Soạn bài Phương châm hội thoại

A. Các phương châm hội thoại

I. Phương châm về lượng:

1. Đọc ngữ liệu 1 và 2 trong sách giáo khoa.

2. Nhận xét:

a. Ví dụ 1:

– Điều An muốn biết là một địa điểm cụ thể nào đó, ví dụ: bể bơi, sông, hồ…Vậy,câu trả lời của Ba “ở dưới nước” không đáp ứng được điều mà An muốn biết.

– Lẽ ra, câu trả lời ấy phải là: “Tớ học bơi ở Câu lạc bộ, bể bơi A…”

– Bài học rút ra: Khi giao tiếp, cần nói có nội dung; nội dung của lời nói phải đáp ứng đúng yêu cầu của cuộc giao tiếp.

b. Ví dụ 2:

– Truyện này gây cười vì các nhân vật nói nhiều hơn những gì cần nói, khoe lợn cưới, khoe áo mới.

– Lẽ ra:

+ Chỉ cần hỏi: “Bác có thấy con lợn nào chạy qua đây không?”

+ Chỉ cần trả lời: “(Nãy giờ), tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả!”.

– Bài học rút ra: Khi giao tiếp, không nên nói nhiều hơn những gì cần nói.

3. Ghi nhớ, sách giáo khoa, trang 9:

Khi giao tiếp, cần nói cho đúng nội dung; nội dung của lời nói phải đáp ứng đúng yêu cầu của cuộc giao tiếp, không thiếu, không thừa(Phương châm về lượng).

II. Phương châm về chất:

1. Đọc ngữ liệu trong sách giáo khoa.

2. Nhận xét:

– Truyện cười này phê phán tính nói khoác, nói sai sự thật.

– Như vậy trong giao tiếp, cần tránh nói những điều mà mình không tin là đúng, hay không có bằng chứng xác thực ( Phương châm về chất)

3. Ghi nhớ, sách giáo khoa, trang 10:

III. Phương châm quan hệ:

– Thành ngữ “Ông nói gà, bà nói vịt” chỉ tình huống hội thoại: Mỗi người nói một đằng, không khớp, không hiểu nhau.

– Nếu xuất hiện những tình huống hội thoại như vậy, mọi người sẽ không giao tiếp được.

– Bài học rút ra: Khi giao tiếp, cần nói đúng vào đề tài giao tiếp, tránh nói lạc đề ( Phương châm quan hệ)

* Ghi nhớ, sách giáo khoa, trang 21:

IV. Phương châm cách thức:

1. Đọc ngữ liệu 1 và 2 trong sách giáo khoa:

2. Nhận xét:

a. Ví dụ 1:

– Thành ngữ:

“Dây cà ra dây muống” chỉ cách nói dài dòng, rườm rà.

“Lúng búng như ngậm hột thị” chỉ cách nói ấp úng, không thành lời, không rõ ràng.

– Những cách nói đó đều khiến người nghe khó tiếp nhận, hoặc tiếp nhận không đúng nội dung.

– Bài học rút ra: Khi giao tiếp cần nói ngắn gọn, rành mạch.

b. Ví dụ 2:

“Tôi đồng ý với những nhận định về truyện ngắn của ông ấy”.

– Câu trên có thể hiểu theo hai cách:

+ Nếu “của ông ấy” bổ sung ý nghĩa cho “nhận định” thì có thể hiểu là: Tôi đồng ý với những nhận định của ông ấy về truyện ngắn.

+ Nếu “của ông ấy” bổ sung ý nghĩa cho “truyện ngắn” thì có thể hiểu là: Tôi đồng ý với những nhận định của ai đó về truyện ngắn của ông ấy”.

– Bài học rút ra: Khi giao tiếp, nếu không vì một lí do nào đó đặc biệt thì không nên nói những câu mà có thể hiểu theo nhiều cách. Bởi vì như vậy, sẽ khiến người khác khó hiểu.

3. Ghi nhớ, sách giáo khoa, trang 22:

Khi giao tiếp, cần chú ý nói ngắn gọn, rành mạch; tránh cách nói mơ hồ (Phương châm cách thức).

V. Phương châm lịch sự:

– Đọc ngữ liệu “Người ăn xin” trong sách giáo khoa.

