Cách chữa bệnh cho trẻ không dùng kháng sinh (Phần 5- chữa Ho)

Chữa Ho
1. Cách lựa chọn bài thuốc chữa ho phù hợp.
Tại sao cùng một bài thuốc chữa ho mà con hàng xóm khỏi còn con nhà mình thì không?

Một trong những nguyên nhân chính là do cơ địa mỗi bé khác nhau. Có bé thể hàn, có bé thể nhiệt. Nếu bé thể hàn mà dùng thuốc chữa ho có tính hàn (diếp cá) thì sẽ rất lâu khỏi (bố mẹ không đợi được thành ra không có tác dụng). Ngược lại, nếu bé thể nhiệt mà dùng thuốc chữa ho tính nhiệt (mật ong gừng) thì cũng rất lâu khỏi.
Vậy việc đầu tiên khi cho bé uống thuốc là cần xác định bé có cơ địa thiên về nhiệt / chân nhiệt giả hàn hay hàn / chân hàn giả nhiệt.
Trong các tài liệu kinh điển Đông y, trạng thái Hàn-Nhiệt được xác định trên lâm sàng qua bảng “Tứ chẩn”
 
VỌNG [nhìn]: 
Sắc mặt… Trắng xanh là Hàn….Đỏ là Nhiệt
Nhưng gò má đỏ nhưng đỏ nhạt môi nhợt nhạt, mắt mệt mỏi, thần kém là Hàn; Sắc mặt hơi xạm nhưng đỏ môi hoặc khô, mắt sáng có thần là Nhiệt
Rêu lưỡi…. Trắng nhuận là Hàn…Khô vàng là Nhiệt
Nhưng lưỡi nhạt mà nhuận, rêu hơi vàng nhưng nhuận (ướt; mịn) là Hàn; Lưỡi thoáng nhìn thì nhạt nhưng phần rêu hồng đỏ, rêu vàng có gai, khô là Nhiệt;
Đờm…….Trắng trong là Hàn…..Vàng đặc là Nhiệt
Móng tay chân…….Xanh tím là Hàn……Bầm đỏ là Nhiệt
 
VĂN [nghe]: 
Nói khẽ, tiếng yếu ớt là Hàn…….Nói nhiều, tiếng to vang là Nhiệt
Thở nhẹ, hơi mát là Hàn ……… Thở mạnh, hơi nóng là Nhiệt
 
VẤN [hỏi] : 
Miệng …Không khát là Hàn….Khát là Nhiệt
Nhưng khát mà không đòi uống nước hoặc uống nước nóng là Hàn;
Thích đắp chăn, sợ rét là Hàn …….. Rét nhưng không thích đắp chăn là Nhiệt
Họng đau nhưng không sưng đỏ là Hàn………. Họng đau sưng đỏ là Nhiệt
Thích ăn uống……Nóng là Hàn……Mát là Nhiệt
Tiểu tiện………Trong, nhiều là Hàn…..Đỏ ít, vàng là Nhiệt
Đại tiện………Lỏng là Hàn………Táo bón là Nhiệt
 
THIẾT [sờ] : 
Mạch……Trì là Hàn………..Sác là Nhiệt (mạch trì thì chạm nhẹ vào mạch ở hõm dưới xương cổ tay không thấy đập)
Nhưng mạch Sác ấn mạnh lại không có lực là Hàn; Mạch trì, hoạt nhưng ấn mạnh vào có lực là Nhiệt.
Thân thể,tay chân……..Lạnh là Hàn……Ấm đều là Nhiệt
Nhưng chân tay sờ ban đầu nóng, lúc sau thấy lạnh là Hàn;
(Nguồn: 
   1. "Hàn Nhiệt trong y học cổ truyền – GS Hoàng Bảo Châu".
  2. " Châm cứu sau đại học " – GS. NGUYỄN TÀI THU & GS. TRẦN THÚY) 
 
2.Chữa ho bằng ngâm chân:
 
Ho không phải là bệnh tuy nhiên đây lại là phản ứng báo hiệu bé đang bị bệnh về đường hô hấp.
 
Trong phế quản và tiểu phế quản có các tế bào gây viêm và dịch nhầy có nhiệm vụ bảo vệ hệ hô hấp khi gặp các thay đổi từ môi trường như lạnh quá hay nóng quá. Như vậy, khi trẻ nhiễm lạnh thì các tế bào kích thích gây viêm để hạn chế khí lạnh vào, đồng thời dịch nhầy cũng tụ tập tại các ống tiểu phế quản ngay chỗ viêm để làm nhiệm vụ. Các màng nhầy sau khi rụng ra nằm kẹt ở các ống tiểu phế quản gây khó thở cho bé. Lúc này cơ thể có phản xạ ho để tổng các nút nhầy này ra ngoài.
 
