Đêm tân hôn của Hàn Mạc Tử

Một trong những sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người đó là đêm tân hôn. Đêm tân hôn là kết quả của một tình yêu và khởi đầu của một cuộc sống mới, cuộc sống vợ chồng, cuộc sống gia đình.
 

Xưa có quan niệm “đại đăng khoa rồi mới tiểu đăng khoa”, “chàng chưa thi đậu thiếp chưa động phòng” ý nói việc kết duyên là việc làm sau khi công thành danh toại, nhất là đối với những đấng nam nhi theo đòi công danh bằng con đường khoa cử. Người Việt Nam đặc biệt coi trọng đêm tân hôn, đêm động phòng hoa chúc. Trong đêm ấy, người ta thắp đuốc hoa sáng rực, tân lang và tân giai nhân sau khi làm lễ bái đường thành thân được thỏa ước nguyện bên nhau. Đêm tân hôn thực sự là thiêng liêng vì người con trai cũng như người con gái đã giữ gìn cái ngàn vàng ấy cho nhau. Khi Mộng Cầm đi lấy chồng, Hàn đã rất đau khổ. Đau khổ vì bị phụ tình, đau khổ vì bệnh tật. Còn nỗi đau nào hơn thế khi người con gái ta hết lòng yêu thương chê ta rồi đi với một người khác, họ sẽ vui sướng, hạnh phúc bên nhau không biết cái chết đang từng ngày gặm nhấm thân thể và tâm hồn của Hàn. Hàn đã tưởng tượng ra một đêm tân hôn thật đẹp: Là sợi dường tơ dịu quá trăng. Là bao nhiêu ngọc cũng chưa bằng. Cả và thế giới như không có. Một vẻ yêu là một vẻ tân. Dịu dàng như ánh trăng, mỏng manh và nhẹ nhàng như một sợi dường tơ mà bất cứ sự thô lỗ nào cũng có nguy cơ phá hỏng cái không khí thiêng liêng ấy. Họ dè dặt, ý tứ trong lời nói, cử chỉ và cố gắng mang đến cho nhau những gì lãng mạn nhất, là sự quý giá đến bao nhiêu ngọc cũng không bằng. Hẳn ta còn nhớ: Gìn vàng giữ ngọc cho hay. Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời. Hai người yêu nhau, vượt qua bao khó khăn, bây giờ được toại nguyện, được có nhau thật là hạnh phúc. Sợi dây tình cảm trong họ rung lên mãnh liệt, tất cả các giác quan được đánh thức, họ say sưa và đắm đuối. Họ không cần biết đến thế giới bên ngoài ra sao nữa. Chỉ có anh và em với tình yêu tuyệt diệu. Vẻ yêu kiều, diễm lệ mà khi trước chàng không được công khai ngắm nhìn, nay hiện ra lộng lẫy trong xiêm y rực rỡ, trong không gian kì ảo như thực như mơ. Còn nàng cũng vậy, đấng lang quân bấy lâu nàng ao ước nay bằng xương bằng thịt rất gần nàng, chưa bao giờ gần đến thế. Đêm tân hôn thật đẹp! Đã có khi nào cô ước mơ. Rồi đây khai mạc cuộc đời thơ. Bằng đêm hôm ấy êm như rót. Lời mật vào tai ngọt sững sờ. Đây là lời hỏi người con gái, lời của nhà thơ hỏi người yêu, cái người sắp đi lấy chồng về những ước vọng về một tình yêu. Đã có khi nào cô ước mơ? Ước mơ của một cuộc tình đẹp đẽ, ngây ngây, mộng mộng của mình với một đêm tân hôn như thế. Thật êm dịu, thật ngọt ngào đắm đuối say mê. Xưa A-đam và E-va cũng chỉ đến thế mà thôi. Trái cấm ngon thế nào, thơm thế nào mà chứa trong đó thứ men tình ái ngất ngây say. Khi yêu người ta nói với nhau toàn những lời đường mật, trao