– Nhận xét: Đọc câu chuyện ta thấy tuy cả hai nhân vật ông lão ăn xin và cậu bé đều không có tiền bạc, của cải gì để cho và để nhận những cả hai đều nhận được một thứ còn quý trọng hơn tiền bạc: tình cảm mà người kia đã dành cho mình. Ở cậu bé, đó là thái độ tôn trọng, không tỏ ra khinh miệt, xa lánh người ăn xin. Còn ông lão lại cũng rất chân thành và tôn trọng trước cách ứng xử ấy.

– Bài học rút ra: Trong giao tiếp, dù địa vị xã hội và hoàn cảnh của người đối thoại như thế nào, thì người nói cũng phải tôn trọng đối tượng giao tiếp.

* Ghi nhớ, sách giáo khoa, trang 23:

VI. Quan hệ giữa phương châm hội thoại với tình huống giao tiếp:

– Đọc ngữ liệu “Chào hỏi” trong sách giáo khoa.

– Nhận xét:

+ Nhân vật chàng rể chào hỏi là đã tuân thủ đúng phương châm lịch sự. Tuy nhiên, lời chào hỏi đó không đúng lúc, đúng chỗ, nên đã gây phiền hà, quấy rối công việc của người đốn củi.

– Bài học rút ra: Không nên tuân thủ phương châm hội thoại một cách cứng nhắc, mà phải vận dụng một cách đúng lúc, đúng chỗ.

* Ghi nhớ, sách giáo khoa, trang 36:

VII. Những trường hợp không tuân thủ phương châm hội thoại:

1. Bài 1:

– Ngoại trừ tình huống ở phương châm lịch sự, còn lại tất cả đều không tuân thủ p/c hội thoại.

2. Bài 2:

– Câu trả lời của Ba không đáp ứng được nhu cầu thông tin như An mong muốn. ( Ba không tuân thủ phương châm về lượng vì thiếu thông tin An mong muốn).

– Ba không tuân thủ phương châm hội thoại ấy vì không biết chính xác thông tin.

3. Bài 3:

– Bác sĩ có thể không tuân thủ phương châm về chất.

– Mục đích làm cho người bệnh không bi quan sợ hãi, để cùng chiến đấu với bệnh tật.

– Tình huống tương tự: Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt –không khai sự thật những gì mình biết về đồng đội, về bí mật của đơn vị…

4. Bài 4:

– Xét về nghĩa hiển ngôn ( điều diễn đạt trực tiếp), thì câu“Tiền bạc chỉ là tiền bạc” không tuân thủ phương châm về lượng, bởi vì nó dường như không cho người nghe thêm một thông tin nào.

– Xét về nghĩa hàm ẩn, thì câu nói này vẫn tuân thủ phương châm về lượng.

– Phải hiểu ý nghĩa: Đây là lời răn dạy người ta không nên chạy theo tiền mà quên đi những thứ khác quan trọng trong cuộc sống.

* Ghi nhớ, sách giáo khoa, trang 37.


B. Luyện tập:

Bài tập 1, sách giáo khoa, trang 10:

a. Nói “Trâu là một loài gia súc nuôi ở nhà” là thừa cụm từ “nuôi ở nhà” vì loài gia súc nào cũng nuôi ở nhà.

b. Thừa cụm từ “có hai cánh” vì tất cả các loài chim đều có hai cánh.

Bài tập 2, sách giáo khoa, tranh 10:

a. nói có sách, mách có chứng.

b. nói dối.

c. nói mò.

d. nói nhăng nói cuội.

e. nói trạng.

=> Các từ ngữ trên đều chỉ những cách nói liên quan đến phương châm về chất.

Bài tập 3, sách giáo khoa, trang 11:

Câu hỏi “Rồi có nuôi được không?”  vi phạm phương châm về lượng. Vì hỏi một điều rất thừa.

Bài tập 4. sách giáo khoa, trang 11:

a. Khi sử dụng các cụm từ “như tôi được biết, tôi tin rằng, nếu tôi không lầm thì, tôi nghe tin,theo tôi nghĩ, hình như là,…” người nói thể hiện thái độ thận trọng, không khẳng định điều mà mình nói ra là hoàn toàn xác thực -> Đảm bảo tuân thủ phương châm về chất.

b. Khi sử dụng các cụm từ “như tôi đã trình bày, như mọi người đều biết”. người nói muốn báo cho người nghe biết là việc nhắc lại nội dung đã cũ là có chủ ý. -> Đảm bảo tuân thủ phương châm về lượng.

Bài tập 5, sách giáo khoa, trang 11:

– “Ăn đơm nói đặt”:vu khống, đặt điều.

– “Ăn ốc nói mò”:nói vu vơ không có bằng chứng

– “Ăn không nói có”: vu cáo, bịa đặt.

