Kỹ năng Phân tích Thơ – Chương 3 ( Bài 2)

3. Vần:
a. Khái niệm: Là hiện tượng lặp lại khuôn vần trên một hay nhiều dòng thơ ( cấu tạo của vần gồm hai phần: Nguyên âm và phụ âm cuối).

b.Chức năng: Gieo vần trước hết giúp cho thơ tăng cường khả năng lưu giữ và truyền đạt. Thứ đến, ở một số vần trong thơ tiếng Việt có biểu tượng âm thanh. Nghĩa là, mỗi khuôn vần có khả năng thể hiện một loại cảm xúc, tâm trạng, … nào đó.
c. Các kiểu gieo vần trong thơ tiếng Việt:
*Vần trắc – vần bằng:
“Cũng có lúc chơi vơi nơi dặm khách
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo
Có khi từng gác cheo leo
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang”
(Khóc Dương Khuê-Nguyễn Khuyến)
Khách/ rách: gieo vần trắc; đèo / leo / chiều: gieo vần bằng
*Gieo vần theo chiều dọc – chiều ngang:
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”
(Đây mùa thu tới – Xuân Diệu)
Liễu/ đìu / hiu / chịu: gieo vần theo chiều ngang(trên cùng một dòng thơ) .Tang / hàng : Gieo vần theo chiều dọc(vần ở hai dòng thơ)
*Gieo vần gián cách – liên hoàn:
Ví dụ 1:
“Hôm qua còn theo anh
Đi trên đường quốc lộ
Hôm nay đã chặt cành
 Đắp cho người dưới mộ”
(Viếng bạn – Hoàng Lộc)
Ví dụ 2 :
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”
(Tràng Giang – Huy Cận)
*Gieo vần chính – vần thông:
+ Gieo vần chính: Là hiện tượng lặp lại nguyên khuôn vần. 
Ví dụ:
“Ai đem phân chất một mùi hương
Hay bản cầm ca tôi đã thương
Chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc
Như thuyền ngư phủ lạc trong sương”
(Xuân Diệu)
+ Gieo vần thông: Là hiện tượng lặp vần có nguyên âm và phụ âm cùng dòng.
–        Các dòng nguyên âm của tiếng Việt:
–        
Dòng khép
Dòng mở
Dòng tròn môi
i
a, ă
o
ê
ơ,â
u
e
ư
ô
 
 
– Các dòng phụ âm cuối của tiếng Việt :
Dòng tắt   : t , c , ch ,p
Dòng vang: m , n , ng , nh
 
Ví dụ:
"Có khi từng gác cheo leo
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân
Có khi bàn soạn câu văn
Biết bao đông bích điển phần trước sau”
(Khóc Dương Khuê – Nguyễn Khuyến)
Các âm tiết gieo vần : leo – chiều / xoang – ngon / xuân – văn – phần.
Phân tích thơ về mặt gieo vần, cần phải nắm biểu tượng âm thanh của nguyên âm và phụ âm cuối.
Xin nêu ra vài trường hợp để người đọc tham khảo : 
*Nguyên âm o, u, ô : Nếu xuất hiện ở cuối câu thơ sẽ làm cho nhạc điệu trầm buồn phù hợp cho việc diễn tả nỗi buồn, tang chế.
Ví dụ : Bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” (Nguyễn Đình Chiểu) có 30 câu văn. Cuối mỗi câu đều
xuất hiên một trong các nguyên âm o, u, ô.
 
*Nguyên âm a, ă, ơ, â : Biểu tượng âm thanh của các nguyên âm này là gợi nên cảm giác vui tươi bay bổng, sự phóng khoáng.
            Ví dụ : “Không có kính ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
                         Không cần lửaphì phèo châm điếu thuốc
                        Nhìn nhau mặtlấm cười ha ha”
(Tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)
Nguyên âm “a” cũng là vần “a” có mặt ở vị trí kết thúc câu thơ thể hiện bản chất yêu đời và tính cách phóng khoáng của các chiến sĩ lái xe. 
*Nguyên âm i, e,ê : thường có chức năng biểu hiện những tình cảm trong sáng , nhí nhảnh, hồn nhiên.
Ví dụ:
“Chàng ngồi bên me em
Me hỏi chuyệnlàm quen
Thưa thầy đi chùa ạ
Thuyền đông, giời ôi chen !”
(Chùa Hương – Nguyễn Nhược Pháp)
 
– Nguyên âm “e” đi với bán nguyên âm cuối “o” tạo ra vần “eo” có giá trị gợi ra những hình ảnh sự vật có kích thước bị thu hẹp lại và không vững chãi.
Ví dụ:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyên câu bé tẻo teo”
(Thu Điếu – Nguyễn Khuyến)
 
– Nguyên âm “e” đi với bán nguyên âm đầu ”o” tạo ra vần “oe” có giá trị gợi ra hình ảnh về sự vật có kích thước mở rộng ra.
Ví dụ:
“Năm gian nhà cỏ thấp le te
Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè
Lưng dậu phất phơ màu khói nhạt
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe”
(Thu ẩm – Nguyễn Khuyến)
 
* Phụ âm tắt (phụ âm không mũi) p, c, ch, t : Các câu thơ được tổ chức bằng những từ, vần có phụ âm cuối tắt thường có sắc thái biểu hiện cho những tình cảm khúc mắc,nghẹn ngào, trắc trở :
Ví dụ1:
“ Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?”
(Nhớ rừng – Thế Lữ)
Câu thơ có giọng tráng ca hào hùng nhưng những phụ âm tắt (chết, mặt, gắt, mật ) ấy lại làm nên các uất nghẹn, căm hờn của chúa tể sơn lâm khi bị giam cầm trong một thế giới chật chội , giả tạo.
*Phụ âm vang (phụ âm mũi) m, n, ng, nh : Những âm tiết có phụ âm cuối vang thì khiến âm điệu câu thơ bay bổng ngân vang và thường có khả năng diễn tả tình cảm vui sướng, hạnh phúc dàn trải mênh mang.
Ví dụ :
“Em ơi Ba Lan mua tuyết tan
Đường bạch dương đường trắng năng tràn
Em đi nghe tiếng người xưa vọng
Một giọng thơ ngâm một giọng đàn”
(Em ơi Ba Lan – Tố Hữu)
Khổ thơ sử dụng nhiều lần nguyên âm “a” và các phụ âm cuối vang khiến cho nhạc thơ vang động gợi nên một bức tranh tươi sáng và những tình cảm vui tươi , dàn trải.
 
Tóm lại, trong tiếng Việt có nhiều vần, nguyên âm, phụ âm có giá trị gợi hình gợi cảm. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng : Không phải tất cả các từ có những vần , nguyên âm, phụ âm như đã trình bày đều có khả năng gợi hình, gợi cảm. Bởi vì, ngoài mối quan hệ có lý do giữa vỏ âm thanh và ý nghĩa , ngôn ngữ còn có mối quan hệ võ đoán (không lý do) giữa âm và ý. Ở đây, ta chỉ đề cập đến các trường hợp nằm trong mối quan hệ thứ nhất mà thôi.

Do vậy, nếu thuần tuý, phân tích ngôn ngữ thơ ở quan hệ võ đoán giữa âm thanh và ý nghĩa thì hiểu thơ một cách hời hợt. Ngược lại, nếu chỉ căn cứ vào mối quan hệ có lý do giữa âm thanh và ý nghĩa thì sẽ dẫn đến chỗ máy móc và có những kết luận hồ đồ.