Tục ngữ là một kho tàng kinh nghiệm về trí khôn của nhân dân. Mỗi câu tục ngữ là một bài học lớn. Một trong những bài học đó là sự ảnh hưởng của môi trường sống đến nhân cách của con người. Bài học đó đã được đúc kết qua câu tục ngữ :
“ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”
-> Chúng ta hãy cùng nhau giải thích câu tục ngữ trên.
Trước hết, ta hãy tìm hiểu ý nghĩa chứa đựng trong câu tục ngữ. Câu tục ngữ có hai vế đối lập nhau. Mực có màu đen ( đây là nực Tàu để viết chữ Nho ngày xưa ), nếu ta tiếp xúc, sử dụng không khéo léo sẽ dễ dàng bị vấy bẩn. Cho nên mực tượng trưng cho những cái xấu xa, những điều không tốt đẹp. Còn đèn là vật phát ra ánh sáng soi tỏ mọi vật xung quanh. Đến gần đèn, ta được đèn soi sáng. Vì thế đèn tượng trưng cho những cái tốt đẹp, sáng sủa. Từ hai hình ảnh tương phản nhau “ mực” và “ đèn”, câu tục ngữ nhằm nhắc nhở chúng ta : Nếu giao du với những người xấu, ta sẽ tiêm nhiễm thói hư tật xấu; ngược lại nếu ta quan hệ với người tốt, ta sẽ tốt theo, sẽ học tập được những đức tính tốt của họ. Câu tục ngữ là bài học kinh nghiệm của người xưa được đúc kết từ cuộc sống. Nó thể hiện rất rõ mối quan hệ giữa môi trường xã hội vơi việc hình thành nhân cách con người.
Vì sao gần mực thì đen, gần đèn thì sáng ? Vì nếu ở gia đình, nếu gia đình đó hòa thuận, cha mẹ tốt là tấm gương sáng cho con cái noi theo thì gia đình đó sẽ có những đứa con ngoan. Trong khu xóm cũng vậy, nếu cả tập thể đều biết chấp hành tốt những quy định chung về nếp sống văn minh đô thị , biết giáo dục con cái tốt thì con em trong khu phố đó sẽ có một cuộc sống nền nếp đạo đức tốt. Gần gũi với chúng ta nhất là việc giao du với bạn bè trong trường trong lớp, nếu ta quan hệ được với nhiều bạn tốt, chăm ngoan học giỏi, nói năng lễ độ biết kính trên nhường dưới… thì chúng ta sẽ học tập được những đức tính tốt ấy và trở nên người tốt.
Ngược lại, trong gia đình, nếu cha mẹ chỉ biết lo làm ăn không quan tâm đến con cái, bỏ chúng lêu lỏng, vợ chồng luôn luôn bất hòa thì chắc chắn những đứa trẻ lớn lên trong môi trường đó sẽ nhanh chóng trở thành đứa con hư. Ngoài xã hội, khi tiếp xúc gần gũi với môi trường không tốt đẹp, con người dễ dàng tập nhiễm những thói hư tật xấu và dần dần đánh mất bản chất lương thiện của mình. Cụ thể ở môi trường học tập, quanh ta có biết bao nhiêu bạn xấu thường xuyên trốn học, quậy phá, vô lễ với thầy cô, đánh nhau, … làm phiền lòng thầy cô, gia đình. Nếu ta cứ lân la chơi với với những bạn xấu ấy thì sớm muộn gì ta cũng bị ảnh hưởng lây.
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, nhân dân ta có nhiều câu tục ngữ, ca dao nói về việc chọn bạn mà chơi :
“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”
“Ở chọn nơi, chơi chọn bạn”
“Chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở”
Và : “ Thói thường gần mực thì đen
Anh em bạn hữu phải nên chọn người”
Chắc hẳn chúng ta cũng đã biết truyện “Mẹ hiền dạy con” đã học ở lớp 6. Bà mẹ của thầy Mạnh Tử đã nhiều lần dời nhà để chọn cho con một môi trường sống tốt đẹp. Nhờ vậy, về sau ông trở thành nhà hiền triết nổi tiếng của Trung Quốc.
Vậy chúng ta phải làm gì để làm theo lời dạy của câu tục ngữ ? Chúng ta phải ra sức cố gắng học tập, trau dồi đạo đức, tìm bạn tốt mà chơi, học tập theo những tính tốt của bạn, không giao du với những bạn xấu, tập tành đua đòi theo họ làm những việc xấu như đua xe, nhậu nhẹt, trộm cắp, hút thuốc, chơi ma túy, trốn học, tụ tập đánh nhau, chửi thề … khiến cha mẹ, thầy cô buồn phiền, xóm chòm lên án, bị mọi người ghét bỏ, rồi có ngày phải ân hận về những việc làm sai trái của mình mà nguyên nhân là do chơi với những phần tử xấu.
Chúng ta phải giữ vững ý chí, lập trường kiên định, nhất định không để những cái xấu lôi kéo mình vì một phút mềm lòng. Phải xem câu tục ngữ là kim chỉ nam hành động đúng đắn : không nên chơi với bạn xấu và chỉ nên chơi với bạn tốt.
Tóm lại, câu tục ngữ trên là một lời khuyên bảo sâu sắc, một bài học bổ ích, một cách nhìn đúng đắn về mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách của bản thân. Câu tục ngữ giúp em có tinh thần cảnh giác trong việc giao du tiếp xúc với bạn bè, đồng thời xác định cho mình một lập trường vững vàng.trong việc chọn bạn mà chơi. Trong xã hội ngày nay, có rất nhiều những tệ nạn xã hội đang lôi kéo giới trẻ như chúng em thì việc làm theo lời khuyên của câu tục ngữ thực sự có giá trị đối với mỗi người trong việc chọn bạn mà chơi.