– “Cãi chày cãi cối”: ngoan cố, không chịu thừa nhận sự thật đã có bằng chứng.

– “Khua môi múa mép”: ba hoa, khoác lác.

– “Nơi dơi nói chuột”:nói lăng nhăng, nhảm nhí.

– “Hứa hươu hứa vượn”: hứa hẹn một cách vô trách nhiệm, có màu sắc của sự lừa đảo.

=> Các thành ngữ trên đều chỉ ra các hiện tượng vi phạm phương châm về chất.

Bài tập 1, sách giáo khoa, trang 23:

– Những câu tục ngữ, ca dao đó khẳng định vai trò của ngôn ngữ trong đời sống và khuyên ta trong giao tiếp nên dùng những lời lẽ lịch sự,nhã nhặn.

– Trong kho tàng tục ngữ, cao dao Việt Nam có rất nhiều câu có nội dung tương tự. Chẳng hạn:

+                                    Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,

                                Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

+                                    Vàng thì thử lửa thử than,

                                Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.

Bài tập 2, sách giáo khoa, trang 23:

– Phép tu từ “Nói giảm nói tránh” liên quan trực tiếp đến phương châm lịch sự.

– Ví dụ: “Bác đã đi rồi sao Bác ơi!” (Tố Hữu)

Bài tập 3, sách giáo khoa, trang 23:

a. nói mát.

b. nói hớt.

c. nói móc.

d. nói leo.

e. nói ra đầu ra đũa.

Bài tập 4, sách giáo khoa, trang 24

a. Đôi khi phải dùng cách diễn đạt như vậy vì khi người nói không nói về vấn đề đang trao đổi.

b. Khi người nói không muốn đụng chạm tới thể diện của người nghe.

c. Báo hiệu cho người đối thoại biết là người đó không tuân thủ phương châm lịch sự và cần phải chấm dứt.

Bài tập 5, sách giáo khoa, trang 24:

– “Nói băm nói bổ:nói bốp chát, xỉa xói, thô bạo ( Phương châm lịch sự)

– “Nói như đấm vào tai”: nói mạnh, trái ý người khác, khó tiếp thu (PC lịch sự)

– “Điều nặng tiếng nhẹ”: nói trách móc, chì chiết (PC lịch sự)

– “Nửa úp nửa mở”:nói mập mờ, không hết ý (PC cách thức)

– “Mồm loa mép giải” :lắm lời, nói át người khác (PC lịch sự)

– “Đánh trống lảng” :nói tránh (PC quan hệ)

– “Nói như dùi đục chấm mắm cáy”: nói không khéo, thiếu tế nhị, không lọt tai (PC lịch sự).

Bài tập 1, sách giáo khoa, trang 38:

– Ông bố không tuân thủ phương châm cách thức.

– Đứa bé 5 tuổi không thể nhận biết được “Tuyển tập truyện ngắn Nam Cao” để nhờ đó mà tìm quả bóng. -> Cách nói không rõ ràng.

Bài tập 2, sách giáo khoa, trang 38:

– Thái độ của Chân, Tay,Tai, Mắt là bất hòa với lão Miệng.

– Lời nói của Chân, Tay,Tai, Mắt không tuân thủ phương châm lịch sự.

– Việc không tuân thủ đó không phù hợp với tình huống giao tiếp -> thật vô lí, khách đến nhà phải chào hỏi chủ nhà rồi mới nói chuyện khác. Ở đây, thái độ và lời nói của các vị khách thật hồ đồ, không có lí do chính đáng.

C. Bài tập vận dụng:

1. Đọc mẩu chuyện sau và trả lời câu hỏi:

Trên một chiếc tàu viễn dương nọ, viên thuyền phó có thói nghiện rượu, còn viên thuyền trưởng lại là người rất ghét chuyện uống rượu. Một hôm, thuyền trưởng ghi vào nhật kí của tàu:“Hôm nay thuyền phó lại say rượu”. Hôm sau, đến phiên trực của mình, viên thuyền phó đọc thấy câu này, bèn viết vào trang sau: “Hôm nay thuyền trưởng không say rượu.”

Trong mẩu chuyện này có câu nào cố ý không tuân thủ phương châm hội thoại. Đó là phương châm hội thoại nào?

2. Đọc truyện cười sau đây và cho biết tại sao lời của tường thuật viên lại gây cười.