Với logic như vậy thì việc xử lý bệnh của bé không phải là tìm cách giảm ho mà là xử lý việc bé bị nhiễm lạnh để các tế bào gây viêm và màng nhầy không làm tắc các ống tiểu phế quản nữa.
 
Trong nhiều bài thuốc đã sưu tầm, áp dụng thì tôi thấy bài thuốc ngâm chân bằng nước gừng cho bé là giải pháp an toàn, hiệu quả cao và dễ áp dụng.
 
Bài thuốc cụ thể như sau:
 
Bước 1: Lấy 1 củ gừng giã nát (50g), 1 nhúm muối hột (20g) cho vào 1 chậu nhựa, pha với 1 lít nước sôi rồi để nguội về khoảng 40 độ. Chậu nhựa nên chọn loại vừa hoặc nhỏ để nước ngâm ngập chân bé. Trong trường hợp chậu to thì phải nghiêng chậu hoặc tăng dung dịch lên theo tỷ lệ nói trên.
 
Bước 2: Ngâm chân bé vào chậu, dùng tay massage gan bàn chân cho bé. Ngón cái tì lên mu bàn chân của bé, các ngón còn lại bóp nhẹ vào gan bàn chân, đi dọc từ gót chân lên gần ngón chân. Cũng có thể dùng gừng massage vào lòng bàn chân của bé.
 
Gan bàn chân có huyệt Dũng Tuyền, đây là huyệt có tác dụng giải độc, thoát khí (nóng/lạnh) rất tốt cho cơ thể. Vì vậy, việc massge huyệt này có tác dụng làm cơ thể lấy lại cân bằng, giảm và hết nhiễm lạnh. Từ đó các tế bào gây viêm, màng nhầy sẽ không tập trung tại các ống tiểu phế quản nữa và giảm đờm, giảm ho.
 
Thời gian ngâm là 20 phút, vừa ngâm vừa thêm nước để duy trì độ ấm.
 
Bước 3: Sau khi ngâm chân xong, lấy khăn lau khô 2 bàn chân bé. Nếu bé dưới 1 tuổi và da nhạy cảm thì người lớn xoa dầu gió vào lòng bàn tay của mình trước rồi massage lại lên lòng bàn chân của bé. Nếu bé lớn hơn thì có thể nhỏ dầu gió trực tiếp vào gan bàn chân và massage nhẹ lòng bàn chân để dầu lan tỏa hết vào gan bàn chân sau đó đi tất mỏng cho bé.
 
Trong trường hợp bé ho nhiều thì có thể làm nhiều lần trong ngày, mỗi lần cách nhau 3-4 tiếng. Nếu bé mới ho, hoặc ho đã giảm thì mỗi ngày nên làm 1 lần trước khi đi ngủ cho đến khi hết ho.
Thông thường, việc xử lý ho theo biện pháp này chỉ cần 3-5 ngày là bé khỏi hẳn. Trong trường hợp ngâm chân như vậy mà bé vẫn còn ho nhiều thì bố mẹ nên cho con đi khám vì lúc đó khả năng cao không phải do bé ốm bình thường mà có thể mắc dị vật đường thở hoặc là ho đã lâu làm hệ hô hấp bị biến dạng v.v. cần can thiệp bằng Tây y.
 
Bài thuốc ngâm chân này hoàn toàn áp dụng được cho người lớn, chỉ cần tăng nhiệt độ nước cho phù hợp, thể tích dung dịch cần dùng và massage mạnh hơn là được.
 
Tham khảo thêm video hướng dẫn chi tiết trên youtube:
 
3.Chữa bằng nước gừng mật ong:
 
Do nhiều bé không thích ngâm chân nên để thay thế vấn đề này mình xin bổ sung thêm bài trị ho bằng cách uống nước gừng và mật ong, đây là bài thuốc dân gian đã được áp dụng từ lâu và cho kết quả tốt với các bạn bị ho do cơ thể bị nhiễm lạnh. Bài này rất thích hợp cho mùa đông và áp dụng cho trẻ từ 1 tuổi trở lên do mật ong không được dùng cho trẻ dưới 1 tuổi.
 