cho nhau tất cả những gì đẹp nhất về giấc mộng tình yêu đôi lứa. Tưởng rằng tình yêu cứ thế mà đơm hoa kết trái, một gia đình hạnh phúc, một người chồng khỏe mạnh tài ba, một người vợ đảm đang dịu hiền rồi con con cháu cháu như quy luật muôn đời. Vậy mà: Nhưng cái gì thơm đã tới kề. Tôi e tình tứ bớt say mê. Không còn ý nhị ban đầu nữa. Sẽ chán chường và sẽ chán chê. Tác giả cho rằng, khi đã đạt được ước mơ, khi niềm khát khao thành hiện thực thì cái sự thánh thiện kia cũng biến mất. Như người đói được ăn thì dạ dày không sôi nữa, như người khát mà được uống thì cổ họng không khô nữa. Cái người mà họ hằng ao ước kia, cái khối tình thơ kia rồi sẽ nhạt dần thay vào đó là nỗi lo thường nhật với cơm áo, gạo tiền, đêm tân hôn sẽ trở thành kỉ niệm mà ít khi người ta nhắc đến. Những lời êm ái, ngọt ngào sẽ thưa đi và đến lúc nào đó người ta sẽ chán. Mà lại là chán chường với chán chê. Chao ôi! Và rồi tác giả rút ra một bài học, hay là một lời khuyên? Cho nên tôi tưởng tối tân hôn. Chưa tới còn xa để được buồn. Để sống trong niềm thương nhớ đã. Để còn mường tượng đến giai nhân. Tác giả mong muốn tối tân hôn đừng đến vội để còn được mơ tưởng đến một cái gì đó thật đẹp, còn có cái để mà ao ước, để mà khát khao. Buồn nhất là con người ta sống mà chẳng có gì vẫy gọi phía trước, trong lòng trống rỗng hình ảnh đẹp mà đậm đặc chuyện thế nhân. Tác giả cho rằng con người ta biết buồn cũng là một niềm hạnh phúc. Ai không biết buồn mới là bất hạnh bởi vì biết buồn ấy là người có trái tim, có tình yêu, có khát vọng và ước mơ. Phải thế chăng? Sống cần phải có ước mơ, có trong tim một chân trời mới đầy hương hoa và mật ngọt, có hình bóng giai nhân, người mà ta yêu thương để mà hướng tới. Tối tân hôn thật đẹp, thật thiêng liêng, thật nồng nàn nhưng sau đó sẽ là những ngày buồn, là cảm giác chán chê thì phải chi cứ để tối tân hôn tồn tại trong tưởng tượng. Yêu là mơ còn cuộc đời thì thật, mà sự thật thì có đẹp mấy khi. Tư tưởng này đâu phải chỉ có ở riêng Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng cũng đã viết: Rượu hợp cẩn mang theo từ Nguyệt Điện. Mấy vò thơm chuốc mãi tận sông Ngân. Nhưng lúc kề môi lên miệng chén. Chỉ than ôi nồng cháy những men trần. Bài thơ như một bản nhạc mà khúc dạo đầu là những nốt du dương, êm ái diễn tả sự thiêng liêng của tình yêu. Khúc cuối là những thanh âm trầm trĩu nặng kéo cái bến mộng về cõi đời trần tục và cuối cùng là những nốt chơi vơi, xa thẳm. dàn trải mênh mang. Tối tân hôn, nhưng Hàn Mặc Tử không chỉ nói về một mốc sự kiện trong cuộc sống con người mà nêu lên một quan niệm sống. Sống là phải có một cái gì tươi đẹp, quyến rũ vẫy gọi ở phía trước. Có như thế cuộc sống mới thật nên thơ. Nhưng phải chăng đó cũng chính là nỗi buồn tái tê, niềm khổ đau ê chề và trái tim tan nát trong Hàn Mặc Tử, khi mà Hàn Mặc Tử biết rằng có thể suốt đời mình, không bao giờ có được tối tân hôn?