BÁC ƠI – Tố Hữu
– “Bác ơi” là bài thơ viết về đề tài lãnh tụ. Ngày 2/9/1969, một sự kiện lớn đã xảy ra Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ trần vĩnh biệt Người “ Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” nhiều nhà thơ, thậm chí cả những người chưa từng làm thơ bao giờ cũng làm thơ khóc Bác, trong đó có bài “Bác ơi” của Tố Hữu rất cảm động. Bài thơ như một tiếng khóc tiễn biệt, một “điếu văn bi hùng” bằng thơ. Thông qua tiếng khóc đau xót, bài thơ đã khắc hoạ hình tượng Bác Hồ. Một con người sống có lí tưởng cao cả, giàu tình nhân ái, ân nghĩa, sống khiêm tốn, giản dị và quên mình. Đồng thời bài thơ còn là sự bày tỏ tình cảm của mọi người Việt Nam trước sự ra đi của Bác.
2. Hình thức nghệ thuật
Tố Hữu là nhà thơ của lẽ sống lớn, của những tình cảm lớn, là nhà thơ tiêu biểu cho khuynh hướng trữ tình chính trị. Bài thơ “Bác ơi” tiêu biểu cho cảm hứng lãng mạn cách mạng, với giọng điệu trữ tình đặc trưng, ngọt ngào tha thiết của tình thương mến, Tố Hữu cất lên tiếng thơ bi hùng tràn đầy nỗi đau xót, tiếc thương vô hạn trước sự kiện Bác Hồ qua đời nhưng cũng rất tự hào. Trong niềm đau thương lớn, nhà thơ đã cảm nhận chính xác và thấu hiểu phẩm chất đạo đức cao cả, tuyệt vời trong sáng của Bác Hồ. Bài thơ khép lại bằng cảm nghĩ của mọi người Việt Nam trước sự ra đi của Bác. Bài thơ có kết cấu ba phần rất rõ ràng.
Nghệ thuật biểu hiện của bài thơ đậm đà bản sắc dân tộc. Bài thơ được viết theo thể thơ có tám tiếng, có nhiều hình ảnh so sánh, phép chuyển nghĩa quen thuộc với tâm hồn người Việt, đồng thời những câu thơ ấy cũng đạt đến sự cô đúc, chính xác và giản dị như một chân lí:
Ôm cả non sông, mọi kiếp người.
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Bác đã lên đường theo tổ tiên…
II. Luyện tập
Câu 1. Phân tích 4 khổ thơ đầu để thấy được nghệ thuật diễn tả nỗi đau xót lớn lao trước sự kiện Bác Hồ qua đời.
GỢI Ý:
1. Bác Hồ là một đề tài, nguồn cảm hứng lớn trong nhiều chặng đường sáng tác của Tố Hữu. “Bác ơi” là một tác phẩm xuất sắc viết về Bác Hồ trong tập thơ “Ra trận”.
Bài thơ được viết khi lãnh tụ của Đảng và dân tộc ta là Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa qua đời. Bài thơ là lời khóc Bác bằng thơ, bộc lộ nỗi đau xót, tiếc thương tràn đầy.
2. Nỗi đau xót: mở đầu bài thơ Tố Hữu tái hiện lại khung cảnh những ngày Bác mất :
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…”
Khung cảnh thực nhưng có ý nghĩa tượng trưng. Cả dân tộc đau xót khóc Bác, trời đất tạo vật cũng sụt sùi tiếc thương một con người – tinh hoa của dân tộc, tinh hoa của đất trời.
– Nỗi đau xót được diễn tả bằng hình ảnh biểu thị động tác có sức gợi tả tâm trạng: Chạy về thăm Bác, lần theo lối sỏi quen, đến bên thang gác, đứng nhìn lên…
– Nỗi đau xót được diễn tả bằn cách nói giảm: về thăm Bác, Bác đã đi rồi sao.
– Nỗi đau xót được diễn tả bằng hình ảnh thực tại trong cảm nhận của nhà thơ:
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!
– Nỗi đau xót thể hiện bằng liên tưởng:
Miền Nam đang thắng mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm thấy Bác cười.
