Cách chữa bệnh cho trẻ không dùng kháng sinh (Phần 8 – Chữa ra mồ hôi)

Trị mồ hôi trộm
Dân gian thường gọi hiện tượng bé toát mồ hôi nhiều vào ban đêm là đổ mồ hôi trộm.

 
Người lớn thường thấy trẻ toát mồ hôi nhiều (đôi khi ướt cả áo, cả gối, tóc bết lại) so với mình nên nghĩ rằng bé đang bị bệnh. Và đa số người được hỏi đều nhận định rằng trẻ con toát mồ hôi nhiều là do thiếu canxi (kể cả bác sỹ). Tuy nhiên, có một số vấn đề cần phải xem xét lại như sau:
 
Thứ nhất, mọi người đều đồng ý cơ thể trẻ nhỏ phát triển rất nhanh trong những năm đầu đời. Đặc biệt, não trẻ sẽ tiết ra kích thích tố tăng trưởng khi ngủ. Khi trong cơ thể có phản ứng trao đổi chất nhanh như vậy thì việc đào thải chất qua da cũng nhanh hơn chứ không như người lớn và thân nhiệt trẻ con sẽ cao hơn người lớn. Do đó, trẻ con lúc ngủ toát mồ hôi nhiều hơn người lớn là điều đương nhiên.
 
Thứ hai, chính vì thân nhiệt trẻ con cao hơn nên khi người lớn áp dụng nhiệt độ phòng phù hợp với mình thì đối với trẻ con lại là nóng. Điều này được thể hiện rõ hơn khi trẻ lớn, chúng thường nằm bật quạt mà không cần chăn, trong khi người lớn phải đắp chăn kín khi nằm cùng với trẻ và chịu đựng nhiệt độ mà trẻ thích. Ngược lại, khi trẻ nhỏ, chúng không phản ứng được thì phải chịu nhiệt độ mà người lớn thích. Và khi trẻ nóng do môi trường bên ngoài tác động thì đương nhiên mồ hôi cũng phải toát ra để cơ thể có sự cân bằng.
 
Thứ ba, trong 1 lít mồ hôi có chứa 0,015g Canxi, vì vậy mà khi trẻ toát mồ hôi thì cũng bị thất thoát một lượng Canxi nhất định. Trẻ toát mồ hôi càng nhiều thì lượng Canxi tiêu hao càng lớn. Canxi đối với cơ thể bé là rất quan trọng bởi nó đóng vai trò chỉ huy quá trình phản ứng miễn dịch và truyền dẫn thần kinh. Nếu hệ miễn dịch của bé suy giảm thì bé hay bị bệnh, nếu hoạt động truyền dẫn thần kinh bị ức chế thì trẻ hay bị kích động, dễ nổi cáu và mất tập trung. Đối với giấc ngủ của bé bị thiếu Canxi thì hay quấy khóc, ngủ không yên và hay lăn qua lăn lại. Việc lăn qua lại này sẽ khiến phần tóc gáy va chạm nhiều với gối gây ra hiện tượng rụng tóc mà các cụ vẫn thường gọi là “Vành khăn”.
 
Như vậy, khi trẻ toát mồ hôi nhiều, việc cho trẻ uống bổ sung vitamin D, Canxi có thể giúp cơ thể có thêm Canxi để tăng cường hệ miễn dịch, hệ thần kinh được thông suốt và bé ít quấy khóc, bớt ốm. Nhưng điều này không xử lý được gốc rễ của vấn đề. Bằng chứng là các bé sau một thời gian ngừng uống thuốc (lượng Canxi giảm) thì mồ hôi trộm lại tái phát và lại uống thuốc.
 
Vậy giải pháp phù hợp ở đây rõ ràng không phải là việc bổ sung vitamin D hay Canxi mà chỉ đơn giản là giảm nhiệt độ cơ thể bé bằng cách giảm nhiệt độ phòng (giảm nhiệt độ điều hòa xuống mức 27-28 độ hoặc dùng quạt quay tạo thoáng) và giảm bớt độ dầy của bộ quần áo mà bé mặc khi ngủ. Tất nhiên, để tạo sự cân bằng thì vẫn chấp nhận một chỗ có thể nóng đó là đôi bàn chân của bé phải được đi tất trong mùa đông và các đợt bé bị ốm như ho, sổ mũi. Bên cạnh đó, người lớn cũng cần chấp nhận thực tế bé sẽ toát mồ hôi nhiều hơn mình để không phải lo lắng quá mà tạo ra tâm lý căng thẳng cho cả gia đình.

 

Trị bằng là lốt
 
Lá lốt có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng ôn trung tán hàn, hạ khí, chỉ thống. Dùng trị phong hàn thấp, tay chân lạnh, tê bại, rối loạn tiêu hoá, nôn mửa, đầy hơi, sình bụng, đau bụng ỉa chảy, thận và bàng quang lạnh, đau răng, đau đầu, chảy nước mũi hôi. (Y học Tuệ Tĩnh)
Bài trị bệnh ra mồ hôi chân, tay do GS.TS Dương Trọng Hiếu phổ biến:
Để trị chứng ra mồ hôi chân tay bằng lá lốt, ta tiến hành những bước như sau: 
– Bước 1: Rửa sạch và cắt nhỏ 30 gam lá lốt tươi.
– Bước 2: Cho lá lốt vừa cắt vào nồi cùng 1 lít nước sạch.
– Bước 3: Đun sôi, cho thêm ít muối vào nồi.
– Bước 4: Để nước ấm sau đó ngâm tay và ngâm chân vào.
Làm thường xuyên mỗi ngày một lần trước khi đi ngủ. Mỗi lần ngâm từ 10 đến 15 phút Làm 1 tuần liên tiếp, nghỉ 1 tuần và làm tiếp 1 tuần nữa.
Lưu ý: Lá lốt tính nóng nên khi các mẹ dùng cho bé cần test thử một hôm xem da bé có dị ứng với lá lốt không, nên dùng cho bé ngoài 6 tháng thì an toàn hơn. Người lớn thì có thể dùng nước đó uống thay vì ngâm chân, tay.