Kỹ năng phân tích Thơ – Chương 2

Soạn bài online – Ôn tập môn Văn
CHƯƠNG II:  ĐƠN VỊ THƠ
Như đã trình bày, quá trình tiếp nhận tác phẩm thơ phải qua hai giai đoạn: Cảm thơ và phân tích thơ. Riêng giai đoạn phân tích thì phải trải qua hai bước theo nghĩa từ nguyên của phép chiết tự từ “ phân tích ”.

“Phân” là bước một, là việc chia nhỏ, lựa chọn tác phẩm ra thành nhiều phần (hoặc nhiều đoạn, nhiều câu, nhiều ý…) để tìm hiểu. “Tích ” là bước thứ hai, là việc tổng hợp kết quả tìm hiểu, tiếp nhận ở bước một. Trong hai bước trên, bước một có một vai trò đáng kể trong việc phân tích 
thơ.
Mỗi tác phẩm thơ là một chỉnh thể nghệ thuật. Ở đó, ngôn ngữ được nhà nghệ sĩ tổ chức thành một hệ thống bởi những nguyên tắc và lôgic nhất định. Nghĩa là những từ ngữ, hình ảnh trong thi phẩm có mối quan hệ mật thiết, ràng buộc và chi phối nhau làm nên sự nhất quán trong nội dung biểu đạt của thi phẩm. Song khi phân tích thơ, người ta không phải làm việc một cách chung chung, bao quát trên chỉnh thể ấy, mà phải chia nhỏ tác phẩm ra thành nhiều đơn vị, khía cạnh ngôn ngữ để tiếp cận. Việc phân chia tác phẩm ra thành nhiều phần nhỏ sẽ tạo nên những  đơn vị thơ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận tác phẩm thơ. Thường thấy, khi phân tích một bài thơ, người đọc thường hay chia nhỏ thành từng đoạn (gọi là bố cục). Và hơn thế nữa, người đọc còn phân đoạn ra thành các yếu tố nhỏ hơn, như: Câu, ngữ, tổ hợp từ, tập hợp từ, từ…
Ví dụ: Để chia câu thơ: “Bác Dương thôi đã thôi rồi” (Khóc Dương Khuê – Nguyễn Khuyến) thành các đơn vị thơ để phân tích, thì ta có thể chia thành hai đơn vị như sau:
+ Đơn vị một: “Bác Dương” 
+ Đơn vị hai: “Thôi đã thôi rồi”
Ở đơn vị 1, chúng ta nhất thiết phải làm rõ lý lịch và quan hệ  của bác Dương với tác giả (chủ thể trữ tình). Ở đơn vị 2, về mặt nghệ thuật , ta chia hai thủ pháp nghệ thuật để bàn .
+ Đơn vị 2a: nói tránh (nói giảm). Nhà thơ không trực tiếp dùng từ “chết” vừa nhằm giảm bớt nỗi đau, vừa tỏ thái độ trân trọng với Dương Khuê.
+ Đơn vị 2b: Điệp từ và gieo vần (từ “thôi” vần “ôi” ) khiến câu thơ như một tiếng thở dài không giấu hết nỗi đau đứt ruột của tác giả khi mất bạn .
Nếu ở giai đoạn cảm thơ, chúng ta cảm được, hay cụ thể hơn là “nghe” được tiếng thở dài ấy thì ở giai đoạn phân tích việc chỉ ra tiếng thở ấy không gặp khó khăn gì mấy. Tương tự như vậy, ta chắc chắn nghe được tiếng thở dài mang theo bao nhiêu đau đớn của Nguyễn Đình Chiểu trước sự hy sinh của các nghĩa dân lục tỉnh.
“Ôi thôi thôi! Chùa Tông Thạnh năm cảm  ưng đóng lạnh . Tấm lòng son gửi lại bóng trăng tròn”.
(Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc)
Vậy, đơn vị thơ là những tập hợp từ, tổ hợp từ ,… chứa đựng ít nhất giá trị nào đó về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm thơ. Là đối tượng cụ thể cho việc phân tích thơ. Cụ thể hơn, nó là cái để chúng ta thẩm bình và đánh giá giá trị của thi phẩm .
Những nguyên tắc phân tích như sau:
– Đơn vị thơ ít nhất phải chứa đựng một giá trị nội dung và nghệ thuật nào đo.
– Những giá trị của đơn vị thơ phải thống nhất, đồng thời bổ sung, tô đậm chủ đề hoặc hình tượng của tác phẩm.
– Các đơn vị thơ phải có mối quan hệ và thống nhất với nhau trên mạch cảm xúc chính của tác phẩm.
– Xác định đơn vị thơ phải theo một trật tự nhất định, từ lớn đến nhỏ, từ khái quát đến cụ thể. Các đơn vị thơ phải được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để thẩm bình. Bởi vì, vai trò và chức năng của các đơn vị thơ không như nhau.
Do đó, khi đi tìm đơn vị thơ, cần tránh các khuynh hướng sau đây:
+ “Chẻ sợi óc làm tư” 
+ Thụ động, máy móc 
Rõ ràng, không xác định được đơn vị thơ thì hẳn không phân tích được tác phẩm thơ, tương tự nếu xác định sai thì sẽ phân tích sai.Dưới đây là một vài ví dụ về cách xác định đơn vị thơ được trình bày từ cấp độ lớn đến nhỏ.