Mật ong có tính kháng khuẩn cao, giải độc và tăng sức đề kháng của cơ thể. Gừng có tác dụng làm ấm cơ thể, tiêu đờm, kháng chất gây dị ứng nên rất phù hợp chữa ho do nhiễm lạnh.
 
Bước 1: Chuẩn bị: 1 lạng gừng sống, rửa sạch, gọt vỏ; 1 lọ mật ong; 1 bộ cối giã gừng; 1 khăn xô; 1 cốc; 1 thìa.
 
Bước 2: Giã thật nhuyễn gừng để dễ vắt lấy nước. Cho gừng vừa giã vào cái khăn xô sau đó vắt lấy nước ra cốc.
 
Bước 3: Căn cứ vào mực nước gừng trong cốc để đổ mật ong vào với lượng bằng với lượng gừng (lượng mật ong khi đổ vào sẽ chìm ngay xuống đáy nên chỉ cần ngấn mật ong bằng ngấn nước gừng là được). Tuy nhiên, với trường hợp mới áp dụng bài này thì nên để tỷ lệ mật ong với gừng là 4 mật ong : 1 gừng : 4 nước ấm để bé làm quen dần và giảm dần tỉ lệ mật ong để tăng khả năng chữa bệnh cho bé. Bố mẹ có thể thử trước để đảm bảo nồng độ gừng không quá cay đối với bé, có thể chuẩn bị sẵn nước lọc cho bé uống nếu bé sợ cay.
 
Bước 4: khuấy đều cốc và cho bé uống, không cần hâm nóng vì nếu nóng quá mật ong sẽ bị giảm chất lượng. Mỗi ngày chỉ cần uống 2-3 thìa cafe là đủ và uống theo cách nhấm dần từng ít một chứ không nhất thiết phải uống hết cả thìa cùng một lúc.
 
Đối với người lớn thì uống nhiều hơn tùy vào mức độ ho nặng hay nhẹ. Thậm chí đi xa về bị lạnh hoặc trước khi ra ngoài cũng nên uống một chén nhỏ mật ong gừng để bảo vệ cơ thể.
 
4. Chữa bằng diếp cá (sưu tầm). 
 
Chữa ho bằng Rau diếp cá + nước gạo: Rau diếp cá (15 lá) rửa sạch, cho vào cối giã thật nhuyễn. Cho nước gạo (1 bát ăn cơm) cùng rau diếp cá vào đun sôi, rồi giảm lửa nhỏ. Sau đó đun tiếp trong khoảng 20 – 30 phút, thỉnh thoảng đảo cho rau nhừ đều. Bắc ra, để nguội, lọc lấy nước cho bé uống. Có thể cho thêm chút đường vào để bé dễ uống. Một ngày, các mẹ cho bé uống từ 2 – 3 lần, uống sau bữa ăn khoảng một giờ đồng hồ. Không nên uống trước hoặc sau bữa sữa của bé. Lý do là trong sữa có canxi, khi gặp kháng sinh sẽ phản ứng thành muối nên kháng sinh từ rau diếp cá sẽ không có tác dụng nhiều. Trong nước gạo có vitamin PP giúp làm sạch họng còn dau diếp cá là kháng sinh sẽ giúp chống viêm nhiễm họng và các cấu trúc amdian ở họng từ đó giảm dần ho. Theo phản hồi từ các mẹ thì uống khoảng 2, 3 ngày là sẽ thấy rõ hiệu quả. Bài này cũng áp dụng cho người lớn được, nhưng liều cho người lớn là 2 lạng diếp cá với 1 bát ô tô nước gạo các mẹ nhé. . Bài thuốc này có vị mát, nên dùng cho bé nóng trong người thì sẽ phù hợp hơn.
Bênh cạnh đó, diếp cá có tính tiêu viêm tốt nên cũng thích hợp để trị viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi.
 
5.Chữa bằng cải cúc:
Cải cúc có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, tính mát, được xem như một loại rau giúp khai vị làm ăn ngon, giúp tiêu hoá, trừ đờm, tán phong nhiệt.
Bài thuốc chữa ho trẻ em: Dùng lá Cải cúc thái nhỏ 6g, thêm ít mật ong, hấp vào nồi cho tiết nước ra, chia nhiều lần uống trong ngày.
 
