Soạn bài Viết Đơn ( Lớp 6)

 1. Khi nào cần viết đơn?

a) Đọc các ví dụ sau đây và trả lời câu hỏi:
(1) Khi em có nguyện vọng gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, em viết đơn gửi Ban Chấp hành Đoàn trường.

(2) Em bị ốm nên không đến lớp được. Em viết đơn gửi cô giáo chủ nhiệm xin phép được nghỉ học.
(3) Do hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn, em viết đơn gửi Ban Giám hiệu nhà trường xin được miễn giảm học phí.
(4) Do sơ suất, em bị mất giấy chứng nhận tốt nghiệp Tiểu học. Em viết đơn xin cấp lại.
– Trong những trường hợp nào thì cần viết đơn?
 – Viết đơn để gửi đến đâu, để làm gì?
Gợi ý:
Khi ta có một yêu cầu hay nguyện vọng chính đáng nào đó cần được giải quyết, ta viết đơn gửi đến cơ quan, tổ chức, hay cá nhân có trách nhiệm, quyền hạn để được giải quyết.
b) Trong các trường hợp sau đây, trường hợp nào cần phải viết đơn? Đơn ấy gửi đến đâu?
– Các bạn đến học nhóm tại nhà em, do sơ suất, kẻ gian đã lấy mất chiếc xe đạp của một bạn.
– Em rất muốn theo học lớp học ngoại khoá nhạc, hoạ ở trường.
– Trong giờ học toán, em đã mất trật tự khiến thầy giáo không hài lòng.
– Gia đình em chuyển đến chỗ ở mới, em muốn được học tiếp lớp 6 ở trường nơi mới đến.
Gợi ý:
Trường hợp gây mất trật tự trong giờ học, em không viết đơn mà viết bản tự kiểm điểm trực tiếp gửi thầy giáo. Các trường hợp phải viết đơn:
– Đơn trình báo về việc mất xe đạp, gửi Công an nơi gần nhất;
– Đơn xin học lớp ngoại khoá nhạc, hoạ, gửi Ban Giám hiệu nhà trường;
– Đơn xin chuyển trường, gửi Ban Giám hiệu trường cũ xác nhận và gửi Ban Giám hiệu trường mới để được chấp nhận.
 
2. Các loại đơn và những nội dung nhất thiết phải có trong đơn.
a) Có hai loại đơn thường gặp là:
– Đơn theo mẫu (in sẵn, chỉ việc điền những nội dung cụ thể vào);
– Đơn không theo mẫu.
b) Trong hai lá đơn sau đây, đơn nào là đơn theo mẫu và đơn nào là đơn không theo mẫu?
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
 
ĐƠN XIN HỌC NGHỀ
…, ngày … tháng … năm …
Kính gửi:……………………………………………………………………………………………………………………………………..
Họ và tên:…………………………………………………………………………………………………………………………………………………
Năm sinh:………………………………………………………………………………………………………………………………………………….
Nơi sinh:…………………………………………………………………………………………………………………………………………………..
Nơi ở hiện nay:……………………………………………………………………….…………………………………………………………………
Dân tộc:………………………………………………………………………………..…………………………………………………………………
Trình độ văn hoá:………………………………………………………………………………………………………………………………………
Nguyện vọng:………………………………………………………………………..…………………………………………………………………
       Lời cam đoan:………………………………………………………………………..…………………………………………………………………
 
Xác nhận của nhà trường
hoặc địa phương nơi cư trú
Người viết đơn
(kí và ghi rõ họ tên)
 
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
…….., ngày … tháng … năm…
 
ĐƠN XIN MIỄN GIẢM HỌC PHÍ
 
Kính gửi: Thầy Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng …
 
Thưa thầy!
Em tên là Nguyễn Văn A, 12 tuổi, học sinh lớp 6B Trường THCS Kim Đồng,…………., xin được trình bày với các thầy một việc như sau:
Vừa qua cơn bão số 7, tiếp theo là trận lũ quét đã gây nhiều tác hại cho toàn huyện. Bão và lũ đã làm hỏng nhà cửa và đồ dùng sinh hoạt, gây thiệt hại và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của gia đình em. Sau cơn lũ, bố mẹ em lại bị ốm, kinh tế gia đình em gặp rất nhiều khó khăn.
Vì vậy, em viết đơn này xin nhà trường cho em được miễn học phí trong năm học này.
Em cam đoan những điều trên là đúng sự thật, nếu có điều gì sai em xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Em chân thành cảm ơn thầy.
Học sinh
(kí tên)
Nguyễn Văn A.
c) Nhận xét về thứ tự trình bày của hai đơn trên.
d) Theo em, cả hai đơn trên có điểm gì giống nhau? Đâu là những nội dung không thể thiếu?
Gợi ý:
– Trình tự của một lá đơn: Quốc hiệu, tiêu ngữ; Nơi viết đơn, ngày, tháng, năm; Tên đơn; Gửi cho ai, đến đâu?; Ai gửi đơn? Thuộc cơ quan nào? Ở đâu?; Lí do gửi đơn; Trình bày yêu cầu, nguyện vọng, đề nghị được giải quyết; Lời cam đoan; Lời cảm ơn; Kí tên.
– Trình tự các nội dung trên cũng là quy định chung cho mọi loại đơn; tuỳ theo từng trường hợp mà nội dung cụ thể khác nhau nhưng nhìn chung các loại đơn bắt buộc phải có phần mở đầu và phần kết.
3. Cách thức viết đơn.
a) Viết đơn theo mẫu:
Người viết cần điền những thông tin cụ thể đúng theo những mục có sẵn.
b) Viết đơn không theo mẫu.
Xem phần gợi ý ở mục 2.d.