 


– Đơn vị thơ là một đoạn: Bài thơ “Bài ca chúc tết thanh niên” (Phan Bội Châu) gồm 21 dòng thơ được chia làm ba đoạn: 

+ Đoạn 1 gồm ba dòng đầu: Lời mùa xuân
+ Đoạn 2 gồm năm dòng tiếp theo: Tâm sự của tác giả về những năm tháng hoạt động cách mạng
+ Đoạn 3 gồm phần còn lại: Lời hắn nhủ động viên, niềm tin của tác giả đối với thế hệ trẻ
– Đơn vị thơ là một dòng: Bài ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen” chia thành ba đơn vị 
+ Đơn vị 1: Là dòng đầu: “Trong đầm gì đẹp bằng sen”
+ Đơn vị 2: Là hai dòng giữa: “Lá xanh bông trắng lại chen nhuỵ vàng
                                                  Nhuỵ vàng bông trắng lá xanh “
+ Đơn vị 3: Là dòng cuối: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”
– Đơn vị thơ là một tổ hợp từ (ngữ):
“Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi
Đất nước có từ cái “ngày xửa … ngày xưa “ mẹ thường hay kể ”
                                                (Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm )
Câu thơ trên có nhiều tổ hợp từ. Song, tổ hợp từ có vị trí và vai trò quan trọng hơn cả là: “ngày xửa … ngày xưa”. Về mặt nghệ thuật, tác giả vận dụng cách kể của chuyện cổ tích để biểu đạt nội dung là đất nước có từ lâu đời
– Đơn vị thơ là một tập hợp từ:
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”
(Đây mùa thu tới – Xuân Diệu)
Đoạn thơ có một tập hợp từ rất quan trọng: Đìu hiu/ tang/ buồn/ lệ. Bốn từ này tập hợp lại, gắn bó, cộng hưởng về nghĩa để biểu đạt nỗi buồn của tác giả  trong mùa thu chia ly.
– Đơn vị thơ là một từ: Bài thơ dĩ nhiên có nhiều từ, nhưng không phải từ nào cũng là đơn vị thơ (là cái để
phân tích ).  Có khi cả bài thơ chỉ có một từ, nhưng đó là từ đóng vai trò hạt nhân của nguyên tử, chứa đựng phần lớn năng lượng của thi phẩm, hay của đoạn thơ, dòng thơ.
Ví dụ: Từ “đế” trong “Nam quốc sơn hà” (Lý Thường Kiệt), từ “hồng” trong bài “Mộ ” (Hồ Chí Minh)…