                                                                  Khéo nịnh

Hai đội bóng của hai xã cạnh nhau đang thi đấu trên sân.Bỗng một cầu thủ sút được một trái bóng vào lưới đối phương.

Tường thuật viên kêu lớn:

– Vào!..Vào rồi! Bàn thắng là do công của đồng chí chủ tịch xã N…người đã sinh ra cầu thủ số 10, tác giả của cú sút điêu nghệ vừa rồi.

(Theo Thanh Thanh,Cười hở mười cái răng, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2004)

3.Đọc truyện cười sau đây và cho biết tại sao lời xử của quan lại gây cười.

                                                                Xử kiện

Có một người nọ chăn bò cho chủ, chẳng hiểu do đâu làm cho con bò chạy lồng lên. Anh này túm đuôi, nhưng vì con bò chạy vừa nhanh vừa khỏe thành thử đứt mất đuôi. Sợ quá, anh nọ bỏ chạy. Khi qua một cái cầu luống cuống thế nào mà anh ta trượt chân rơi ngay xuống cầu. Lúc đó dưới cầu đang có một chiếc thuyền trôi qua. Trên thuyền có một ông già. Anh nọ rơi đúng thuyền làm ông già bị gãy chân. Thế là anh ta vừa bị người chủ của con bò, vừa bị con trai của ông già gãy chân kiện. Khi hầu tòa, thấy quan vẻ như một người chuyên ăn đút lót, tội phạm mới ngầm trỏ vào cạp quần mình. Quan tưởng anh ta ý nói có tiền giắt ở đó, mới xử rằng:

– Nay bắt kẻ làm đứt đuôi bò phải nuôi con bò cho đến khi nào mọc đuôi mới thôi. Lại bắt hắn nằm dưới thuyền cho ông lão kia trên cầu nhảy xuống để trả thù lại hắn.

Những người đệ đơn kiện nghe quan xử thế bèn lẳng lặng rút đơn kiện.

Theo Lan Phương– Hạ Vĩnh Thi, Chuyện đố nhịn được cười, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2004)

4. Câu trả lời trong đoạn hội thoại sau có cung cấp đủ lượng tin cần thiết mà câu hỏi yêu cầu không? Cách trả lời như thế có ngụ ý gì?

A: – Cậu có mang sách và bút cho tớ không?

B: – Tớ có mang bút cho cậu đây.

5. Thế nào là “nói lảng”? “Nói lảng” liên quan đến phương châm hội thoại nào? Tìm ví dụ về hiện tượng nói lảng trong giao tiếp.

6. Theo “Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt”, thì “Nói như đấm vào tai” là “nói to tiếng hoặc nói ngang ngược, trái với ý người khác nên khó tiếp thu, khó chấp nhận được”. Như vậy thành ngữ này có quan hệ đến phương châm hội thoại nào?

7. Câu thành ngữ “Ăn ốc nói mò” phê phán điều gì? Nó có quan hệ như thế nào đến các phương châm hội thoại?

8. Nếu mẹ hỏi con: “Con đã làm toán và bài tập tiếng Việt chưa?” mà người con trả lời: “Con làm toán rồi ạ.” thì người mẹ có thể suy ra điều gì, và vì sao có thể suy ra như vậy?

9. Hãy cho biết lời nói của anh đầy tớ trong truyện sau đây có bình thường không.

                                                              Ăn nói có đầu có đuôi

Một lão nhà giàu thường xấu hổ có anh đầy tớ tính bộp chộp.Lão mới gọi anh ta, bảo:

– Mày ăn nói chẳng có đầu có đuôi chi cả, người cười cả tao lẫn mày. Từ rày nói cái gì thì phải nói cho có đầu có đuôi, nghe không?

Anh đầy tớ vâng vâng, dạ dạ.

Một hôm, lão mặc quần áo sắp đi chơi, đang ngồi hút thuốc thì thấy anh đầy tớ đứng chắp tay trịnh trọng nói:

– Thưa ông, con tằm nhả ra tơ, người ta mang tơ bán cho người Tàu, người Tàu đem dệt thành the rồi bán sang ta, ông mua the về may thành áo. Hôm nay ông mặc áo. Ông hút thuốc. Tàn thuốc rơi vào áo ông và áo ông đang cháy!

( Trương Chính, Bình giảng ngụ ngôn Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998)

10. Bạn trẻ trong hình đã dùng “ngôn ngữ chat, ngôn ngữ tuổi teen” khi giao tiếp với người lớn.Theo em, bạn ấy đã vi phạm phương châm hội thoại nào? Nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm đó?