Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, từ thời mông muội xa xưa cho tới nay, văn học đã xuất hiện và gắn bó với con người như một sự trợ giúp linh hồn, gửi gắm những ước mơ khát vọng.
Sử thi, loại hình văn học hình thành ngay trong buổi đầu của đời sống cộng đồng cũng không nằm ngoài vai trò này. Nhân vật trung tâm là những con người mang tầm vóc lớn lao, phi thương mà cũng rất gần gũi, thân quen. Khi đối mặt với kẻ thù, họ anh dũng vô song nhưng khi đối mặt với người yêu dấu cũng lại có những say mê, giận hờn, nghi hoặc… Đoạn trích Ra-ma buộc tội trong sử thi Ra-ma-ya-na là một minh chứng. Nội dung đoạn trích tập trung vào sự ghen tuông và ngờ vực của Ra-ma song thành công hơn cả là khắc hoạ được những đợt sóng lòng, tâm trạng nàng Xi-ta trước cơn bão tố của người chồng.
Như bao người phụ nữ cao quí trên đời, Xi-ta yêu chồng và hết mực thuỷ chung. Tài sắc tuyệt thế giai nhân, lớn lên trong vương giả. Song vì chồng mà không ngại gian nan, mười bốn năm lưu đày vẫn được xem là hạnh phúc bên người chồng dấu yêu. Khó khăn sắp qua đi thì sóng gió lại ập đến. Dường như thần linh còn muốn thử thách người con gái của mình. Bị quỷ vương Ra-va-na bắt đi, nàng vẫn một lòng son sắt, không để linh hồn và thân xác mình bị vấy bẩn bởi kẻ thù. Ngày ngày kiên tâm chờ đợi. Thế nhưng chính giờ phút mà nàng mong mỏi nhất được cứu thoát bởi người chồng thì lại phải dầm dề nước mắt. Ra-ma tiêu diệt Ra-va-na và coi đó là một chiến công hiển hách là một điều mà bất kì người nào “bị sỉ nhục” đều phải hành động như thế, cũng là lúc con rắn của lòng ghen tuông ngờ vực trỗi dậy, bùng lên trong lòng chàng, bởi Xi-ta quá ư là xinh đẹp và yêu kiều. Tình yêu khi đã thành ghen tuông mù quáng đồng nghĩa với sự làm tổn thương tới người mà mình yêu thương. Ra-ma đã buông ra những lời thật lạnh lùng và tàn nhẫn làm sao: “Hỡi phu nhân cao quý” hay “ta đã làm tròn lời hứa”…
Thật xa cách, đâu có chút gì gợi lên tình cảm vợ chồng… Quá bất ngờ Xi-ta chỉ còn cách mở to tròn đôi mắt dẫm lệ. Vì thất vọng, vì ngạc nhiên, vì đau đớn khôn cùng bởi những gì đang diễn ra trước mắt vốn không phải là những gì nàng mong đợi. Được tin chồng đã chiến thắng, giải thoát cho mình khỏi kẻ thù, nàng hạnh phúc vô ngần, chỉ muốn mong chóng gặp lại chàng. Sự háo hức vội vã đến nỗi bỏ quên cả những lễ nghi, phép tắc mà bất kì người phụ nữ cao quý nào cũng thường trực. Trong đầu nàng chỉ còn biết có Ra-ma với tình yêu, lòng biết ơn vô hạn. Ấy vậy mà tất cả dường như đang sụp đổ dưới chân. Đau đớn, bàng hoàng và thất vọng. Nhưng tất cả không dừng lại ở đó. Người anh hùng khi bị ngọn lửa độc của con rắn ghen tuông che mờ mắt thì cũng tàn nhẫn đâu kém nhưng kẻ tầm thường. Ra-ma nghi ngờ vợ mình vì “thấy nàng yêu kiều xinh đẹp,… Ra-va-na đâu có chịu đựng được lâu…khi ở trong vạt áo Ra-va-na đôi mắt tội lỗi của hắn hau háu nhìn khắp người nàng…”. Tàn nhẫn hơn cả là sự ruồng rẫy ập đến : “ta không cần đến nàng nữa”. Người