Hãy nêu cảm nhận về đoạn thơ trong bài Con Cò của nhà thơ Chế Lan Viên:
Dù ở gần con
Dù ở xa con,
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con.
Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.
À ơi!
Một con cò thôi
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi.
(Con cò – Chế Lan Viên, SGK Ngữ văn 9, tập 2, 2005)
Gợi ý:
a) Mở bài: Giới thiệu đôi nét tác giả, tác phẩm, vị trí đoạn thơ.
– Con cò là bài thơ viết về tình mẹ của Chế Lan Viên.
– Tình cảm thiêng liêng ấy được nhà thơ thể hiện qua hình ảnh con cò trong lời ru con bên cánh võng.
– Đoạn thơ được nghị luận nằm ở phần cuối bài thơ, hình ảnh con cò được nâng lên thành hình tượng – biểu tượng của tình mẹ lớn lao, cao cả, bền vững như chân lí.
b) Thân bài.
– Năm câu đầu của đoạn thơ là sự khẳng định tình mẹ cao cả:
Dù ở gần con,
Dù ở xa con,
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con,
Cò mãi yêu con.
Hình ảnh Con cò trong khổ thơ không còn là con cò bay lả bay la, bay vào câu hát lời ru nữa, mà hình ảnh con cò đã hóa thân vào hình tượng mẹ. Cò và mẹ là một, dù xa cách về không gian, ở gần hay ở xa, lên rừng hay xuống biển, dù cuộc đời gặp nhiều giông tố, trắc trở.. mẹ vẫn tìm con, yêu thương con mãi mãi. Có thể nói trong tình cảm gia đình thì tình mẫu tử là thiêng liêng, gắn bó, vững bền nhất. Người mẹ mang nặng đẻ đau, khi đứa con đã có mặt trên đời, thì dù đời mẹ có phải chịu nhiều khổ đau, bể dâu, mẹ cũng không bao giờ bỏ con, xa cách, chia lìa. Đó không chỉ đơn thuần là bản năng của người phụ nữ làm mẹ, mà đó là thứ tình cảm sâu nặng, có tính truyền thống, lâu bền và bất diệt trong tâm hồn, tình cảm người mẹ Việt Nam.
Hai câu tiếp theo, tiếp tục khẳng định chân lí vững bền, lớn lao ấy:
Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con
Từ những câu thư bốn chữ nhịp ngắt phát triển lên câu tám chữ, nhịp điệu nhẹ nhàng, lan tỏa như bàn tay vuốt ve của mẹ, như lòng mẹ trải ra bao la, rộng lớn. Con dù nhỏ hay đã lớn vẫn là con của mẹ, đi hết cuộc đời gian khó này lòng mẹ vẫn theo con, đó là chân lí bất biến. Bởi mẹ là quê hương, là bờ vai ấm, là bến đỗ khi con gặp khó khăn, trắc trở trên đường đời.
Hai câu thơ còn hàm ý chứa lòng biết ơn sâu sắc của nhà thơ – người con đối với mẹ, thấu hiểu được tấm lòng của mẹ, luôn hướng về mẹ, trân trọng, biết ơn, dù có đi hết cuộc đời này cũng không thể đền đáp hết công ơn to lớn đó của mẹ.
Nói về tấm lòng bao dung, rộng lớn của mẹ, nhiều nhà thơ trong và ngoài nước đã dành cho mẹ những tình cảm thật thiết tha, sâu sắc:
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Nguyễn Duy)
Chỉ mẹ là niềm vui, ánh sáng diệu kì
Chỉ mình mẹ giúp đời con vững bước
Năm câu cuối đoạn thơ trả lại với âm điệu lời ru và đúc kết ý nghĩa phong phú của hình tượng con cò trong lời ru ấy:
À ơi!
Một con cò thôi,
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi.
Hình ảnh con cò tiếp tục hóa thân vào mẹ. Con cò ngoài cuộc đời đi vào câu hát ca dao và mẹ, tất cả chỉ – Một con cò thôi. Con cò mẹ hát – hát về cuộc đời lam lũ, khổ đau, vất vả, tảo tần của mình, hát cho con nghe… “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Mẹ nuôi dưỡng con không chỉ bằng dòng sữa ngọt ngào mà con bằng tiếng hát lời ru, nuôi dưỡng con khôn lớn cả về thể chất và tinh thần. Tiếng hát lời ru của mẹ nâng cánh ước mơ cho con bay cao bay xa – vỗ cánh qua nôi bay vào cuộc đời.
Cuộc đời mẹ thầm kín đi qua lời ru. Lời ru không chỉ đem đến cho đứa con tình yêu thương, vỗ về mà còn gửi gắm vào đó bao nỗi niềm cơ cực và cả những ước muốn. Đó là tâm hồn mẹ – tâm hồn của dân tộc, đất nước di dưỡng tâm hồn cho con:
Nằm trong tiếng nói yêu thương
Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời
Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi
Hồn thiêng đất nước đã ngồi bên con
(Nằm trong tiếng nói – Huy Cận)
– Nét đặc sắc của đoạn thơ:
+ Viết theo thể thơ tự do, đan xen các câu bốn – năm – tám chữ, điều đó giúp cho nhà thơ thể hiện tình điệu, cảm xúc một cách linh hoạt, khi sâu lắng, khi dàn trải, lan tỏa.
+ Giọng điệu đoạn thơ nhẹ nhàng, êm ái như một khúc hát ru nhưng lại chất chứa giọng điệu suy ngẫm, triết lí, hướng người đọc vào sự phát hiện, chiêm nghiệm.
+ Ngôn ngữ giản gị nhưng hàm súc, không sử dụng những biện pháp so sánh khi nói về tình mẹ (như biển cả, trời cao, như nước trong nguồn…) mà rất khiêm nhường, triết lí sâu sắc, vẫn diễn tả được tình mẹ bao la.
+ Nghệ thuật sáng tạo hình ảnh con cò trong ca dao một cách đặc sắc. vận dụng nhưng không sao chép, Chế Lan Viên chỉ dùng hình ảnh đó làm điểm tựa cho những liên tưởng mở rộng, nâng cấp độ hình tượng lên mức cao hơn: con cò – người nông dân – người phụ nữ vất vả, tảo tần, chịu thương chịu khó; con cò bay vào giấc ngủ nuôi dưỡng tâm hồn, chắp cánh ước mơ cho đứa trẻ; con cò – cuộc đời – tình mẹ bao la; con cò mẹ hát cũng là cuộc đời. Tính triết lí được nâng dần lên thành quy luật, chân lí bất biến về tình mẫu tử.
c) Kết bài.
– Đoạn thơ nói riêng và bài thơ nói chung là sự kết hợp hài hòa, tinh tế giữa chất liệu thơ ca dân gian và triết lí hiện đại sâu sắc.
– Bài thơ được nhiều người yêu mến bởi lời thơ mộc mạc, chân thành, thấm thía tác động sâu xa vào hồn trí con người, gợi nhiều suy ngẫm.
– Bài thơ góp vào nguồn mạch thi ca về tình mẹ trong văn học nhân loại – một khúc ca tha thiết, sâu lắng mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc.
Xem thêm: