Tìm hiểu về Văn biểu cảm

1. Thế nào là văn biểu cảm?

Văn biểu cảm là văn bản viết ra nhằm biểu đạt tình cảm, cảm xúc, sự đánh giá của con người đối với thế giới xung quanh và khêu gợi lòng đồng cảm nơi người đọc.

Văn biểu cảm còn gọi là văn trữ tình: bao gồm các thể loại văn học như thơ trữ tình, ca dao trữ tình, tuỳ bút…

Ví dụ:

Bước xuống Đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà

Nhớ nước, đau lòng con quốc quốc

Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia

Dừng hcân đứng lại trời non nước

Một mảnh tình riên ta với ta

( Qua Đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan)

Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần

( Ca dao)

“…Sông Đà như một áng tóc dài ngàn ngàn vạn vạn sải, áng tóc trên mảng đầu Tây Bắc trong suốt thời chiếm đóng đã nhiều lần vương vấn thứ máu cán bộ và trung niên pha loãng như các miệng nhánh sông và cửa suối đổ ra…”

                                      ( Trích ” Người lái đò Sông Đà” – Nguyễn Tuân)

Tình cảm trong văn biểu cảm thường là những tình cảm đẹp, thấm nhuần tư tưởng nhân văn ( như yêu con người, yêu thiên nhiên, yêu Tổ quốc, ghét những thói tầm thường, độc ác…)

Ngoài cách biểu cảm trực tiếp như tiếng kêu, lời than, văn biểu cảm còn sử dụng các biện pháp tự sự, miêu tả để khêu gợi tình cảm. 

2. Đặc điểm của văn biểu cảm

– Trong phạm vi trường THCS  mỗi bài văn biểu cảm tập trung biểu đạt một tình cảm chủ yếu như: yêu thiên nhiên, yêu loài vật, yêu trường lớp, bạn bè, yêu gia đình, yêu quê hương đất nước…

– Để biểu đạt tình cảm ấy, người viết có thể chọn một hình ảnh có ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng (là một đồ vật, loài cây hay một hiện tượng nào đó) để gửi gắm tình cảm, tư tưởng, hoặc biểu cảm bằng cách thổ lộ trực tiếp những nỗi niềm, cảm xúc trong lòng.

– Bài văn biểu cảm thường có bố cục ba phần như mọi bài văn khác là mở bài, thân bài, kết bài.

+ Mở bài: Có thể giới thiệu sự vật, cảnh vật trong thời gian và không gian, cảm xúc ban đầu của mình.

+ Thân bài: qua miêu tả tự sự mà biểu lộ cmả xúc ý nghĩ một cách cụ thể và sâu sắc.

+ Kết bài: Kết động cảm xúc, ý nghĩ hoặc nâng lên bài học tư tưởng.

– Tình cảm trong bài phải rõ ràng, trong sáng, chân thực thì bài văn biểu cảm mới giá trị.

3. Phương pháp làm bài văn biểu cảm

a) Đề văn biểu cảm và cách làm bài văn biểu cảm

* Đề văn biểu cảm

Đề văn biểu cảm bao giờ cũng nêu ra đối tượng biểu cảm và định hướng tình cảm cho bài văn. Chẳng hạn một số đề sau:

– Cảm nghĩ về dòng sông

– Cảm nghĩ về đên trăng trung thu

– Cảm nghĩ về nụ cười của mẹ

– Cảm nghĩ về những vui buồn tuổi thơ

– Cảm nghĩ về loài cây em yêu

*  Cách làm bài văn biểu cảm

– Các bước làm bài văn biểu cảm là tìm hiểu đề và tìm ý, lập dàn bài, viết bài và sửa bài.

– Muốn tìm ý cho bài văn biểu cảm thì phải hình dung cụ thể đối tượng biểu cảm trong mội trường hợp và cảm xúc, tình cảm của mình trong các trường hợp đó.

– Tìm lời văn thích hợp và gợi cảm.

b) Cách lập ý cho bài văn biểu cảm

Để tạo ý cho bài biểu cảm, khơi nguồn cho mạch cảm xúc nảy sinh, người viết có thể hồi tưởng kỷ niệm quá khứ, suy nghĩ về hiện tại, mơ ước tới tương lai, tưởng tượng những tình huống gợi cảm, hoặc vừa quan sát vừa suy ngẫm, vừa thể hiện cảm xúc.

Nhưng dù dùng cách gì thì tình cảm trong bài cũng phải chân thật và sự việc được nêu ra phải có trong kinh nghiệm. Được như thế bài văn mới làm cho người đọc tin và đồng cảm.

c) Các yếu tố tự sự, miêu tả trong văn biểu cảm.

– Muốn phát biểu suy nghĩ, cảm xúc đối với đời sống xung quanh,hãy dùng phương thức tự sự và miêu tả để gợi ra đối tượng biểu cảm và gửi gắm cảm xúc.

Ví dụ:

          Những ngón chân của bố khum khum, lúc nào cũng như bám vào đất để khỏi trơn ngã. Người ta nói ” đấy là bàn chân vất vả”. Gan bàn chân bao giờ cũng xám xịt và lỗ rỗ, bao giờ cũng khuyết một miếng, không đầy đặn như gan bàn chân người khác. Mu bàn chân mốc trắng, bong da từng bãi, lại có nốt lấm tấm. Đêm nào bố cũng ngâm nước nóng hoà muối, gãi lấy gãi để rồi bỏ vào đôi guốc mộc. Khi ngủ bố rên, rên vì đau mình, nhưng cũng rên vì nhức chân. Rượu tê thấp không tài nào xoa bóp khỏi.

           Bố đi chân đất. Bố đi ngang dọc đông tây đâu đâu con không hiểu. Con chỉ thấy ngày nào bố cũng ngâm chân xuống nước, xuống bùn để câu quăng. Bố tất bật đi từ khi sương còn đẫm ngọn cây ngọn cỏ. Khi bố về cũng là lúc cây cỏ đẫm sương đêm. Cái thúng câu bao lần chà đi xát lại bằng sắn thuyền. Cái ống câu nhẵn mòn, cái cần câu bóng dấu tay cầm…Con chỉ biết cái hòm đồ nghề cắt tóc sực mùi dầu máy tra tông-đơ, cái ghế xếp bao lần thay vải, nó theo bố đi xa lắm.

          Bố ơi! Bố chữa làm sao được lành lặn đôi bàn chân ấy: đôi bàn chân dầm sương dãi nắng đã thành bệnh.

( Duy Khán, Tuổi thơ im lặng)

–  Tự sự và miêu tả ở đây nhằm khêu gợi cảm xúc, do cảm xúc chi phối chứ không nhằm mục đích kể chuyện, miêu tả đầy đủ sự việc, phong cảnh.

d) Cách làm bài văn biểu cảm về một tác phẩm văn học.

Phát biểu cảm nghĩ về một tác phẩm văn học ( bài văn, bài thơ) là trình bày những cảm xúc tưởng tượng, liên tưởng suy ngẫm của mình về nội dung và hình thức của tác phẩm đó.

Bài cảm nghĩ về một tác phẩm văn học cũng phải có 3 phần:

– Mở bài: Giới thiệu tác phẩm và hoàn cảnh tiếp xúc với tác phẩm

– Thân bài: Những cảm xúc suy nghĩ do tác phẩm gợi lên

– Kết bài: Ấn tượng chung về tác phẩm