6.Chữa bằng lá chanh và dây tơ hồng vàng:
 
Theo y học Tuệ tĩnh, lá chanh có vị đắng, tính bình, có tác dụng giải nhiệt, thông can khí, tiêu thũng, tán độc và hoạt huyết, khỏi ho, tiêu thực. Lá Chanh được dùng làm gia vị và cũng được dùng làm thuốc trị sốt rét dai dẳng, cảm cúm, hen phế quản, ho gà và trị bệnh ngoài da, rắn cắn. Dây tơ hồng vàng có vị ngọt đắng, tính bình, không độc. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, lợi thủy, giải độc. Dùng chữa thổ huyết, nục huyết, huyết băng, lâm trọc, đới hạ, lỵ tật, hoàng đản, ung nhọt, rôm sảy… 
 
Bài thuốc trị ho, hen phế quản như sau:
 
Bước 1: Lá chanh 30g, dây tơ hồng vàng 30g, tất cả rửa sạch, sao vàng, hạ thổ (đổ ra vải trên nền đất). 
Bước 2: Đổ nguyên liệu vào đun với ba bát (bát ăn cơm) nước, sắc còn 1 bát. 
Ngày uống 2, 3 lần, mỗi lần uống 1 bát. Uống 5-6 ngày thì khỏi. 
Mỗi bát nước tương đương với 200ml nước, vì vậy bài này áp dụng lượng đủ cho trẻ trên 2 tuổi. Trẻ dưới 2 tuổi thì áp dụng mỗi lần bằng 1 bữa sữa. Trẻ dưới 1 tuổi (hiếm khi bị kết luận hen phế khoản) thì dùng mỗi lần bằng số tháng x 1 thìa cafe thuốc. 
 
Lá chanh thì rất dễ kiếm, dây tơ hồng vàng mọi người có thể hỏi nhà nào ở quê sẽ có, nó hay mọc trên bờ rào, hoặc ở trên ruộng cúc tần. Cần phân biệt tơ hồng có 2 loại là tơ hồng vàng và tơ hồng xanh, ở trong bài thuốc này là dùng tơ hồng vàng. 
Đây là bài thuốc sưu tầm trong dân gian, về mặt khoa học chứng minh thì không có nhưng về y học thực nghiệm thì là rất tốt. . 
Bài này cũng có thể dùng trị ho không phân biệt nguyên nhân vì bài thuốc có tính bình. 
 
7. Chữa ho đờm kéo khò khè bằng hoa hướng dương.
 
Theo y học Tuệ Tĩnh, hướng dương có vị ngọt, tính bình, không độc: có tác dụng tiêu viêm, chống ho, lợi tiểu, giảm đau. 
Bài thuốc trị ho đờm kéo khò khè:
Hoa dướng dương 1 đóa rửa sạch, bỏ hạt, chỉ lấy đài và cách hoa. (trọng lượng khoảng 100-150g). 
Bỏ hoa đã làm sạch vào nồi với 400ml nước và 1 thìa canh đường phèn (có thể tùy chỉnh đường phèn cho độ ngọt dịu). 
Đun sôi để nhỏ lửa thêm 10p, để nguội, chắt nước, uống ngày 2-3 lần tùy vào thể trạng mỗi bé. Nếu bé dưới 1 tuổi thì mỗi tháng tuổi tính bằng 1 thìa cafe cho 1 lần uống, trên 1 tuổi uống 20ml-30ml/lần. 2 tuổi uống 50ml/lần; 3 tuổi uống 100ml/lần. 
Uống trong 3 ngày liên tiếp.
 
Bài thuốc dùng chữa viêm phổi thể phong hàn( Chữa bằng vỏ cam tươi)
 