chồng mà nàng rất mực thương yêu lại có thể gợi ý, cất tiếng mỉa mai, khuyên nàng có thể để ý tới những người khác. Nàng thấy đau đớn cho số phận. Một người phụ nữ cao quý, hết mực thủy chung giờ đây lại bị đem ra bêu riếu “trước đông đảo mọi người” với những lời lẽ thô bạo nhất. Từ chỗ ngạc nhiên “mở to đôi mắt tròn đẫm lệ”, dần tỉnh táo hiểu ra thái độ của người chồng, nàng “đau đớn đến nghẹt thờ. Như một cây dây leo bị vòi voi quật nát”. Tâm hồn nàng trong trắng và mong manh đang tan ra, vỡ nát bởi những lời lẽ thô bạo và tàn nhẫn. Nàng “xấu hổ cho số kiếp” . Nàng muốn tự chôn vùi cả hình hài và tinh thần. Những lời nói của Ra-ma xuyên vào trái tim nàng như một mũi tên. Nước mắt nàng đổ ra như suối. Nỗi đau cứ tăng dần, tăng dần tới cực điểm. Choáng váng, nàng chỉ còn biết than cho sự bất hạnh của mình. Dường như tất cả đang sụp đổ nàng không còn đủ sức lực để chống đỡ trước những lời lẽ sắc độc và cay nghiệt đó. Bị dồn vào thế cùng, bị lăng mạ, sỉ nhục, bị vu khống danh dự và tiết hạnh, muốn chết muốn vùi dập bản thân cũng là điều dễ hiểu. Nhưng Xi-ta người con gái của nữ thần đất mẹ Pri-thi-vi sinh trưởng trong hoàng tộc Gia-na-ki, mang trong mình dòng máu cao quí, đâu thể nào kết thúc cuộc đời như vậy.
Yêu và hết lòng tôn thờ người mình yêu song không thể cho phép bị sỉ nhục, bị bôi nhọ. Sau những phút choáng váng ban đầu, Xi-ta dần lấy lại bình tĩnh để tự bào chữa, đòi lại danh dự với một trí tuệ tuyệt vời mà cũng rất dịu dàng. Nghẹn ngào, nức nở, nàng lên án cách xử sự của Ra-ma “như một kẻ thấp hèn chửi mắng con mụ thấp hèn”. Nàng khẳng định việc bị bắt đi là do số phận còn bản thân nàng trước sau như một. “Những gì nằm trong vòng kiểm soát của thiếp đây, tức trái tim thiếp đâu là thuộc về chàng”, “sẵn sàng chết khi bị bắt đi nếu Ha-nu-man được chàng phái đến truyền lại lời “chàng không cần thiếp nữa”. Đối với Xi-ta, Ra-ma còn hơn mạng sống của mình, nhưng nàng càng không thể sống trong sự ngờ vực, sỉ nhục. Nếu như Ra-ma khẳng định dòng dõi tôn quý của chàng thì nằng cũng nhắc lại nàng đâu kém gì, con của thần linh, đâu thể nào xếp ngang hàng với những người phụ nữ tầm thường khác. Ở đây ta còn phát hiện ra ở người con gái này một sự kiên cường, biết tôn quí bản thân. Sau những lời lẽ đó, nàng thất vọng “tình yêu của thiếp, lòng trung thành của thiếp xem ra hoàn toàn vô ích” và đi đến quyết định nhảy vào dàn lửa thiêu. Đây là hành động đầy lí trí, tự chủ. Nàng muốn khẳng định lời nói và tấm lòng trinh trắng của mình. Chỉ có thần linh với sức mạnh của lửa mới rửa sạch được vết nhơ mà người ta đang gán cho nàng, mới giải toả được sự nghi ngờ của người chồng. Hành động của nàng là hành động của một nữ thần cao quý.
Tóm lại, trong đoạn trích Ra-ma buộc tội, tâm trạng nàng Xi-ta được bộc lộ khá rõ nét với những đợt sóng lòng mỗi lúc một dâng cao để rồi khép lại thật bất ngờ. Nó góp phần khẳng định bức chân dung cao quí của nàng Xi-ta một cách đầy đủ và đẹp đẽ.