3- Tâm trạng đau đớn tới thảng thốt, không tin ở cái tin sét đánh phũ phàng kia. Dường như không còn Bác, cũng không nên tồn tại những gì là thơm ngọt, đẹp đẽ. Bác ra đi đồng nghĩa với lạnh, lặng, tắt… tâm trạng đau đớn đến tột cùng. Bác ra đi, trong khi đó ở ngoài kia đang là trời đầu thu, đang là chiến thắng và hi vọng. Khung cảnh và lòng người trở nên tương phản, đối lập, gợi bao nỗi day dứt về tính chất phi lí, không thể chấp nhận được của sự mất mát. Cuộc đời càng đẹp đẽ, hấp dẫn thì sự ra đi của Bác càng gợi bao đau xót, nhức nhối tâm can.
Câu 2. Hình tượng Bác Hồ được Tố Hữu tái hiện trong bài thơ (6 khổ thơ giữa).
GỢI Ý :
1. Viết về Bác Hồ, với Tố Hữu là xây dựng hình tượng con người Việt Nam đẹp nhất, tiêu biểu nhất, kết tinh phẩm chất dân tộc qua nhiều thời đại.
2. Hình tượng Bác Hồ:
– Con người có lí tưởng và lẽ sống cao cả: lí tưởng giải phóng dân tộc, lí tưởng độc lập tự do vì thế, lẽ sống của Bác là sống bằng tình thương, luôn lo cho dân nước:
Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu,
Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
Cho hôm nay và cho mai sau…
Cách điệp ngữ dưới nhiều hình thức để chúng khắc sâu vào tâm khảm người đọc, người nghe. Lời điệp trong thơ Tố Hữu luôn xoáy vào các nốt nhạc chủ âm của tư tưởng và tâm hồn.
Hai câu trên nói về nỗi đau, nỗi đau được chia cho “nỗi đau dân nước”, nỗi “năm châu”. Hai câu sau nói về nỗi lo, nỗi lo cũng được chia ra, lo “hôm nay” và lo “mai sau”. Nỗi đau, nỗi lo vừa là biểu hiện của lẽ sống, vừa là biểu hiện của tình thương.
– Tình thương của Bác được diễn tả bằng hình ảnh thơ có chứa sức gợi lớn lao:
Ôm cả non sông , mọi kiếp người”
Tình thương ấy gắn liền với tình yêu, ân nghĩa như song sinh. Bác Hồ yêu nhân dân bằng thứ tình cảm trong trẻo như không khí, trời xanh, ân nghĩa như cơm ăn, áo mặc, ấm cúng như máu mủ ruột rà.
Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già.
Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha
Hình ảnh ví von trong thơ Tố Hữu rất tiêu biểu cho tư duy thơ của ông. Ví von không làm cho sự vật, con người cụ thể hơn mà là khái quát hơn, cao hơn, trừu tượng hơn và bóng bảy hơn.
– Niềm vui của Bác gắn với niềm vui của dân tộc với những chiến công để đi gần tới hoà bình, độc lập, tự do, gắn với niềm vui của thiên nhiên cây trái, cuộc sống tạo vật, con người.
– Bác Hồ sống khiêm tốn, giản dị và hi sinh quên mình.
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
Cách lập ý biểu cảm trong những hình ảnh thơ này là phép tương phản. Sự tương phản đều xoáy vào sự đối lập của các ý thức xã hội. Tương phản trong đoạn thơ không chỉ xây dựng trên sự liên tưởng của các hình ảnh đối lập mà còn mang hình thức tư duy, lập luận, rõ ràng. Yếu tố lôgíc nổi lên, nằm cùng dãy với yếu tố hình tượng làm câu thơ mang tính chất hùng biện mạnh mẽ.
+ Tương phản thứ nhất: Nâng niu tất cả/ chỉ quên mình là tương phản giữa số lượng tất cả/chỉ để thể hiện sự thống nhất trong tính cách, phẩm chất đạo đức của Bác: tình thương là cơ sở của lẽ sống, là thước đo phẩm giá, đạo đức con người.