Biểu hiện: sốt, ho sợ rét, không có mồ hôi, ho nặng tiếng, cổ có đờm, khó thở, cánh mũi phập phồng, miệng không khát, ăn kém, rêu lưỡi trắng). 
Vỏ cam tươi: 20g, rửa sạch, lấy phần vỏ phía ngoài và một ít thịt trắng. 
Tía tô tươi: 20g, rửa sạch. 
Gừng tươi: 05g để nguyên vỏ rửa sạch đập dập. 
Tất cả đun với 400ml nước còn 150ml. Uống khi còn ấm. Đây là liều cho trẻ 3 tuổi. Ngày dùng 2 lần sau ăn sáng, tối. Trẻ dưới 1 tuổi dùng mỗi tháng tuổi 1 thìa cafe, trẻ trên 1 tuổi dùng 30-50ml. Trẻ trên 2 tuổi dùng 100ml. 
Bài thuốc dùng trong 3-5 ngày tùy mức độ tiến triển của bệnh. 
Lưu ý trong trường hợp trẻ vẫn sốt cao, hơi thở trên 60 lần với trẻ dưới 6 tháng tuổi, trên 50 lần với trẻ dưới 1 tuổi và trên 40 lần với trẻ trên 1 tuổi thì nên cho đi viện để xử lý cấp tính. 
Theo Đông Y: 
Vỏ cam/quýt/quất có vị đắng, cay, tính ấm tác dụng vào tỳ (lá lách), phế (phổi). Tác dụng tiêu đờm trị ho. 
Tía tô vị cay, tính ấm, cũng tác dụng vào tỳ (lá lách), phế (phổi). Có tác dụng phát tán phong hàn (khí lạnh; trị cảm lạnh), tiêu đờm trị ho.
Gừng vị cay tính nóng tác dụng vào tỳ (lá lách), phế (phổi), vị (dạ dày). Có tác dụng phát tán phong hàn (khí lạnh; trị cảm lạnh), tiêu đờm trị ho. 
Trong trường hợp trẻ bị nặng hơn, viêm phổi lâu ngày chuyển sang thể phế hư sắc mặt trắng bệch, khó thở, trán có mồ hôi, hai mắt không có thần, người gầy còm, chân lạnh, đại tiện lỏng) thì có thể cho thêm lá hẹ vào bài thuốc: Lá hẹ 10g. Lá hẹ vị cay ngọt, tính ấm có tác dụng điều hòa khí huyết, trị đờm kéo gây suyễn (thở co vai; đầu gật gù).
 
 Bài thuốc dùng chữa viêm phổi thể phong nhiệt
Biểu hiện: sốt cao sợ gió, thở nhanh gấp, mũi phập phồng, ho đờm vàng, ra mồ hôi ít, mặt đỏ, môi hồng, họng khô, miệng khát, nước tiểu đỏ ít, lưỡi khô rêu vàng. 
Diếp cá: 20g, rửa sạch. 
Lá dâu: 20g, rửa sạch. 
2 loại lá này đun với 400ml còn 150ml. Để nguội. 
Vị thứ 3: Trúc lịch: 5ml. (Kiếm cây tre non đường kính tầm 2-3cm, chặt 1 đoạn 1m, rửa sạch, lau khô, để 1 đầu thấp hướng vào lọ, lấy lửa đốt ở đoạn thân giữa cho nước chảy ra là thu được Trúc lịch). 
Sau khi thu được Trúc lịch thì hòa với nước đun rau diếp cá, lá dâu (đã nguội) để uống. 
Đây là liều cho trẻ 3 tuổi. Ngày dùng 2 lần sau ăn sáng, trưa. Trẻ dưới 1 tuổi dùng mỗi tháng tuổi 1 thìa cafe, trẻ trên 1 tuổi dùng 30-50ml. Trẻ trên 2 tuổi dùng 100ml. 
Bài thuốc dùng trong 3-5 ngày tùy mức độ tiến triển của bệnh. 
Lưu ý trong trường hợp trẻ vẫn sốt cao, hơi thở trên 60 lần với trẻ dưới 6 tháng tuổi, trên 50 lần với trẻ dưới 1 tuổi và trên 40 lần với trẻ trên 1 tuổi thì nên cho đi viện để xử lý cấp tính. 
Theo Đông Y:
Trúc lịch có vị ngọt, tính cực lạnh (đại hàn) có tác dụng tiêu đờm ứ đọng tại phổi dẫn đến ho, khó thở. 
Lá dâu có vị ngọt, đắng tính lạnh có tác dụng vào can(gan), phế (phổi), thận. Trị cảm nhiệt (miệng khát; sốt cao; đau đầu; ho khan), mát phổi trị ho. 
Diếp cá vị cay, chua tính lạnh, tác dụng vào phế (phổi), đại tràng và bàng quang. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. 
Trong trường hợp trẻ bị nặng hơn, viêm phổi lâu ngày chuyển sang thể đờm nhiệt (khó thở nhiều, sốt cao, phiền táo, thở gấp, cánh mũi phập phồng, sắc mặt xanh, khò khè suyễn, nặng nữa có thể hôn mê, co giật, gáy cứng, nước tiểu vàng ít, táo bón, chất lưỡi đỏ, rêu vàng) thì có thể tăng liều dùng Trúc lịch từ 5ml lên 10ml.