Bình bài thơ Tương Tư của Nguyễn Bính

Soạn bài online – Ngữ văn 11

Bình bài thơ Tương Tư của Nguyễn Bính

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông, 
Một người chín nhớ mười mong một người. 
Gió mưa là bệnh của trời, 
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng. 

Hai thôn chung lại một làng, 
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày, 
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng. 
Bảo rằng cách trở đò giang, 
Không sang là chẳng đường sang đã đành. 
Nhưng đây cách một đầu đình, 
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi… 
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, biết ai người biết cho? 
Bao giờ bến mới gặp đò? 
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau? 
Nhà em có một giàn trầu, 
Nhà anh có một hàng cau liên phòng. 
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông, 
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào
Hai câu đầu chân chất mà lại sâu sắc. Câu trên mở ra chiều rộng của không gian. Câu dưới mở ra chiều dài của thời gian. Tương tư, nghĩ cho cùng, là một ám ảnh day dứt về không gian và về thời gian. Nhớ nhau, người ta đo từng khoảng cách. Nhớ nhau, người ta đếm từng khoảnh khắc.
Không phải ngẫu nhiên mà, trong cõi thiên hà thơ tương tư của nhân loại, từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, đâu đâu cũng chập chùng những sông những núi, đâu đâu cũng có tiếng đồng hồ gõ nhịp và những bước mùa đi. Ở câu đầu, để nhấn mạnh và cũng để cụ thể hoá ám ảnh về khoảng cách trong tâm trạng tương tư, Nguyễn Bính đồng nhất con người và địa phương họ cư ngụ. Anh là thôn Đoài. Em là thôn Đông. Cách xa vời vợi.
Mà đó không phải chỉ là khoảng cách ngoại giới. Có khi chỉ là một quãng đường, một con ngõ, hay ngay cả một bờ giếng, một giậu mồng tơi cũng chia biệt con người thành hai vũ trụ xa khuất. Ngàn trùng.
Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, thấy mênh mông bát ngát 
Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng, cũng bát ngát mông mênh
(Ca dao)
Có lẽ vì thế, Vũ Hoàng Chương, cùng thời với Nguyễn Bính, rất thân với Nguyễn Bính, đã viết một câu thơ có sức khái quát cao:
Tương tư có nghĩa là non ải
(Cảm thông)
Khái niệm “non ải”, trong bài “Tương tư”, được hiện hình thành hai bóng dáng cực kỳ nhỏ nhoi và lẻ loi của “một người” đứng án ngữ hai đầu câu thơ thứ hai mà giữa họ, ngăn cách họ, là những “chín nhớ mười mong”.
Hãy để ý đến những số từ. Nếu “một” gợi lên ấn tượng đơn chiếc thì những “chín”, những “mười” lại gợi đến những “tam tứ núi, ngũ lục sông, thập bát đèo” trong ca dao cũ.
Rồi nguyên âm ơ và những nguyên âm đôi ươ, nhẹ như hơi thở, liên tiếp nhau, bồng bềnh bên nhau, càng làm cho dòng sông Tương trong câu thơ trở thành biệt mù, xa khơi hơn nữa.
“Chín nhớ mười mong” là chiều dài thăm thẳm của thời gian, là cái tâm trạng “ba thu dọn lại một ngày”… và “tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao” của Kim Trọng ngày nào. Nguyễn Bính sẽ nhấn mạnh lại ý này ở hai câu sau:
Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.
Thử bỏ đi động từ “nhuộm” hoặc thế động từ “nhuộm” bằng một từ nào khác, ví dụ như chữ “giờ”, “lá xanh giờ đã thành cây lá vàng”, thì câu thơ sẽ ra sao?
Nó sẽ nhẹ hẳn đi. Tức khắc. Không có chữ “nhuộm”, câu thơ chỉ có một nghĩa: hiện tượng chuyển mùa; trước là mùa xuân (hay mùa hạ?), nay là mùa thu. Thêm chữ “nhuộm”, một động từ, ngoài ý nghĩa trên, câu thơ còn có ý nghĩa khác: đó là quá trình chuyển mùa.
Giữa hai thời điểm xuân và thu, xuất hiện đôi mắt người con trai không ngừng khắc khoải trông ngóng. Anh đếm từng ngày, từng ngày. Ròng rã. Anh quan sát mùa thu về, từ từ, từ từ. Một chiếc lá vàng. Hai chiếc lá vàng. Ba chiếc lá vàng. Rồi cả cây, điệp điệp lá, vàng hực lên. Cho nên, sau chữ “nhuộm” là tấm lòng của người con trai tương tư đang mòn mỏi. 
Bài thơ, như vậy, cứ xoáy sâu vào khoảng cách. Từ khoảng cách vời vợi của không gian đến khoảng cách đằng đẵng của thời gian.
