Câu 36: Nguyên nhân ra đời Asean, Hiệp ước Bali

Soạn bài online – Ôn thi lịch sử thế giới 
Câu 36. Trình bày nguyên nhân ra đời của tổ chức ASEAN. Nội dung chính của Hiệp ước Bali là gì ? Tại sao nói từ cuối thập niên 80 trở đi, một thời kì mới đã mở ra cho các nước Đông Nam Á ?
(Đề thi HSG cấp THPT, TP. Hồ Chí Minh, năm 2009)

 
1. Nguyên nhân ra đời của tổ chức ASEAN :
 
– Bước vào nửa sau những năm 60, tình hình Đông Nam Á và thế giới có nhiều chuyển biến tác động tới các nước trong khu vực. Sau hơn 20 năm đấu tranh giành và bảo vệ độc lập cũng như xây dựng kinh tế, nhiều nước trong khu vực bước vào thời kì ổn định, dốc sức phát triển kinh tế. Các nước có nhu cầu hợp tác với nhau.
 
– Trong bối cảnh Mĩ ngày càng sa lầy trên chiến trường Đông Dương, họ muốn liên kết lại để một mặt giảm bớt sức ép của các nước lớn, mặt khác hạn chế ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội đang thắng lợi ở Trung Quốc và Việt Nam. Đặc biệt, những tổ chức hợp tác mang tính chất khu vực trên thế giới xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là sự thành công của khối EEC đã cổ vũ rất lớn đối với các nước Đông Nam Á.
 
– Ngày 8 – 8 – 1967, tại Băng Cốc (Thái Lan), “Hiệp hội các nước Đông Nam Á” (ASEAN) được thành lập gồm 5 nước: Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia, Xingapo và Philíppin. Trụ sở đặt tại Jakarta (Inđônêxia).
 
2. Nội dung Hiệp ước Bali (1976) :
 
– Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ;
– Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau;
– Không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực với nhau; giải quyết các tranh chấp bằng phương pháp hòa bình;
– Hợp tác phát triển có hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
 
3. Từ cuối thập niên 80 trở đi, một thời kì mới đã mở ra cho các nước Đông Nam Á…
 
– Từ cuối thập kỉ 70 đến giữa thập kỉ 80 (của thế kỉ XX), tình hình giữa hai nhóm nước khá căng thẳng do sự can thiệp của các nước lớn khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia lật đổ chế đô diệt chủng Khơme đỏ.
 
– Từ cuối những năm 80, quan hệ quốc tế có nhiều thay đổi :sự chấm dứt Chiến tranh lạnh và vấn đề Campuchia được giải quyết, tình hình chính trị khu vực được cải thiện rõ rệt, sự đối đấu giữa các nước trong khu vực không còn nữa -> đó là điều kiện quan trọng để xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển.
 
– Năm 1999, ASEAN đã phát triển thành 10 nước thành viên. Từ đây, trên cơ sở một tổ chức thống nhất, ASEAN chuyển trọng tâm hoạt động sang hợp tác kinh tế, đồng thời xây dựng một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định để cùng nhau phát triển phồn vinh.
 
– Để đạt được mục tiêu này, 1992 ASEAN quyết định biến Đông Nam Á thành một khu vực mậu dịch tự do (AFTA) trong vòng 10 đến 15 năm. Năm 1994, ASEAN lập diễn đàn khu vực (ARF) nhằm tạo nên một môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc hợp tác phát triển của Đông Nam Á .
 
– Tháng 11 – 2000, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13 đã kí kết bản Hiến chương ASEAN nhằm xây dựng một Cộng đồng ASEAN có vị thế cao và hiệu quả hơn.