy bông thắm, để xơ nhị vàng. 
 
Có thể nói thêm rằng, thấp thoáng đằng sau tiếng nói bi kịch của người cung nữ là ý thức phản kháng, tố cáo chế độ cung nữ, mơ hồ nghĩ về quyền sống làm người, quyền được hưởng hạnh phúc và ước vọng một cuộc đổi thay: 
 
Đang tay muốn dứt tơ hồng, 
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra! 
 
Xét trên phương diện ngôn từ nghệ thuật, đoạn thơ sử dụng nhiều từ Hán Việt và điển tích khiến từng câu thơ trở nên hàm súc, uyên bác, trang trọng. Tác giả khai thác lối thơ song thất lục bát uyển chuyển, sinh động, tạo nên nhịp điệu gợi cảm, bâng khuâng man mác. Từng đôi câu thơ thất ngôn (bảy chữ) tạo nên thế đăng đối kết hợp với thể thơ lục bát truyền thống thường kết thúc ở câu thứ tám với những thanh bằng ngân vang, bâng khuâng, day dứt. Mặt khác, với đoạn thơ chỉ có 36 câu nhưng số lượng những tính từ thể hiện sắc thái tình cảm xuất hiện đậm đặc: âm thầm, lạnh ngắt, ủ dột, bâng khuâng, vẩn vơ, vắng ngắt, chiều nhạt, lạnh lùng, tịch mịch, thâm u, khắc khoải, ngẩn ngơ, thờ ơ… Tất cả những điều đó làm nên hình thức nghệ thuật mang âm hưởng buồn thương, phản ánh sâu sắc nỗi sầu oán của người cung nữ trước cuộc đời và sự ý thức về thân phận con người cá nhân, qua đó là khát vọng đòi quyền sống và sự khẳng định những giá trị nhân văn cao cả. 
 
Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều không chỉ là tác phẩm tiêu biểu bậc nhất cho thể loại ngâm khúc mà đồng thời cũng là tác phẩm xuất sắc trong nền văn học dân tộc giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX, có vị trí quan trọng trong chương trình giảng dạy từ bậc phổ thông tới ngành văn các trường cao đẳng và đại học. Viết Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều không chỉ viết riêng về cuộc đời bất hạnh của người cung nữ mà thông qua đó bộc lộ những phẫn uất, bất bình của mình trước xã hội đương thời. Tác phẩm Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều lớn lao bởi chính tác giả đã cảm nhận được nỗi đau của thời đại, gián tiếp phát hiện và khẳng định quyền được sống, được hưởng mọi hạnh phúc của người phụ nữ ngay giữa cuộc đời trần thế này. Có thể nói, ý nghĩa thanh lọc, ý nghĩa nhân bản của thi phẩm Cung oán ngâm khúc cũng ở chính sự hiện diện con người nhà thơ như một nhân cách lịch sử, một tâm trạng bi kịch, trở thành biểu tượng cho khát vọng nhân văn và những nỗi khắc khoải của cả một xã hội đang đòi hỏi cần được đổi thay, phát triển./.