+ Tương phản thứ hai: áo vải /hồn muôn trượng. Đó là tương phản về vật chất và tinh thần, biểu hiện của thanh và tục, cái cao cả và cái thấp hèn. Hình ảnh thơ trên đã biểu thị cái ưu thế tuyệt đối của tinh thần so với vật chất. Vật chất rất đơn sơ giản dị, tương phản với tâm hồn cao cả bất diệt, thể hiện một chất thơ vượt lên tồn tại vật chất, thể hiện sự khiêm tốn, giản dị trong vật chất, giá trị sống của con người Bác Hồ.
3. Tái hiện lại hình tượng Bác Hồ, Tố Hữu đã dựng lại chân dung tinh thần của Bác Hồ với quan niệm con người thiên nhiên, chân dung Bác chẳng những được tái hiện gắn bó làm một với cây cỏ, trời mây, sông núi Việt Nam, hơn thế Bác còn là hiện thân cho lẽ sống tự nhiên của trời đất Việt Nam: “Bác sống như trời đất của ta”. Tâm hồn Bác “mênh mông”, “ôm cả non sông mọi kiếp người”. Tình cảm của Bác là thứ tình cảm tự nhiên của cha mẹ với con cái, tình cảm gia đình. Bác “lo muôn mối như lòng mẹ”, “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà. Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”, “Bác vui như ánh buổi bình minh”…
Hình tượng Bác Hồ thật vĩ đại mà gần gũi với mỗi người dân Việt qua tiếng thơ Tố Hữu.
III. Tham khảo văn bản cảm thụ: Bác ơi
* Phân tích:
Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”
Chiều ngày 2/9/1969, khi nghe tin Bác mất, Tố Hữu đang điều trị ở bệnh viện, vội trở về, tìm đến ngôi nhà sàn của Bác lặng lẽ dưới mưa. Trở về, Tố Hữu viết “suốt cả đêm ấy cho vơi nỗi buồn”. “Bác ơi” được viết ngay sau sự kiện đau thương của dân tộc. Bài thơ là tiếng khóc, tiếng tiếc thương và là bản hùng ca, ca ngợi nhân cách, công lao, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài thơ có mười ba khổ, đoạn phân tích là khổ thứ mười ca ngợi cuộc đời trong sáng, cao đẹp của Bác Hồ.
Bác Hồ không còn nữa. Dân tộc ta mất đi một người Cha già, cách mạng Việt Nam mất đi một vị lãnh tụ. Đau thương nào lớn hơn? Tố Hữu với cái buồn đau vô hạn ấy đã thể hiện lòng vô cùng yêu qúy Bác bằng những vần thơ khóc thương và ca ngợi. Suốt cuộc đời Bác, Bác dành tất cả tình thương cho nhân dân quên mình vì lí tưởng độc lập dân tộc. Tố Hữu đã đúc kết vào trong suy nghĩ của mình bao điều ông từng chiêm nghiệm về Người.
Mở đầu khổ thơ: “Bác để tình thương cho chúng con”, đó là một ý thơ được lấy từ một ý trong Di chúc của Bác: “cuối đời tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn thể đồng bào”. Câu thơ ca ngợi tình nhân ái bao la của lãnh tụ Hồ Chí Minh với toàn thể nhân dân. Trái tim Người thật mênh mông, khiến cho Người không giây phút nào được thảnh thơi: lo dân, lo nước, thương nhân loại năm châu, thương mọi kiếp người nô lệ, thương Miền Nam còn trong tay giặc. Không phải chỉ thương suông mà thương đi liền với lo, lo cho tất cả lại lo riêng cho mỗi kiếp người cụ thể: “Sữa để em thơ, lụa tặng già”. Tình thương của Bác bao trùm cả không gian, thời gian “cho hôm nay và cho mai sau”, bao trùm cả thiên nhiên cây cỏ, chia sẻ đến “từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa”. Suốt đời Bác thương nước, thương đời trong lúc thức và trong cả những cơn mơ. Nói về tình thương của Bác, Tố Hữu nói bằng giọng thơ thật giản dị và với cách xưng hô: “Bác”, “chúng con” đã thể hiện sự thân mật, gắn bó giữa nhân dân và lãnh tụ.