Tuy nhiên, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy, từ bài thơ, có một điều ngược hẳn lại. Đó là nỗ lực xoá nhoà mọi khoảng cách của người tương tư.
Bằng lý trí, anh biết, biết rất rõ bi kịch của anh là một sự phi lý: khoảng cách thực sự giữa anh và người anh yêu có xa xôi gì lắm đâu. Cả hai cùng ở một làng. Không có núi. Không có sông. Chỉ cách một đầu đình.
Bằng hy vọng, có khi bằng cả ảo vọng, anh thấy quan hệ giữa anh và người anh yêu thật gần gũi. Trong bài thơ, người con trai và người con gái xuất hiện dưới nhiều hình tượng khác nhau song lúc nào cũng sóng đôi, theo cặp:
thôn Đoài / thôn Đông
bên này / bên ấy
đò / bến
bướm giang hồ / hoa khuê các
cau / trầu
Tất cả những hình tượng trên đều không mới. Rất quen thuộc trong ca dao. Thế nhưng, ở đây, chúng ta chỉ nên để ý đến thứ tự xuất hiện các hình tượng ấy. Thoạt đầu, chỉ là “thôn Đoài”, “thôn Đông”, “bên ấy” với “bên này” thôi. Rồi dần dần, quan hệ giữa “bên ấy” và “bên này”, trong tâm tưởng người tương tư phấp phỏng hy vọng, biến thành quan hệ giữa “đò” và “bến”, giữa “bướm” và “hoa”, cuối cùng, thành quan hệ giữa “trầu” và “cau”, nghĩa là ước mơ thành vợ thành chồng.
Như vậy, kết cấu của bài “Tương tư” được xây dựng trên hai xu hướng hoàn toàn trái ngược nhau.
Một là xu hướng đào sâu các khoảng cách. Bằng tâm trạng “chín nhớ mười mong”.
Hai là xu hướng xoá nhoà mọi khoảng cách. Bằng hy vọng và bằng cả ảo vọng.
Hai xu hướng trên cùng tồn tại trong tâm hồn người tương tư nhưng không ngừng xung đột với nhau.
Hậu quả: tương tư là một trạng thái tâm lý thường xuyên bất ổn. Lúc nào cũng trăn trở. Lúc nào cũng thao thức. Bài thơ có thật nhiều câu nghi vấn với những câu hỏi day dứt không nguôi. Lại càng nhiều hơn nữa những liên từ mang tính chất lý luận, hoặc đúng hơn, tính chất cãi cọ: cớ sao… bảo rằng…đã đành…nhưng…Một hiện tượng hiếm thấy, rất hiếm thấy trong ca dao. Và cả trong thơ cổ.
Nỗi trăn trở và thao thức của người tương tư còn được thể hiện qua biện pháp điệp từ rất phổ biến trong cả bài thơ. Trong 20 câu, có đến 10 câu, tức một nửa, mang từ điệp. Chưa kể hình thức điệp ngữ: bệnh (của trời) rồi bệnh (của tôi); nhà em có một (giàn trầu) rồi nhà anh có một (hàng cau liên phòng)…
Trong sự xung đột giữa hai xu hướng trái nghịch nhau ở trên, dưới ngòi bút Nguyễn Bính, dường như xu hướng thứ hai có nhiều ưu thế.
Có ba bằng chứng.
Một là, bài thơ kết thúc bằng hình ảnh trầu và cau, nghĩa là kết thúc với viễn tượng hôn nhân giữa hai người.
Hai là, câu thơ cuối cùng trở thành nhẹ nhàng với sự biến mất của từ thôn Đông để thế bằng nhóm từ thôn nào lửng lơ.
Ba là, nhà thơ đổi giọng: ở đầu bài là thứ ngôn ngữ kể chuyện, bâng quơ, trống không: tôi và nàng; ở cuối bài là ngôn ngữ đối thoại, thầm thì với người yêu trong tưởng tượng: nhà em – nhà anh. Ngôi thứ ba biến thành ngôi thứ hai và cùng với nó, sự xa cách biến thành sự gần kề.
Đây là điều lạ. Cùng thời với Nguyễn Bính, trong phong trào Thơ Mới, ít có ai lạc quan đến thế. Phần lớn đều thích đau khổ hơn là hạnh phúc; thích sự tan vỡ hơn là sự sum hợp; thích khóc hơn là thích cười. Nguồn cảm hứng của họ thường loé sáng từ những giọt nước mắt. Hồ Dzếnh nhắn gửi người yêu: “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé”. Chế Lan Viên đòi nhặt lá vàng để “chắn nẻo xuân sang”. Xuân Diệu năn nỉ: “Hãy là hoa xin hãy khoan là trái”.
Sự khác biệt này làm cho bài “Tương tư” của Nguyễn Bính khác hẳn bài “Tương tư, chiều” của Xuân Diệu và bài “Trường tương tư” của Hàn Mặc Tử, đồng thời ở mức độ nào đó, cũng có thể nói, đã góp phần tạo nên bản sắc thơ Nguyễn Bính nói chung.
Nguyễn Bính không ồn ào, không la thét, không quằn quại. Nguyễn Bính bao giờ cũng rất hiền lành với những nỗi bâng khuâng dìu dịu, chơi vơi. Tương tư, dưới ngòi bút Nguyễn Bính, cũng chỉ là một nỗi niềm chơi vơi. Muôn đời chơi vơi. Như “sương nương theo trăng ngừng lưng trời”.
Bài “Tương tư,” do đó, không phải là một chuyện tình, một mối tình của Nguyễn Bính hay của bất cứ ai khác. Nó chỉ là một nỗi niềm chơi vơi. Một làn sương bay lãng đãng trong tâm tưởng