Sinh thời, tâm tư tình cảm của Người chỉ biết dành cho tất cả, lo cho tất cả, mà không nghĩ đến bản thân mình. Lúc ra đi vẫn bộ quần áo ka ki giản dị, không một tấm huy chương, huân chương trên ngực. Đúng là “một đời thanh bạch chẳng vàng son”. Câu thơ ca ngợi lối sống thanh bạch, nhân cách trong sáng của Bác. Tác giả dùng chữ “thanh bạch” đối lập với chữ “vàng son” đặt trong câu thơ nhằm đối lập giữa cuộc sống thật của Bác (người đứng đầu Đảng và Nhà nước XHCN) với cuộc sống xa hoa của một số bậc vua chúa phong kiến trước đây. Bác sống một cuộc sống thanh bạch, giản dị, từ chối mọi hư danh.
Đứng trước cái chết, ai cũng vậy dường như đều muốn trở thành nhà triết học. Những lúc ấy trong đầu óc thường nảy ra những ý nghĩ có tính chất tổng kết về một đời người, một kiếp người. Ta hiểu vì sao trong bài “Bác ơi” có thể tìm thấy những ý nghĩ khái quát sâu sắc của Tố Hữu về bản chất con người Bác. Và câu thơ trên là một chiêm nghiệm về Bác của Tố Hữu.
Tiếp theo câu “mong manh áo vải hồn muôn trượng” là câu thơ ca ngợi về lối sống giản dị khiêm nhường của Bác, đồng thời cũng đề cao sự vĩ đại cao đẹp trong tâm hồn Người. Ở Bác luôn có sự thống nhất, hài hoà giữa hai phẩm chất: bình thường mà vĩ đại, dung dị mà thiêng liêng. Để diễn tả điều đó, Tố Hữu đã dùng hai hình ảnh rất đạt: “áo vải” và “hồn muôn trượng” để diễn tả sự khẳng định. Một con người luôn khiêm nhường mà luôn vĩ đại cao cả, từ lời nói đến hành động. Bác nói “cán bộ là đầy tớ của nhân dân” và đã lo cái lo của nhân dân, cũng từng nhịn bữa góp gạo kháng chiến. Trước khi Người vội đi xa, Người còn muốn nghe những làn điệu dân ca mọi miền, trong đó có dân ca miền Trung – cái nôi làng Sen quê hương Bác mãi là tinh hoa văn hoá của dân tộc.
“Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” bằng nghệ thuật so sánh, tác giả khẳng định sự bất hủ của các giá trị tinh thần mà Bác để lại cho dân tộc. Ở đây có hình ảnh “tượng đồng phơi những lối mòn”, những bức tượng đồng nhằm lưu danh các vĩ nhân đặt tại các vườn hoa, khu kỉ niệm, nơi thường có nhiều người qua lại, chiêm ngưỡng. Bác Hồ của chúng ta như ẩn mình đi, rất khiêm nhường nhưng vẫn hơn “tượng đồng phơi những lối mòn”. Lời tổng kết về một nhân vật vĩ đại như Bác Hồ không thể không bao hàm sự liên tưởng so sánh với những tên tuổi khác. Tác giả muốn đúc tượng đồng bia đá để trở thành bất tử. Sinh thời, Bác không thích tượng đồng bia đá, không nhận bất cứ huân huy chương nào. Nhưng “mong manh áo vải hồn muôn trượng”, Người sẽ sống mãi trong lòng dân tộc, hơn những ai đó tượng đồng bia đá đúc mà không người viếng thăm để chúng phải “phơi” mặt bên “những lối mòn” vắng vẻ.
Tác giả đã thay mặt chúng ta dựng tượng đá Bác bằng thơ trong lòng mỗi người dân nước Việt. Chúng ta hứa nguyện xứng đáng với Bác, quyết tâm làm theo Di chúc của Bác, tiến bước theo con đường của Người.
Xem thêm: